+Aa-
    Zalo

    Nông dân đầu tư trăm triệu trồng ngô đau đớn vì chủ mua phá cam kết

    • DSPL
    ĐS&PL Bà con vay mượn hàng trăm triệu đầu tư,hy vọng vụ mùa bội thu. Oái oăm, đến vựa thu hoạch bà con “ngấp ngoái” chịu cảnh tay trắng bởi đơn vị thu mua phá cam kết.

    (ĐSPL) - Sau cơn đại hạn kéo dài, trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi mới trong nông nghiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vui mừng như “vớ được cọc” khi một công ty chăn nuôi tìm về động viên bà con trồng cây ngô và cam kết bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Do đó, hầu hết bà con mạnh dạn vay mượn hàng trăm triệu đầu tư, hy vọng vụ mùa bội thu. Oái oăm, đến vựa thu hoạch bà con “ngấp ngoái” chịu cảnh tay trắng bởi đơn vị thu mua “bỏ của chạy lấy người”.

    Cam kết thật thu mua ảo

    Giai đoạn 2015- 2016, người dân Tây Nguyên phải “oằn mình” chống chọi với cơn đại hạn khốc liệt, kéo dài trong lịch sử. Tại địa bàn thị xã Ayun Pa (Gia Lai), hàng trăm hộ dân “điêu đứng” khi mùa màng thất bát, hàng trăm nghìn héc-ta mía chết khô. Sau cơn đại hạn, khi những cơn mưa đầu nguồn đổ xuống, cũng là lúc hàng trăm hộ dân lại loay hoay tìm hướng đi mới trong nông nghiệp. Trong khi hầu hết bà con đang phân vân thì hy vọng được nhen nhóm trở lại. Họ hay tin đầu mối thuộc công ty CP Chăn nuôi Gia Lai tìm về định hướng cho bà con trồng cây ngô cam kết bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm.

    Người dân lo lắng khi hàng trăm héc-ta ngô không được thu mua.

    Theo người dân, ông Nguyễn Công Duy (đầu mối thu mua của công ty CP Chăn nuôi Gia Lai) là người trực tiếp tìm về địa phương vạch kế hoạch cho bà con trồng ngô lấy thân cho bò ăn. Ông Duy trấn an, hiện tại, công ty của đơn vị Hoàng Anh Gia Lai nuôi hàng nghìn con bò, bà con yên tâm không phải lo đầu ra. Bên cạnh đó, ông cũng cam kết bằng hợp đồng giấy trắng mực đen với người dân. Nghe tin này, nhiều người đã đặt bút ký cam kết.

    Theo bản hợp đồng anh Đặng Bá Quốc cung cấp cho PV, cam kết các điều khoản: Bên A – bên thu mua là Nguyễn Công Duy (trú tổ 1, xã Thành An, thị xã An Khê) đảm nhiệm cấp giống ngô DK9955, giá 125 ngàn đồng/kg. Bên B – bên bán hàng là anh Đặng Bá Quốc (thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao) thực hiện theo cam kết do bên A quy định, thời gian xuống giống từ 27/5 – 12/6, thời gian thu hoạch của bên A là từ 20-8 – 15-9. Bên A có trách nhiệm tiêu thụ toàn bộ cây ngô tươi do bên B triển khai trồng trong năm 2016. Trách nhiệm của bên B là cam kết sử dụng đúng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuyên dùng cho cây ngô nằm trong danh sách bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.

    Về phương thức mua bán sản phẩm, bên A tổ chức thu mua sản phẩm nguyên liệu cây ngô theo các tiêu chuẩn: Thân cây ngô có từ 1/2 trái, có tối đa 2 lá vàng/cây, ngô trái đang ở giai đoạn chín sáp tương đương 70/85 ngày, sau khi gieo, thời gian từ khi ngô được thu hoạch đến khi bốc lên xe không quá 12 tiếng. Giá thu mua hai bên thỏa thuận 700 đồng/kg ngô tươi tại ruộng.

    Trong quá trình thực hiện có phát sinh mới hai bên sẽ tiến hành thương lượng giải quyết vướng mắc. Trường hợp thương lượng, hòa giải không đạt được kết quả thì các bên tranh chấp ra tòa kinh tế để giải quyết theo pháp luật.

    Anh Quốc phân trần: “Thấy bà con hào hứng xuống giống, tôi sốt sắng gọi điện trao đổi, ông Duy quả quyết “cứ yên tâm xuống giống đầu ra không phải lo”. Do đó, tôi cùng nhiều hộ gia đình khác trực tiếp gặp ông Duy, hai bên cam kết hợp đồng giấy trắng mực đen hẳn hoi. Bởi tin tưởng ông Duy tôi mạnh dạn đầu tư 7ha với hy vọng vớt vát vụ mía vừa qua. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, ông Duy chỉ thu mua 3ha số lượng 19 tấn thành tiền 13 triệu đồng.

    Theo anh Quốc, ngô thì họ đã cho xe đến chở đi nhưng đến nay tiền không chịu thanh toán. Lúc này, ông Duy “dở chứng” viện cớ ngô xấu, không đạt chuẩn thoái thác “bỏ của chạy lấy người”. Ban đầu, họ đã cam kết, giờ lại thoái thác khiến hàng trăm ha ngô được đầu tư có nguy cơ bỏ không.

    Nông dân “tiền mất tật mang”

    Trao đổi với PV, bà Trịnh Thị M. (thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao) chia sẻ: “Sau khi ký kết hợp đồng, chúng tôi thực hiện theo đúng điều khoản. Tuy nhiên, quá trình gieo trồng thời tiết không được thuận lợi, nắng hạn kéo dài, bà con khắc phục tưới nước định kỳ. Từ lúc nảy mầm cho đến độ thu hoạch, bà con cố gắng chăm bón sản phẩm đạt (70/80\%) theo yêu cầu. Lúc này, đơn vị thu mua “lật lọng”, chê bai cây ngô khô, trái ngô không đủ 12 hàng không thu mua”.

    Bà M. bày tỏ: “Lúc cam kết hợp đồng, họ “ngon ngọt” nói, trung bình 70 tấn/ha (trừ chi phí kiểu gì cũng lãi 30 triệu đồng). Tin tưởng bản hợp đồng giấy trắng mực đen, gia đình tôi “làm liều” vay mượn đầu tư hết 80 triệu đồng/4ha. Cam kết là vậy nhưng giờ họ không thực hiện, một đống tiền nằm phơi nắng, mưa ngoài đồng trong khi gia đình gánh khoản nợ không biết khi nào trả được”.

    Tiếp tục trao đổi với PV, anh Trần Văn Ph. (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) ngậm ngùi: “Ruộng rẫy bỏ không, chưa biết canh tác cây gì, hơn nữa điều khoản ông Duy đưa ra cũng “béo bở” khiến nhiều bà con nhảy vào. Bản thân tôi cũng đi vay mượn, hy vọng vớt vát chút vốn liếng. Tình hình nắng hạn, mặc dù cây ngô không đạt như ý muốn, lẽ ra đơn vị thu mua ngồi lại đàm phán tìm giải pháp tháo gỡ. Đằng này, họ viện cớ thoái thác không thu mua. Bao nhiêu tài sản, vốn liếng chúng tôi chi ra, giờ “tiền mất, tật mang”. Hơn nữa họ là đơn vị vận động, cam kết “chắc nịch” bây giờ phủi tay thật quá đáng”.

    Theo tìm hiểu của PV, ông Duy – đầu mối thu gom nguyên liệu cho công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai không chỉ hợp tác thu gom nguyên liệu trên địa bàn thị xã Ayun Pa mà còn ở nhiều địa phương khác nhau. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khánh (Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pứh) thông tin: “Ông Duy được công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai giới thiệu đến địa bàn huyện Chư Pứh hợp đồng với người dân thu gom nguyên liệu cây ngô phục vụ mục đích chăn nuôi. Tại địa bàn huyện, hiện phía ông Duy hợp đồng với người dân gieo trồng trên 30ha cây ngô nguyên liệu. Tuy nhiên, phía ông Duy chỉ thu mua của người dân được 15ha và hiện nay đã ngừng hẳn. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng đã mời đại diện đơn vị thu mua lên làm việc. Qua đó, đơn vị yêu cầu phía Công ty bù lỗ kinh phí đầu tư cho người dân, thu mua giá bắp hạt phải cao hơn giá thị trường để bù lại hao hụt năng suất do trồng kỹ thuật lấy thân”.

    Lý giải về việc tại sao không thu mua sản phẩm của người dân theo cam kết, ông Duy cho rằng, do sản phẩm không đạt chuẩn: “Loại ngô trồng cho bò ăn yêu cầu cây ngô phải có trái. Bà con trồng diện tích đảm bảo, nhưng từ ngày xuống giống đến thu hoạch thời tiết khắc nghiệt, nắng nhiều, bà con cũng tưới nhiều nhưng trái ngô không đảm bảo tiêu chuẩn. Để vớt vát, tôi đã triển khai bà con tiến hành thu hạt và sẽ có hướng khắc phục”, ông Duy thông tin.

    Không phải là người của Công ty

    Liên quan đến sự việc nói trên, ông Nguyễn Ngọc Mai, Phó Giám đốc công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai khẳng định: “Phía Công ty không ký kết hợp đồng mua, bán sản phẩm với người dân. Chúng tôi chỉ thực hiện giao dịch thu mua của ông Duy nguyên liệu ngô tươi. Tuy nhiên, quá trình giao dịch, ông Duy không đáp ứng được yêu cầu về mặt nguyên liệu, nên chúng tôi đã cắt hợp đồng. Ông Duy không phải là nhân viên của Công ty. Việc ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm của người dân là việc làm ăn của cá nhân ông Duy”. Vậy, tại sao Công ty không hợp tác, ký hợp đồng với người trồng ngô mà mua qua thương lái? Chúng tôi sẽ chuyển đến bạn đọc những thông tin về việc này ở số báo sau.

    HỒ NAM

    Xem thêm video:

    [mecloud]PgO65rwwUd[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nong-dan-dau-tu-tram-trieu-trong-ngo-dau-don-vi-chu-mua-pha-cam-ket-a148363.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan