+Aa-
    Zalo

    Nữ nhà báo truyền lửa: Sống khỏe với căn bệnh ung thư bằng bí quyết quý

    • DSPL
    ĐS&PL Dù bị ung thư vú nhưng nữ nhà báo Cẩm Bào không hề gục gã mà đã biến nỗi đau thành việc làm thiện nguyện đầy nhân văn, gom góp lại thành nghị lực sống để bước tiếp.

    Dù bị ung thư vú không phải giai đoạn sớm với 10/20 hạch di căn nhưng nữ nhà báo Cẩm Bào không hề gục ngã mà đã biến nỗi đau thành việc làm thiện nguyện đầy nhân văn, gom góp lại thành nghị lực sống để bước tiếp.

    Lần đầu tiên tôi gặp chị Trần Thị Cẩm Bào (45 tuổi, trú tại Khu đô thị Vĩnh Hoàng, Hoàng Mai, Hà Nội) là trong một buổi sáng nhiều nắng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về người phụ nữ chất phác này là gương mặt rạng rỡ cùng một đôi mắt vừa dịu dàng lại vừa ánh lên những tia nhìn đầy quyết tâm.

    Tôi đọc được trong đôi mắt ấy không phải là lời kể lể về những nỗi thống khổ mà chị đã phải trải qua mà chỉ có một niềm yêu tha thiết. Tình yêu đó, chị dành cho những người đồng bệnh, cho công việc thiện nguyện và cho cuộc đời, cho sự sống mà chính chị đã phải cố gắng từng giây từng phút để giữ lấy.

    Nhìn gương mặt hạnh phúc, nghe cách nói chuyện hài hước và chứng kiến chị Cẩm Bào ngày ngày “vèo vèo” xe máy đi làm việc thiện nguyện không ngừng nghỉ, chẳng ai nghĩ chị lại đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú đã di căn vào xương suốt 5 năm và hàng ngày phải chiến đấu với những cơn đau.

    Nhớ lại những ngày mới phát hiện mắc ung thư, chị Cẩm Bào đôi khi vẫn bàng hoàng. Đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ, chị kể lại chặng đường nhiều nước mắt lẫn nụ cười khi đối mặt với căn bệnh ung thư vú.

    Cách đây 5 năm, chị Bào tình cờ phát hiện ngực phải có một vết gì đó màu hồng. Nghĩ có chuyện chẳng lành, chị quyết định đến Bệnh viện K trung ương khám. Tại đây, sau hàng loạt tiến trình xét nghiệm, các bác sĩ kết luận “tin sét đánh”: chị bị ung thư vú phải giai đoạn hai, 10/20 hạch đã di căn và thể bộ ba âm tính.

    Căn bệnh “gõ cửa” đột ngột khiến mọi ước mơ cùng con đường tương lai rộng mở của chị bị đảo lộn hoàn toàn. Đang là một cây bút xuất sắc, đam mê, nhiệt huyết với nghề tại Tạp chí Tri Thức & Công nghệ, chị phải dừng mọi công việc, kế hoạch để bắt đầu “cuộc chiến”.

    Chị nhập viện và phải cắt bỏ toàn bộ một bên vú, tiến hành 6 đợt truyền hóa chất và 25 mũi xạ theo đúng chỉ định của bác sỹ. Hóa trị tàn phá cơ thể chị một cách khủng khiếp. Tóc vừa rụng từng mảng xong đợt này, chưa kịp lún phún mọc lại thì tấp tới đợt thuốc khác. Lần nào truyền chị cũng buồn nôn, chóng mặt, đau nhức khắp người, cơ thể yếu hầu như không thể ăn được gì.

    Nhưng với lòng quyết tâm, ý chí mạnh mẽ cộng với sự động viên, chăm sóc của chồng con, người thân, bạn bè, sau nửa năm điều trị, chị cũng vượt qua và được ra viện.

    Sau 3 năm thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, thì đến tháng 2/2016, trong một lần tái khám, bác sỹ phát hiện chỉ số nồng độ CA15-3 quá cao so với mức quy định nên tiến hành cho chị nhập viện. Với các xét nghiệm chuyên sâu, chị Bào lại nhận tin dữ khi bị di căn xương chậu phải.

    Bệnh tái phát khiến chị liệt nửa người, không thể đi lại được, phải ngồi xe lăn. Thế nhưng, mạnh mẽ như cây xương rồng trên cát, với nghị lực, khát vọng sống mãnh liệt, chị đã tự đứng lên bước đi trên đôi chân của mình trong niềm vui, giọt nước mắt hạnh phúc.

    “Có lẽ không có gia đình, các y bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bạn bè đồng bệnh bên cạnh động viên, thì tôi cũng không thể được như bây giờ. Con gái tôi dù còn bé nhưng cháu rất hiểu chuyện, luôn an ủi động viên, giúp mẹ lo toan mọi công việc trong nhà để mẹ yên tâm trị bệnh và có nhiều thời gian hơn đối với công việc thiện nguyện”, chị Bào nở nụ cười hạnh phúc chia sẻ.

    Truyền lửa qua tiếng hát

    Với cái tâm và tấm lòng của mình đối với công tác từ thiện nhân đạo, nhà báo Cẩm Bào đã góp phần thắp lên “ngọn lửa xanh” nhiệt huyết để nhân lên sức mạnh của lòng nhân ái.

    Xuất thân trong một gia đình Phật học nên ngay từ khi còn bé chị đã lấy hành động từ thiện như một việc tu học. Trải qua muôn vàn khó khăn, hơn ai hết chị thấm thía, hiểu rõ hơn nỗi vất vả, buồn tủi của những số phận không may mắn khi mắc bệnh hiểm nghèo. Cảm thấy cuộc đời đã rất ưu ái mình nên chị sẵn sàng đem sự nhiệt huyết, kinh nghiệm, tiếng hát,…truyền lửa, sưởi ấm trái tim những người đồng bệnh.

    Suốt 5 năm, chị Cẩm Bào không ngừng nghỉ mang tiếng hát đến với những người đồng bệnh.

    Là một nhà báo yêu văn thơ, yêu cái đẹp nên chị Bào đã dùng âm nhạc như một liệu pháp để xoa dịu nỗi đau. Hằng ngày hai buổi sáng - trưa chị vẫn vào Bệnh viện Ung bướu để giúp đỡ những người đồng bệnh các công việc như vệ sinh cá nhân hoặc hát cho họ nghe.

    Âm nhạc đã kết nối những trái tim lại với nhau, tạo động lực, đem lại niềm vui, lòng tin vượt qua bệnh tật cho những người không may mắn. Khi chị cất tiếng hát hay tổ chức các buổi giao lưu âm nhạc thì mọi ký ức về buồng bệnh, đơn thuốc, mũi kim tiêm nhói da nhói thịt, hay những buổi truyền hóa chất đau đớn…dường như biến mất hoàn. Thay vào đó, mọi người cùng hòa ca, cùng cười và cùng cố gắng nắm chặt tay nhau vượt qua cơn bạo bệnh.

    Vào mỗi dịp đặc biệt như Trung thu, Tết, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, 8/3…chị lại kêu gọi tấm lòng từ bi của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân chung tay tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ để xoa dịu nỗi đau bệnh tật bằng những câu chuyện chia sẻ bí quyết sống vui sống khỏe, trao tặng những món quà như chiếc bánh, gói quà, viên thuốc, bữa cơm, xe lăn,…

    Đối với một người phụ nữ, thật khó để có thể vừa chu toàn công việc gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà báo và vừa đam mê, năng nổ với công việc thiện nguyện. Nhưng dường như với chị Bào thì điều đó khá đơn giản bởi chị làm bằng niềm vui, bằng tấm chân tình, tấm lòng và một trái tim “nóng”.

    Chị Cẩm Bào chia sẻ: “Một người bệnh nhân như tôi thì không quan trọng số lượng ngày sống, mà tôi quan trọng cái ý nghĩa, chất lượng một ngày sống của tôi như thế nào. Do vậy, đối với tôi, nụ cười của bệnh nhân chính là hạnh phúc. Những ngày còn lại, tôi chỉ mong ước có thể dùng nụ cười, hình ảnh của mình chia sẻ tới tất cả các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, làm cầu nối để giúp đỡ một phần nhỏ bé cho cộng đồng bệnh nhân ung thư”.

    Lan tỏa, truyền lửa cách sống khỏe với bí quyết “4 chữ T”

    Là một người "ngoại đạo", tôi (phóng viên) chỉ cảm thấy rằng một người mang trong mình căn bệnh ung thư - bệnh có tỷ lệ “giết người” hàng đầu thế giới hiện nay - mà có thể vượt qua nỗi đau, chiến thắng bạo bệnh chính là một kỳ tích. Bởi hầu hết rất nhiều bệnh nhân khi bệnh tật gõ cửa đều bủn rủn người, sợ hãi, tuyệt vọng. Trao đổi cảm nhận, suy nghĩ với chị Cẩm Bào, tôi hỏi: "Chị đã sống và áp dụng kinh nghiệm gì để có thể vượt qua căn bệnh?"

    Trả lời câu hỏi của tôi, chị Cẩm Bào vui vẻ chia sẻ: “Trong những năm tôi đi điều trị, với kinh nghiệm của bản thân, tôi đã tìm ra được bí quyết “4 chữ T”. Với góc độ là người bệnh nhân, tôi luôn khuyên những người đồng bệnh phải phát huy được cái nội lực tự có của mình”.

    Chị Cẩm Bào sống khỏe với bí quyết "4 chữ T".

    Theo chị Bào, đầu tiên, người bệnh nhân phải có một tinh thần, ý chí, nghị lực, đối mặt với mặt căn bệnh; Thứ hai, phải biết tuân thủ những phác đồ điều trị của bác sỹ theo từng gia đoạn; Thứ ba phải có chế độ tập luyện thể thao khoa học, phù hợp với sức khỏe của bản thân; Và cuối cùng thứ tư là thực dưỡng.

    “Người bệnh nhân bao giờ cũng có suy nghĩ kiêng kem, vì họ cho rằng mình ăn càng nhiều đồ bổ thì sẽ càng nuôi khối u phát triển. Với bản thân tôi, tôi luôn ăn cân đối đa dạng thực phẩm và ăn theo nhu cầu của mình để đảm bảo chất dinh dưỡng. Chính vì tinh thần lạc quan đó, cùng với sự kết hợp khoa học mà cân nặng của tôi không bị giảm sút quá nhiều so với các bệnh nhân khác”, chị Bào nói.

    Chị Bào tâm sự, chị đã chứng kiến nhiều bệnh nhân sau khi nhận án tử đã lên mạng, hay các diễn đàn ung thư không uy tín để áp dụng những cách chữa, các bài thuốc dân gian mà không có cơ sở khoa học. Vì không đủ chi phí chữa bệnh, không tin tưởng phác đồ của các y bác sỹ mà chẳng những tiền mất mà còn tật mang, đến gần với “cửa tử” nhanh hơn.

    Từ trải nghiệm kiến thức của bản thân, Chị Cẩm Bào chia sẻ, bệnh nhân thông thái cần phải biết tài liệu trên mạng, lời đồn thổi chỉ mang tính chất tham khảo, không áp dụng vào cơ thể mình khi chưa có ý kiến chỉ định của bác sỹ điều trị. Ngoài ra, phải biết chọn bác sĩ đúng chuyên khoa tại thời điểm mình đang điều trị để có lời tư vấn xác đáng nhất.

    Nhà báo Cẩm Bào được những người đồng bệnh ưu ái gọi với cái tên "Bác sỹ hoa súng".

    Hàng ngày, bà mẹ tuổi tứ tuần lại phóng xe máy vào ngôi nhà Ung bướu trò chuyện với những người đồng bệnh, động viên, chia sẻ bí quyết sống vui sống khỏe mạnh của bản thân. Không chỉ kiên cường vượt qua mọi khó khăn bệnh tật, chị đã trở thành người tạo động lực rất lớn cho bệnh nhân ung thư, giúp họ chiến đấu và chiến thắng bạo bệnh để có thể sớm trở về nhà.

    Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội hầu như người nhà và bệnh nhân nào cũng biết đến và ưu ái gọi chị với cái tên “bác sĩ hoa súng” – người truyền cảm hứng sống.

    Có lẽ chính bởi tâm niệm “ung thư không phải là dấu chấm hết” đã giúp cho hành trình chiến đấu với bệnh tật dài đằng đẵng của chị Cẩm Bào trở nên thật nhẹ nhàng và ý nghĩa. 

    Nhẹ nhàng chấp nhận những điều vốn không thể – làm bạn với ung thư. Nhẹ nhàng vượt qua mọi khó khăn để hạnh phúc cùng gia đình. Và nhẹ nhàng viết nên sự lạc quan qua những bí quyết kinh nghiệm, tâm huyết của bản thân để rồi thắp lên ngọn lửa của hy vọng, của sự sống.

    Con đường chống ung thư của bà mẹ tuổi tứ tuần Cẩm Bào có lẽ vẫn phải làm bạn với những đợt truyền hóa chất, buồng bệnh, viên thuốc,…nhưng chắc chắn con đường ấy sẽ đầy hy vọng, niềm tin, tinh thần lạc quan, tiếng cười, tiếng hát và cả sự động viên, giúp đỡ của các y, bác sỹ, những người bạn đồng bệnh trong căn nhà thứ 2 mang tên “Bệnh viện Ung bướu Hà Nội”.

    Nguyễn Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-nha-bao-truyen-lua-song-khoe-voi-can-benh-ung-thu-bang-bi-quyet-quy-a204876.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan