+Aa-
    Zalo

    Nông dân lại "khóc" vì nông sản rớt giá thê thảm trong những ngày đầu năm

    • DSPL
    ĐS&PL Nhiều nông dân ở Nghệ An, Quảng Nam đã phải khóc ròng vì giá rau quá rẻ, không có người mua. Nhiều ruộng rau bị bỏ quên, cỏ mọc um tùm, vài người nhổ bắp cải về cho lợn

    Nhiều nông dân ở Nghệ An, Quảng Nam đã phải khóc ròng vì giá rau quá rẻ, không có người mua. Nhiều ruộng rau bị bỏ quên, cỏ mọc um tùm, vài người nhổ bắp cải về cho lợn ăn.

    Sau Tết, những cánh đồng chuyên canh cây rau tại các địa phương: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên... rơi vào tình cảnh vắng lặng, nhiều ruộng rau bỏ quên, cỏ mọc um tùm. 

    Bà Nguyễn Thị Minh, ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu buồn bã cho biết: Gia đình bà trồng hơn 2 sào bắp cải đang phát triển tốt, nhưng sau Tết giá rau quá bèo nên vườn rau của bà dường như thất thu.

    Cải bắp có nơi chỉ có 1.000 đ/kg. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam 

    “Năm nay người dân cũng như thương lái không mấy mặn mà đến thu mua hoặc giá thu mua quá thấp. Bao nhiêu công sức, chi phí chăm sóc nhưng rơi vào cảnh trắng tay vì rau xanh rớt giá thê thảm. Năm nay các loại rau đều thu mua thấp hơn nhiều so với các năm trước. Gia đình tôi với 2 sào cải bắp đang chuẩn bị thu hoạch nếu bán với giá 1.000 đồng/kg gia đình thất thu cả chục triệu đồng”, bà Minh cho biết.

    Được biết, vụ rau sau Tết tại xã Quỳnh Lương có 215 ha rau màu với những loại chủ lực như: su hào, cải bắp, súp lơ, cải thảo, xà lách...

    Người dân trồng rau nơi đây cho biết, do rau rớt giá thê thảm nên không muốn thu hoạch vì không có lãi. Bình quân mỗi sào rau, bà con lỗ từ 1 - 2 triệu đồng.

    Gia đình bà Nguyễn Thị Bính không mấy vui vẻ cho biết: “Vụ rau này, gia đình tôi thất thu khoảng 7 triệu đồng với 4 sào rau”.

    Su hào vứt đầy ruộng nông dân không buồn thu hoạch. Ảnh: Dân trí 

    Cũng theo người dân, thì giá rau hiện nay ở vùng vựa rau Quỳnh Lương một số loại như: su hào 1.000 đồng/kg, hành hoa 3.000 - 4.000 đồng/kg, cải bắp, rau cải các loại 1.000 đồng/kg... thậm chí không ai mua và phải nhổ bỏ lên bờ.

    Chia sẻ với báo Nông nghiệp ông Phạm Văn Mát ở thôn Buộm, xã Toàn Thắng (huyện Gia Lộc) vẫn phải hì hụi gánh đống su hào từ ruộng tập trung lên bờ để cho thương lái tới chở đi. Ông bảo lúc rau có giá, su hào mới lớn cỡ cái chén, thương lái đã tranh nhau tới ruộng tự tay chặt, rồi chuyển hàng lên xe, còn bây giờ thì ngược lại, các hộ gia đình ở vựa rau xã Toàn Thắng phải “hầu” lại cánh thương lái tận chân răng nhưng cũng chẳng ai ngó tới.

    Ra tết, thường thì năm nào giá rau cũng rẻ, nhưng có lẽ chưa có năm nào rẻ như năm nay. Lúc có giá, su hào loại đẹp thường phải 3.000 đ/củ bán tại ruộng, năm rẻ nhất cũng chỉ rớt xuống tới mức 1.000 – 1.500 đ/củ. Ấy thế mà từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá su hào loại đẹp, cỡ trung bình 1kg/củ thương lái chỉ mua vào nhúc nhắc với giá khoảng 500 đ/kg. Mỗi túi su hào 20 củ, trung bình hơn 20kg chỉ có giá 10 nghìn đồng.

    Gánh su hào của ông mát to ngon là vậy cũng chỉ 10 nghìn đồng/túi. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam 

    Cũng như ở Nghệ An, giá nông sản rớt mạnh khiến người dân vùng chuyên canh rau Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) rơi vào tình cảnh khốn đốn, khó khăn.

    Đang làm cỏ cho ruộng đậu cô-ve giống của gia đình, bà Nguyễn Thị Chín (trú xã Đại An, Đại Lộc) buồn rầu cho biết: “Trước Tết nông sản có giá khá cao, khổ qua từ 35 -70 ngàn đồng/kg, đậu cô-ve giá 20-30 ngàn đồng/kg, xà lách 30 ngàn đồng/kg… Nhưng kể từ sau Tết, các loại nông sản rớt giá mạnh, dưa leo chỉ còn 500 đồng - 1 ngàn đồng/kg, đậu cô-ve giá 2-3 ngàn/kg, khổ qua 2-3 ngàn/kg… khiến nông dân chúng tôi lao đao. Chưa kể các thương lái còn chê lên chê xuống, dưa leo hái xong thì họ bảo trái to quá không lấy, thế là đành vứt bờ”.

    Bà Chín chia sẻ thêm, mỗi sào trồng rau màu, gia đình bà lỗ khoảng 2 triệu đồng, chưa kể công chăm bón tưới tiêu. Mới trúng vụ rau Tết bán chưa được bao nhiêu thì nông sản rớt giá thê thảm, thời tiết năm nay mưa lạnh kéo dài nên trái trồng ra cũng không cho sản lượng nhiều. Hiện mấy loại cây khác gia đình bà phá rồi giờ cũng chưa biết trồng gì, còn một sào đậu cô-ve này là đậu giống của công ty phân cho trồng nên còn giữ lại.

    Đậu cô-ve xuống thấp người dân không buồn chăm bón. Ảnh: Dân Trí 

    Cũng như bao hộ trồng rau màu ở vùng chuyên canh, ông Ngô Văn Bốn trông chờ tất cả vào lứa rau củ quả Tết nhưng năm nay, ông chỉ thu hoạch được 1/3 sản lượng thì gặp đợt mất giá nặng.

    “Có người phá bỏ hoặc hái đóng bao đem về cho bò ăn. Có người đã thu hái xong gọi mãi tiểu thương không tới lấy, chỉ biết đổ bỏ ngay tại ruộng” – ông Bốn nói.

    Không chỉ riêng tại làng rau Bàu Tròn, các nơi trồng rau khác trên địa bàn huyện Đại Lộc cũng đang rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm.

    Ruộng dưa leo giá quá thấp chẳng ai buồn thu hái, trái rụng đầy gốc. Ảnh: Dân Trí 

    Tình hình tiêu thụ nông sản tại các chợ cũng chẳng mấy khả quan. Các mặt hàng khổ qua, dưa leo, đậu tây, rau xà lách, ngò, cải xanh… bán tại chợ cũng hết sức ế ẩm. Nhiều tiểu thương tranh thủ xả hàng với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg cho mỗi kg dưa, đậu tây, cải xà lách...

    Ông Lê Trọng Quốc (Giám đốc HTX rau Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) cho biết: “Trước Tết tình hình giá nông sản rất khả quan, người dân thu hái tới đâu bán được tới đó. Nhưng chỉ vài ngày sau Tết, giá nông sản rớt thê thảm, thậm chí người dân phải vứt ruộng hoặc cho bò ăn. Hiện giá nhích lên chút xíu nhưng không bao nhiêu chỉ 500 - 1.000 đồng/kg, chỉ có đậu cô-ve coi như được chút là 7.000 đồng/kg. Lý do là nông sản từ khắp nơi đổ về quá nhiều, cung lớn hơn cầu mới đẩy giá xuống thấp như vậy. Năm ngoái giá vẫn duy trì đều, cao nhưng năm nay giá đột ngột rớt mạnh người dân trở tay không kịp”.

     Kiều Trang(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nong-dan-lai-khoc-vi-nong-san-rot-gia-the-tham-trong-nhung-ngay-dau-nam-a221192.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan