+Aa-
    Zalo

    Nữ bác sĩ hơn 17 năm gắn bó với trẻ sơ sinh: Phải thấu hiểu được cảm giác của em bé

    • DSPL
    ĐS&PL Đối với bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), tính mạng của bệnh nhi là ưu tiên hàng đầu, chỉ cần có một cơ hội để cứu được em bé, bằng mọi giá chị đều không từ bỏ.

    Nữ bác sĩ hơn 17 năm gắn bó với trẻ sơ sinh: Phải thấu hiểu được cảm giác của em bé

    Đinh Kim - Linh Chi

    Đối với bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), tính mạng của bệnh nhi là ưu tiên hàng đầu, chỉ cần có một cơ hội để cứu được em bé, bằng mọi giá chị đều không từ bỏ.

    Nghề y là một nghề đặc thù mà chỉ ai làm trong ngành mới thấu hiểu hết những nỗi trăn trở cùng sự áp lực. Hơn 17 năm làm nghề, gần như gắn liền với các bé sơ sinh bệnh nặng, bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chưa một ngày nào cho phép mình ngừng cố gắng để có thể kéo những đứa trẻ về gần với ranh giới sự sống, đưa các em bình an trở lại vòng tay của bố mẹ.

    “Em bé sơ sinh ngoan lắm, bé chỉ khóc khi có nhu cầu được ăn, được chăm sóc… Nhu cầu được đáp ứng thì em bé rất ngoan. Tôi thấy thương những em bé sơ sinh bệnh nặng, bé nằm mà sức sống không có. Khi có thể làm được gì để cứu em bé, tôi cảm thấy việc đó có ý nghĩa. Sơ sinh là giai đoạn đầu đời của đứa trẻ, nếu có thể chăm sóc tốt cho bé trong giai đoạn này thì vô cùng có lợi cho quá trình phát triển về sau”, bác sĩ Thiện chia sẻ.

    Khi được hỏi về lý do lựa chọn nghề bác sĩ, chị tâm sự: “Thực ra nghề bác sĩ là ước mơ của ba tôi. Từ khi tôi còn nhỏ, ba đã gieo vào đầu tôi suy nghĩ sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ. Lúc nhỏ tôi chưa định hướng được gì đâu, ba hỏi thích gì thì tôi trả lời rằng con chỉ thích học thôi. Nghe vậy, ba mới bảo nếu con thích học thì học bác sĩ là đúng rồi, bác sĩ là học cả đời. Đến giờ, tôi vẫn thích đi học, rất thích môi trường học thuật.

    Bên cạnh đó, tôi nhận thấy có thể giúp ích cho bản thân rất nhiều khi làm bác sĩ. Tôi có thể thấu hiểu được cơ thể mình, biết rõ tình trạng sức khỏe của bản thân. Chưa kể, tôi còn có thể giúp ích cho người thân trong gia đình”.

    Nguồn cảm hứng đưa bác sĩ Thiện đến với chuyên ngành sơ sinh tới từ một cô giáo từng dạy chị tại trường đại học. Được biết, cô giáo này là một bác sĩ chuyên về sơ sinh. Nghe cô dạy những khái niệm ban đầu về sơ sinh, bác sĩ Thiện lập tức cảm thấy giai đoạn này “hay và quan trọng quá”.

    “Em bé sinh ra như một tờ giấy trắng. Cô từng nói trong tháng đầu tiên mới sinh, trí não em bé đã phát triển 80%. Sau giai đoạn sơ sinh, từ đó cho đến 6 tuổi, em bé sẽ phát triển 20% còn lại. Đến khi cô dạy về sữa mẹ, tự nhiên tôi cảm thấy cần làm sao để em bé được uống sữa mẹ.

    Tôi chọn chuyên ngành sơ sinh vì cảm thấy giai đoạn này rất đặc biệt, quan trọng và có ý nghĩa rất nhiều. Thời gian đi thực tập, tôi thấy các bé đến khám hoàn toàn chưa biết nói, mình phải đồng cảm, hiểu được cảm giác của bé.

    Da của bé bé sơ sinh rất mềm, sờ cảm giác vô cùng thích, giống như nhung vậy. Bé sơ sinh được bú sữa mẹ cực kỳ thơm. Tự nhiên mình cảm giác em bé đó rất sạch sẽ, nó làm cho mình cảm thấy yêu thích chuyên ngành của mình”, bác sĩ Thiện bộc bạch.

    Nói về chuyên ngành sơ sinh, bác sĩ Thiện cho hay đây là một chuyên ngành khá khó, tuy không đòi hỏi những kỹ thuật cao siêu như mổ tim, nội soi… nhưng yêu cầu bác sĩ phải tinh tế, nhạy cảm để có thể nhận biết được biểu hiện của em bé bệnh nặng.

    “Thông thường em bé sơ sinh sẽ ngủ, sẽ nằm im. Em bé bị bệnh cũng vậy. Công việc đòi hỏi người làm phải hết sức tinh tế, tỉnh táo để nhận diện được các vấn đề của em bé. Khác với bệnh nhân là người lớn, với trẻ sơ sinh, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng.

    Sơ sinh thực chất cũng là một đa khoa nhưng trong nhóm đối tượng nhỏ, mong manh và dễ bị tổn thương. Mặc dù không yêu cầu kỹ thuật quá cao siêu như với các đối tượng bệnh lý khác nhưng đòi hỏi bác sĩ phải thấu cảm, hiểu được cảm giác của em bé và biết em bé đang cần gì ở mình”, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh nói.

    Làm việc trong môi trường đầy áp lực, phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho các em bé sơ sinh, hơn 17 năm qua, bác sĩ Thiện vẫn luôn tâm huyết với nghề, hết lòng vì bệnh nhi. Đối với nữ bác sĩ, tính mạng của bệnh nhi là ưu tiên hàng đầu, chỉ cần có một cơ hội để cứu được em bé, bằng mọi giá chị đều không từ bỏ.

    Thấy một em bé bệnh rất nặng, thoi thóp gần cửa tử được cứu sống và khỏe mạnh, dù đứa trẻ không biết nói cảm ơn nhưng bỗng dưng bác sĩ Thiện cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng trào. Chính điều này đã giúp chị thêm yêu và gắn bó với công việc.

    Bác sĩ Thiện bộc bạch: “Tôi đấu tranh rất nhiều để cứu sống em bé. Những hình ảnh người nhà gửi về cho tôi là động lực giúp tôi kiên trì theo nghề. Một số người nhà vẫn giữ liên lạc, sau đó họ gửi ảnh, clip và cảm ơn, khiến tôi cứ muốn làm”.

    Nhìn nữ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và bản lĩnh là vậy, ít ai biết đã có những lúc chị tự dằn vặt và trăn trở vô cùng.

    “Có một trường hợp em bé sinh non khoảng 25 – 26 tuần nằm ở Bệnh viện Từ Dũ được khoảng 1-2 tuần thì xuất hiện nhiễm trùng nặng, có tình trạng viêm ruột hoại tử và thủng ruột. Em bé được chuyển qua bệnh viện tôi để tiến hành phẫu thuật.

    Em bé ở trong tình trạng nặng lắm, lúc chuyển đến khoa tôi thì ai cũng nghĩ rằng bé sẽ qua đời. Dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức trong hồi sức để bảo toàn tính mạng cho em bé, tuy nhiên không giữ được cánh tay của bé. Em bé phải cắt bỏ từ bàn tay lên đến cẳng tay do đoạn tay đó thiếu máu nuôi dẫn đến hoại tử.

    Sau một thời gian nuôi, em bé qua được giai đoạn nguy kịch nhưng lại xuất hiện vấn đề về ăn uống và tình trạng giảm tiểu cầu nặng. Tôi lúc ấy cũng rất day dứt vì người nhà tha thiết lắm. Rồi người nhà quyết định cho em bé sang Singapore để điều trị. Tôi vẫn giữ liên lạc với người nhà sau khi em bé sang đó.

    Sau mấy tháng, gia đình tốn một khoản chi phí khá lớn thì em bé khỏe lại và có thể về Việt Nam. Chuyện này khiến tôi phải trăn trở, băn khoăn về việc mình kém người ta cái gì và mình không làm được điều gì”, bác sĩ Thiện kể về một trong những ca bệnh khó quên trong thời gian làm nghề.

    Vào năm 2016, bác sĩ Thiện đi dự một số hội nghị ở nước ngoài và bắt đầu “vỡ ra” được nhiều điều trong quá trình điều trị của mình. Nữ bác sĩ thay đổi từ cách điều trị ban đầu, cách cho ăn, cách chăm sóc, nói chung thay đổi gần như toàn diện.

    Ca bệnh trên khiến bác sĩ Thiện nhớ mãi vì đó là “chìa khóa” để chị thay đổi trong việc điều trị của mình, cũng như nỗ lực tìm kiếm con đường để có thể cứu sống được nhiều đứa trẻ hơn.

    Sau gần 2 thập kỷ gắn bó với nghề, bác sĩ Thiện cảm thấy cuộc sống rất vô thường. Dù làm công việc có tính chất khoa học nhưng chị vẫn tin vào số mệnh, cho rằng nếu mình coi mọi thứ nhẹ nhàng thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, còn nếu coi mọi thứ nặng nề thì thực sự sẽ nặng nề.

    Nữ bác sĩ chia sẻ, trong cuộc sống đầy rẫy nghi kỵ, người ta không chú ý đến khía cạnh tích cực của hành động mà chỉ chăm chăm vào mặt tiêu cực. Nhiều khi chị thấy điều gì đó có ích cho em bé nhưng người ta lại nghĩ chị có tư lợi. Đối mặt với điều đó, bác sĩ Thiện chọn đặt tính mạng của bệnh nhi lên hàng đầu, luôn tâm niệm một điều rằng “cứ làm thôi, cứ cho đi rồi sẽ nhận lại được rất nhiều”.

    Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh nhận thấy có một điều quan trọng là phải làm sao truyền tải được thông điệp đến người nhà để họ hiểu, đồng cảm và hỗ trợ bác sĩ. Tuy nhiên, việc thông tin qua lại đòi hỏi có thời gian, nếu bị quá tải thì không có thời gian để thông tin rõ được.

    “May mắn tôi là trưởng khoa, làm công tác quản lý nên có thể dành nhiều thời gian ngồi nói chuyện với người nhà bệnh nhân để giải thích kỹ càng cho họ hiểu. Tôi mong ngành y tế không bị quá tải để mình có thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân và người nhà họ nhiều hơn”, nữ bác sĩ bày tỏ. Bên cạnh đó, chị cũng hy vọng các em bé sơ sinh có môi trường điều trị tốt hơn, có trang thiết bị, dụng cụ phù hợp và phải làm sao để mẹ được ở gần bé.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-bac-si-hon-17-nam-gan-bo-voi-tre-so-sinh-phai-thau-hieu-duoc-cam-giac-cua-em-be-a554645.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan