+Aa-
    Zalo

    NSND Trần Phương: Những hoài niệm về "Vợ chồng A Phủ" vẫn như ngày đầu

    • DSPL
    ĐS&PL NSND Trần Phương được nhớ tới với vai diễn để đời A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ, ông thuộc thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

    NSND Trần Phương được nhớ tới với vai diễn để đời A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ, ông thuộc thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Dù đã gần 90 tuổi có chút lẫn của tuổi già nhưng mỗi khi nói về Vợ chồng A Phủ nghệ sĩ Trần Phương dường như không quên.

    NSNS Trần Phương trong vai A Phủ. 

    Đến với nghệ thuật khi tuổi đời rất trẻ

    NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Ngay từ năm 16 tuổi, ông đã rời trường học để tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, ông trở thành một trong những học viên đầu tiên của trường Văn nghệ Nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Ông theo học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ; học văn với Nguyên Hồng, Tô Hoài, học chèo với Năm Ngũ, Cả Tam và tham gia đóng ca kịch Hòn đá của Đỗ Nhuận...

    Nghệ sĩ Trần Phương nổi tiếng nhờ vai chính trong phim Vợ chồng A Phủ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Trong bộ phim này, ông đã khắc họa thành công hình ảnh chàng thanh niên người Mông A Phủ. Sau thành công của vai A Phủ, ông tiếp tục có những vai diễn thành công trong các bộ phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng như vai Khoa trong Chị Tư Hậu (1962), Khiêm trong Tiền tuyến gọi (1969), Sơn trong Biển gọi (1967), vai Tiệp trong Ngày lễ Thánh,...Với những vai diễn này, ông trở thành một trong những biểu tượng của làng điện ảnh Việt.

    Không chỉ là diễn viên nổi tiếng ông còn rất thành công khi đảm nhận vai trò đạo diễn. Một trong những bộ phim nổi bật của ông ở vai trò đạo diễn là Tội lỗi cuối cùng. Bộ phim này đã đem về cho Trần Phương giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ năm ở vai trò biên kịch, đạo diễn. Tội lỗi cuối cùng cũng là bộ phim mang lại cho diễn viên Phương Thanh giải Nữ diễn viên xuất sắc với vai Hiền "cá sấu".

    Chia sẻ về bộ phim Tội lỗi cuối cùng, nghệ sĩ Trần Phương trải lòng: Con người ông không chịu dừng lại bao giờ, luôn muốn làm cái mới, cái khác. Chính ông là người viết kịch bản phim Tội lỗi cuối cùng. Sau đó, nhận thấy không ai có thể đạo diễn phim này đúng theo ý mình nên ông bắt tay làm luôn. Để phim được chân thực, Trần Phương đã vào sống trong trại giam một thời gian.

    Sau này, nữ diễn viên Phương Thanh cũng vào trại phục hồi nhân phẩm để chung sống cùng các nữ phạm nhân nhằm có trải nghiệm cho vai diễn. NSND Trần Phương khẳng định muốn làm nghề tốt phải thâm nhập thực tế.

    Nỗi buồn khi nhớ về những chặng đường đã qua.

    Dù đã về hưu nhiều năm nhưng ông vẫn muốn được rong ruổi trên những chuyến làm phim, thế nhưng tuổi già và sức khỏe không cho phép. Đáng lẽ, giờ đây, ông phải được tận hưởng niềm vui tuổi già bên sự sum vầy của gia đình và con cái chứ không phải mang những trăn trở như hiện tại. Nói về nỗi ưu tư, NSND Trần Phương trải lòng: “Đứa con trai mà tôi gửi gắm nhiều hy vọng đã bị mất vì tai nạn khi đi học đạo diễn ở Ba Lan. Còn lại không đứa nào theo nghề của bố. Âu cũng là số phận”. Ông chấp nhận nỗi ưu tư ấy như một số phận thế nên chỉ đôi lúc buồn khi nghĩ đến chứ không biến nó thành sự nuối tiếc.

    Hiện tại, do tuổi đã cao nên trí nhớ của ông giảm sút nhiều lại thêm chứng bệnh của mấy năm trước nên việc đi lại của NSND Trần Phương gặp khó khăn. Trong những câu chuyện của ông có chuyện tỉnh có chuyện không, đôi lúc ông cứ lặp đi lặp lại một chuyện. Hỏi tên khách nhớ được lúc rồi lại quên. Tuy vậy, trong cách nói chuyện ông vẫn rất thoải mái, hào hứng khi nói đến chuyện nghề. Có lẽ, với ông, một con người từng xông pha trong nghề hết đóng phim tới làm đạo diễn, câu chuyện trên phim trường là những kỷ niệm không bao giờ quên. Và đương nhiên, ông vẫn nhớ như in Vợ chồng A Phủ - vai diễn điện ảnh đầu tiên. Đây là bộ phim do đạo diễn Mai Lộc thực hiện và nhà văn Tô Hoài viết kịch bản. NSND Trần Phương cho biết, chính Tô Hoài là người đã khuyến khích ông sống cùng người Mèo trên miền núi, phải thâm nhập thực tế rồi mới đóng phim.

    Nhiều năm trước, sau khi vợ mất ông vẫn ở một mình trong ngôi nhà cũ, đồ đạc đơn giản. Con cái đều có gia đình riêng nên ông không muốn làm phiền đến các con. Cuộc sống một mình nhiều lúc ông cảm thấy buồn lắm. Ông kể: “Các con tôi đều đã có gia đình riêng, tôi không muốn làm phiền chúng nó. Tôi tự lo được cho mình”. Nhưng, những buổi chiều, ông lại lang thang ra Hồ Tây, đi bộ hay ngồi tán gẫu với bạn bè để tìm niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống.

    Hiện tại, NSND Trần Phương cũng đối diện với nhiều bệnh tật của tuổi già như huyết áp, tiểu đường, tim mạch,... Các con của ông, vì những điều kiện, lý do khác nhau, họ không thể chăm sóc bố và trông nom ông hằng ngày thế nên NSND Trần Phương phải sống ở trung tâm dưỡng lão. Sống ở trung tâm cũng mang lại cho ông nhiều cái lợi, đầu tiên là có các y tá, điều dưỡng chăm sóc ông đúng theo quy định sức khỏe tuổi già và thứ hai là có bạn bè đồng niên để trò chuyện. Để bố không buồn, các con thường xuyên tới thăm ông vào cuối tuần. Tại trung tâm cũng có nhiều cụ là nghệ sĩ nên bạn bè vẫn thường xuyên tới thăm hỏi, động viên.

    Với những cống hiến cho điện ảnh, Trần Phương được phong tặng NSND năm 2001. Các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng do ông đạo diễn giành được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

    Trúc Chi 

    Bài đăng trên Báo Đời sống& Pháp luật số 125

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nsnd-tran-phuong-nhung-hoai-niem-ve-vo-chong-a-phu-van-nhu-ngay-dau-a288021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan