+Aa-
    Zalo

    Nữ nạn nhân kể lại thời gian bị IS giam cầm: Bị đem bán, đánh đập và hãm hiếp

    • DSPL
    ĐS&PL Một nữ nạn nhân được giải cứu đã kể lại những ký ức kinh hoàng trong khoảng thời gian bị Tổ chức Hồi giáo tự xưng IS giam cầm: Bị đem bán, hãm hiếp và đánh đập.

    Nữ nạn nhân người Yazidi được giải cứu đã kể lại những ký ức kinh hoàng trong khoảng thời gian bị Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) giam cầm: Bị đem bán, hãm hiếp tới mức phải phá thai 2 lần và đánh đập.

    Nữ nạn nhân từng bị Tổ chức khủng bố Hồi giáo tự xưng IS bắt cóc là một người phụ nữ Yazidi tên là Layla Talu. Trong suốt thời gian bị giam cầm bởi lực lượng khủng bố, cô đã ghi lại những sự việc mình từng trông thấy và trải qua vào một cuốn sổ.

    Theo đó, Layla Talu cho biết, cô chưa từng nghĩ mình sẽ bị "bán đứng" bởi những người hàng xóm. Nhưng khi những người bạn cũ đến từ ngôi làng lân cận nơi cô sinh sống ở quận Sinjar, miền Bắc Iraq, tiết lộ địa chỉ nhà cô cho tổ chức khủng bố, gia đình Talu đã phải bỏ trốn. 

    Vào khoảng 7h ngày 3/8/2014, Layla Talu cùng chồng và 2 con nhỏ đã rời khỏi quê nhà đi tìm nơi trú ẩn mới trên núi Sinjar giống như hàng nghìn người Yazidi khác. Nhưng họ đã không may mắn. Khoảng vài giờ sau đó, phiến quân IS đã kéo đến bao vây toàn bộ khu vực Sinjar, Layla và gia đình đã bị chúng bắt giữ cùng hàng chục người Yazidi khác. 

    Layla Tulu từng trải qua 2 năm kinh hoàng khi bị giam giữ bởi phiến quân khủng bố IS. Ảnh: Al Jazeera

    Phiến quân đã tách tù nhân nam khỏi những người phụ nữ và trẻ em, bởi vậy gia đình Layla đã rơi vào cảnh bị chia cách. Tối cùng ngày, cô và 2 con được đưa tới quận Baaj, phía Tây Nam Mosul và bị giam giữ tại đây trong 4 ngày. Sau đó, họ bị chuyển đến Tal Afar và bị nhốt trong một trường học. Khoảng 1 tuần sau, IS tiếp tục di chuyển các con tin tới nhà tù Badush. Khi nhà tù Badush bị cháy trong cuộc tấn công của liên quân, các nạn nhân của IS được đưa trở lại Tal Afar.

    Layla cho biết, phụ nữ và trẻ em đã bị đánh đập, lăng mạ, đe dọa và bỏ đói trong suốt thời gian bị giam cầm. Sau khoảng 8 tháng, khi các con tin kiệt sức vì bệnh tật, họ được đưa về thành phố Raqqa của Syria, thành trì của ISIL.

    Hai năm "dưới địa ngục"

    Khi kể lại thời gian bị giam cầm, người phụ nữ Yazidi cho hay: "Chúng tôi được chở đến Raqqa bằng những chiếc xe buýt lớn cùng với hàng trăm phụ nữ Yazidi khác. Nhóm khủng bố đối xử với chúng tôi không khác gì những con vật; chúng thậm chí không cho chúng tôi đủ thức ăn và nước uống. Chúng tôi phải ngủ trên nền đất, chúng tôi được ăn ba bữa mỗi ngày và được phục vụ bằng các đòn đánh".

    Người phụ nữ Yazidi cho biết, cô và 2 con đã ở khoảng 40 ngày trong tù trước khi  được chuyển đến một căn hộ ở khu Al-Nour của Raqqa. Đó là nhà của một phần tử IS cấp cao. Layla cho biết, người đàn ông này là một bác sĩ phẫu thuật, ngoài 40 tuổi. Qua miêu tả của người phụ nữ, hắn sở hữu dáng người thấp bé với đôi mắt xanh lục, mái tóc đẹp và khuôn mặt đầy đặn.

    Nhưng những ngày sinh sống tại căn nhà này đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với Layla. Cô cho biết, đối tượng khủng bố đã trói cô lại và đánh đập bằng roi. Khi thấy cô không chịu khuất phụ, hắn thậm chí còn hãm hiếp cô và bán cô cho một người khác.

    Layla kể lại: "Sau khi hãm hiếp tôi nhiều lần. Hắn ta bán tôi đi để kiếm 1 khoản tiền".

    Người đã mua Layla là một người đàn ông ngoài 30, mắt đen và đến từ Mosul. Sau đó, người phụ nữ Yazidi tiếp tục bị bán vào tay một gã đàn ông ngoài 40 tuổi tại Baghdad.

    Layla cho biết, cô đã bị hãm hiếp tới mức mang thai và bị ép phá bỏ. 

    Nữ nạn nhân chia sẻ: "Bọn chúng đã nói với tôi rằng tôi xứng đáng với cái chết và bị đối xử như một nô lệ". 

    Những bất hạnh vẫn chưa đừng lại ở đó khi Layla tiếp tục bị một gã đàn ông Ả Rập Xê Út hãm hiếp và buộc phải bỏ thai thêm một lần nữa. Trong thời gian này, cô sống trong một ngôi nhà nhỏ với 2 người con, bị chia cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không hề biết chuyện gì đã xảy ra với chồng và những người còn lại trong gia đình.

    Tiếp đó, Layla lại rơi vào tay một người đàn ông mang quốc tịch Hà Lan. Hắn ta đã tấn công cô với sự giúp đỡ của vợ. 

    Sau khoảng 2 năm "dưới địa ngục" tại Raqqa, Layla đã được giải thoát nhờ cuộc đàm phán giữa gia đình cô và một tay buôn lậu người Syria, theo đó, họ đã bỏ ra 20.000 USD để chuộc lại người phụ nữ Yazidi.

    Tiết lộ với cả thế giới

    Ở tuổi 33, Layla đã công khai cho thế giới cuốn sổ ghi chép mà cô đã sử dụng trong thời gian bị giam giữ bởi những kẻ khủng bố. Trong đó, cô đã lưu giữ lại những hành động khủng khiếp và phiến quân IS đã gây ra đối với bản thân cô và những người khác. 

    Layla chia sẻ, việc giữ một cuốn sổ ghi chép như vậy trong thời gian bị bắt giam là vô cùng nguy hiểm. Nếu những kẻ khủng bố phát hiện ra, chúng có thể sẽ đánh đập cô tới chết. 

    Dù vậy, người phụ nữ Yazidi vẫn không nao núng, cô cho rằng mình cần ghi lại những bằng chứng về tội ác không thể dung thứ của tổ chức khủng bố. Cô cũng hy vọng những ghi chép của mình sẽ giúp đòi lại công lý cho bản thân và những nạn nhân khác. 

    Khi mới được giải thoát, Layla từng khép mình và lo ngại không được chấp nhận sau những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, khi nghe những câu chuyện của các nữ nạn nhân khác, cô như được tiếp thêm sức mạnh và trở nên cởi mở hơn. 

    Giờ đây, Layla mong rằng bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình, cô có thể giúp ngăn chặn điều tương tự xảy ra với những phụ nữ khác trong tương lai. 

    Layla chia sẻ: "Tôi hy vọng thông qua câu chuyện của mình, tôi có thể truyền tải những nỗi đau mà tôi và những người Yazidi khác, đặc biệt là phụ nữ, đã phải trải qua để cả thế giới có thể biết sự thật tàn khốc của những áp bức". 

    Nữ nạn nhân Yazidi cho biết, cô cảm thấy vô cùng may mắn vì cả mình các các con đều đã sống sót vượt qua vụ việc. Trong khi đó, rất nhiều người phụ nữ khác đã phải bỏ mạng trong thời gian bị bắt giữ.

    Cô kể lại: "Một người phụ nữ thậm chí đã tự tử sau khi bị hãm hiếp. Cô ấy đã dùng dao cắt cổ tay mình. Nhiều người Yazidi khác cũng vậy".

    Layla thừa nhận, cô vẫn luôn bị ám ảnh bởi những gì đã xảy ra trong thời gian bị giam cầm. Những cảm xúc, nỗi đau và sự sợ hãi về ký ức kinh hoàng vẫn còn đó và tồi tệ hơn mỗi khi cô chia sẻ với những nạn nhân Yazidi khác. 

    Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-nan-nhan-ke-lai-thoi-gian-bi-is-giam-cam-bi-dem-ban-danh-dap-va-ham-hiep-a344472.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan