+Aa-
    Zalo

    Nữ quản giáo gần 30 năm nặng lòng với những mảnh đời lầm lỡ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đã 27 năm gắn bó với trại giam Quyết Tiến (bộ Công an), cán bộ quản giáo Đoàn Thị Mến luôn thấu hiểu, sẻ chia với những nữ phạm nhân.

    Đã 27 năm gắn bó với trại giam Quyết Tiến (bộ Công an), cán bộ quản giáo Đoàn Thị Mến luôn thấu hiểu, sẻ chia với những nữ phạm nhân. Ngoài động viên họ cố gắng, chị còn sẵn sàng che chở cho những người mới hết án, đang “không biết đi đâu về đâu”.

    Trung tá Đoàn Thị Mến. 

    Sự tận tình của nữ quản giáo

    Gặp chúng tôi khi vừa hết ca trực buổi chiều, Trung tá Đoàn Thị Mến (SN 1968, quản giáo tại phân trại số 1, trại giam Quyết Tiến, bộ Công an) đặt chiếc mũ xuống góc bàn, đưa tay gạt những giọt mồ hôi vẫn còn lấm tấm trên vầng trán.

    Chị kể, mình làm công tác quản giáo, phụ trách đội nông nghiệp. Đội này hầu hết là phạm nhân xuất thân từ nông dân, họ là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng cao. Họ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên thường dính đến ma túy. Có gia đình, cả hai vợ chồng đều nghiện rồi buôn bán ma túy, khi bị bắt, họ để lại các con ở nhà cho bố mẹ đẻ nuôi nấng.

    Có trường hợp vợ vừa bị bắt, chồng đã vội bỏ đi, bỏ lại những đứa con nheo nhóc nên bố mẹ, anh em họ phải ra tay chăm sóc. Có nữ phạm nhân cải tạo đến 3-4 năm nhưng gia đình không một lần đến thăm, chỉ thỉnh thoảng gửi bưu kiện. Họ tủi thân khi nhìn những phạm nhân khác có gia đình vào thăm.

    “Mỗi lúc như vậy, tôi lại gặp gỡ, phân tích cho phạm nhân hiểu rằng: Bố mẹ, anh em mình đang phải dốc sức nuôi con thay mình, nếu không có thời gian vào thăm cũng đừng buồn, lỗi của mình gây ra làm khổ lây gia đình nên phạm nhân cũng phần nào ổn định tư tưởng và yên tâm cải tạo”, Trung tá Đoàn Thị Mến tâm sự.

    Chị Mến rót thêm một chén trà mời chúng tôi rồi kể tiếp: “Đa phần phạm nhân nữ trong trại giam Quyết Tiến ở vùng cao Lai Châu, Lào Cai... Nhiều trường hợp không biết tiếng phổ thông, đến khi chấp hành xong án, không biết đường về nên các cán bộ quản giáo lại phải tận tình đến phút chót. Chúng tôi phải bắt xe cho họ, viết địa chỉ vào giấy rồi gửi gắm nhà xe, vì xe thường chỉ chạy về bến ở trung tâm, còn để về tận sâu các huyện, xã thì phải nhờ nhà xe chuyển giúp.

    Trông vậy chứ trước khi về, phạm nhân cũng biết cán bộ lo lắng nên xin số điện thoại, về đến nhà là gọi điện ngay cho cán bộ yên tâm. Rồi thi thoảng lại gọi điện hỏi thăm, vì ở lâu cũng có chút tình cảm với cán bộ, vì trong trại giam, lúc ốm, lúc đau, cũng trông chờ hoàn toàn vào cán bộ quản giáo.

    Thậm chí, có những phạm nhân còn ở lại đón Tết tại nhà chị Mến. Chị kể: “Trước đây, có trường hợp nữ phạm nhân hết án đúng vào ngày 30 Tết, không còn xe khách về quê. Được chị em cùng buồng giam mách nước: “Cứ xin ở nhờ nhà cán bộ, đến khoảng mùng 2, mùng 3 Tết có xe thì cán bộ bắt cho mà về, chứ bây giờ ra ngoài biết đi đâu về đâu, ăn uống ngủ nghỉ đều mất tiền...”.

    Hồi chưa có điều kiện kết nối thông tin liên lạc, có phạm nhân biền biệt suốt mấy năm cải tạo không một lần được giao tiếp với người thân, vì gia đình không có điều kiện vào thăm, nhưng nay đã có điện thoại dù không được gặp người thân nhưng được nghe giọng nói thân thương cũng đỡ nhớ nhà, nhớ quê. Tết đến, với chính sách quan tâm của Nhà nước, phạm nhân được hòa mình vào không khí đón xuân nên cũng nguôi ngoai một phần nỗi nhớ.

    Trong suốt những năm tháng tận tâm với trại giam Quyết Tiến, Trung tá Đoàn Thị Mến đã gặp, khuyên nhủ và giáo dục không biết bao nhiêu nữ phạm nhân. 

    Chiêu “cao tay” với phạm nhân trốn lao động

    Trong nhiều năm với vai trò quản giáo, không phải lúc nào chị Mến cũng gặp những phạm nhân dễ dàng giáo dục, có những trường hợp “chống đối”, khiến chị phải đau đầu suốt vài tháng.

    Chị trầm ngâm nhớ lại: “Trước đây, có những phạm nhân cũng từng có tiền án, ra vào trại vài lần, nên khi mới vào lại, họ tỏ thái độ không hợp tác. Với trách nhiệm của cán bộ quản giáo, chúng tôi cũng phải đọc hồ sơ, tìm hiểu kỹ về phạm nhân, sau đó kịp thời gặp gỡ, động viên, phân tích và giáo dục để phạm nhân nhận thức được và yên tâm chấp hành.

    Tôi mở lòng chia sẻ về bản thân trước, có thể có những tâm sự nho nhỏ, trúng vào những ngổn ngang trong lòng họ từ đó cởi mở hơn, dễ dàng chia sẻ, tâm sự hết những ẩn ức trong lòng. Từ đó, phạm nhân tin tưởng, có bất kỳ khó khăn gì cũng tìm đến tôi để chia sẻ đầu tiên”.

    Chị Mến nhớ nhất là những lần nữ phạm nhân giả ốm để trốn tránh lao động: “Trước đây, cũng có một vài trường hợp không muốn cải tạo ngoài đồng ruộng, chỉ muốn được vào trong các nhà xưởng, vì vậy hết nay ốm, mai ốm, ngày kia cũng lại ốm... Buổi sáng trời râm mát thì vẫn đi làm bình thường, nhưng khi trời về chiều có nắng thì viện cớ huyết áp tăng để đòi nghỉ.

    Tôi bảo: “Nếu ốm thật thì nghỉ, nhưng các chị ốm thì phải để bác sĩ thăm khám cẩn thận để kịp thời chăm sóc sức khỏe. Sau vài lần, cán bộ quản giáo đưa về bệnh xá để kiểm tra thấy huyết áp bình thường nên họ đành thú nhận là giả ốm”.

    “Cán bộ quản giáo bây giờ còn phải học làm bác sĩ, sắm riêng cho mình một bộ đo huyết áp, thấy vậy, những phạm nhân ấy không dám lấy lý do huyết áp để trốn tránh lao động nữa”, chị cười chia sẻ thêm.

    Lần khó khăn nhất là một nữ phạm nhân cứ đi đến nửa đường lại giả ngất, chị Mến phải cho 2 phạm nhân khác dìu về, nhưng bác sĩ khám cũng không có bệnh gì. “Có trường hợp cũng khiến tôi đau đầu! Hơn 2 tháng họ vẫn tiếp tục “bài” giả ốm, giả đau. Tôi phải quyết định, cho họ ra đồng nhưng cho phạm nhân ấy nghỉ lao động. Tôi bảo: “Nếu chị mệt thì có thể ngồi ở lán nghỉ ngơi, không cần làm việc”.

    Sau một thời gian, chính nữ phạm nhân ấy tự cảm thấy ngại, từ đó người này không giả bệnh nữa”, nữ quản giáo chia sẻ. Sau đó, chị chủ động gặp riêng phạm nhân để hỏi rõ nguyên nhân, động viên, khơi gợi bằng tình cảm gia đình, thậm chí, nhờ các phạm nhân vào trước tác động. Thấy sự chân tình của chị, nhiều nữ phạm nhân có những nỗi ẩn ức trong lòng không biết chia sẻ cùng ai, đã mạnh dạn tìm đến chị để giãi bày.

    Trở lại nụ cười hiền dịu trên gương mặt, nữ quản giáo 51 tuổi tâm sự: “Tôi may mắn có được sự cảm thông từ gia đình. Chồng tôi giống như “hậu phương vững chắc”, biết công việc của vợ nhiều khi khó tránh khỏi đi làm giờ giấc thất thường, hay phải trực, nhưng anh vẫn rất hiểu và động viên tôi. Những năm tôi phải trực Tết, anh là người vun vén rất nhiều”.

    Kết thúc buổi trò chuyện, chị Mến bắt tay chúng tôi rồi rảo bước về phía cổng trại, những tia nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn đang đuổi theo phía sau bóng dáng người phụ nữ tạm gác công việc, về với bữa tối cùng gia đình.

    Nguyễn Hường - Thủy Tiên

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp Luật số 163

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-quan-giao-gan-30-nam-nang-long-voi-nhung-manh-doi-lam-lo-a296789.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan