+Aa-
    Zalo

    Nữ sinh du học tại Hà Lan: "Du học chứ không phải xuất khẩu lao động"

    • DSPL
    ĐS&PL Đỗ Trần Chi Mai hiện là du học sinh tại trường Đại học Erasmus, Rotterdam Hà Lan. Bài viết của em bày tỏ quan điểm cá nhân xung quanh chuyện du học.

    Đỗ Trần Chi Mai hiện là du học sinh tại trường Đại học Erasmus, Rotterdam Hà Lan. Bài viết của em bày tỏ quan điểm cá nhân xung quanh chuyện du học. Những thông tin này sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn đa chiều hơn trước khi chọn con đường du học.

    Du học chứ không phải xuất khẩu lao động

    Đôi lúc, tôi cảm thấy thực sự nực cười khi nhiều người cứ đánh đồng chuyện đi du học với đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống và gửi về nuôi gia đình. Rất đáng hoan nghênh nếu bạn đi học mà có thể đi làm và tự lo cho mình, không cần phải dựa dẫm vào bố mẹ hay bất cứ một ai cả. Những giờ làm dài mệt mỏi của bạn để đổi lại cảm giác rất tuyệt vời của sự tự lập, biết lo lắng cho bản thân - điều đó rất tốt.

    Đỗ Trần Chi Mai, du học sinh tại Hà Lan

    Nhưng dường như có những người đã quên mất rằng trọng tâm của "du học" là "học" chứ không phải là "du". Đi là để đi học, để mở mang đầu óc của bản thân, tiếp cận những tri thức và phương pháp giảng dạy mới mà bạn không có cơ hội tiếp cận trong nước. Bạn hoặc bố mẹ hoặc học bổng trả hàng ngàn, hàng chục ngàn đô hằng năm để bạn lên giảng đường, ngồi trong lớp học, đi thi. Học phải là thứ quan trọng nhất khi bạn đi du học, là cái bạn đặt lên hàng đầu. Chứ không, thì cái từ "du học" cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

    Đi du học không phải là con đường ngắn nhất để sang nước ngoài kiếm tiền bằng công việc chân tay, càng không phải là cách để bạn có quốc tịch nước ngoài (Châu Âu, Mỹ hay Úc) rồi chạy trốn khỏi Việt Nam. Nếu bạn muốn sang nước ngoài kiếm tiền, bạn có thể đi xuất khẩu lao động. Nếu bạn muốn định cư ở nước ngoài, bạn có thể đi tị nạn. Đừng làm méo mó mục đích ban đầu của một việc gì đó.

    Tất nhiên, chẳng có gì sai nếu bạn muốn đi du học để có cơ hội việc làm tốt hơn, lương cao hơn, môi trường sống và làm việc tốt hơn. Những thứ đấy ai cũng muốn, mình cũng muốn. Nhưng nếu đã quyết định lên máy bay với hành trang sang một đất nước khác, hãy xác định trước tiên mục đích của mình là để đi học. Tiền có thể xin, có thể vay - rồi bạn có cả quãng thời gian rất dài sau này để trả lại món tiền đó cho bố mẹ, người thân hoặc ngân hàng. Nhưng cơ hội để học thì không có nhiều và luôn luôn đáng để được trân trọng.

    Du học tự túc không có nghĩa bạn ngu

    Kẻ ngu đi bộ đâm vào tường, không có nghĩa là tất cả những người đi bộ đâm vào tường đều bị ngu. Giống như vậy, có thể có một số bạn không giỏi về khoản học hành, nhưng may mắn có bố mẹ có đủ điều kiện cho mình đi du học. Điều đó không có nghĩa là tất cả những du học sinh không có học bổng là loại ăn bám học dốt.

    Học bổng là khoản hỗ trợ về tài chính, được đưa ra để tạo điều kiện cho những sinh viên có khả năng nhưng không có điều kiện về tài chính được đi học. Hiển nhiên là học bổng có yêu cầu cao đối với sinh viên nhận được số tiền đó, vì ai mà lại phung phí của cải vào một món đầu tư thất bại chứ? Nhưng học bổng không phải là thước đo đánh giá năng lực của một sinh viên, càng không phải là thứ được đưa ra để khoe khoang, so bì cao thấp.

    Nhớ lại hồi chuẩn bị đi du học, không biết có bao nhiêu người hỏi mình, ngay sau câu hỏi đi đâu, là học bổng được bao nhiêu. Lúc đó, mình có một phần cảm thấy bản thân kém cỏi vì không giành được học bổng, đi học bằng tiền của bố mẹ. Giống như một đứa bất tài ăn bám.

    Rồi cũng nhận ra rằng , đi du học không có học bổng, mình không phải là đứa kém cỏi tồi tệ nhất trên đời. Mình rất may mắn, vì được bố mẹ ủng hộ và trang trải cho chuyện đi học. Mình có đủ khả năng, vì đâu phải ai cũng được nhận vào trường đại học và trụ lại ở đó.

    Hơn thế, có gì sai khi trả tiền cho một dịch vụ với chất lượng xứng đáng? Tại sao một thứ sẽ trở thành không có giá trị, không đáng để học hỏi nếu bạn phải trả (nhiều) tiền cho thứ đó? Mình nhớ cách đây vài năm có một bài viết của một thầy giáo bàn về việc trả tiền để đi du học và thầy cũng đưa ra một số ý tương tự như hai câu hỏi ở trên.

    Bố mẹ mình đã lựa chọn trả tiền cho mình để mình được tiếp xúc với một nền giáo dục tốt hơn và có cơ hội tốt hơn. Nhiều bố mẹ khác cũng sẵn sàng đưa ra lựa chọn như thế. Đừng hạ thấp lựa chọn và công sức của họ bằng suy nghĩ rằng nếu không phải học bổng thì toàn lũ nhà giàu ăn bám. Dù sao, sau này cũng sẽ đi làm đền đáp lại bố mẹ rất rất nhiều.

    Du học không đồng nghĩa với việc ở lại

    Mình đã từng nghe có những người nói rằng đi du học xong rồi quay về nước làm việc là đầu tư thất bại. Những du học sinh quay về thành những kẻ thất bại không tìm được chỗ đứng trong xã hội một nước khác nên mới phải quay gót về Việt Nam để an phận một cuộc sống tầm thường.

    Mình cũng, có đôi lần, thấy ghen tị với những người bạn Thái, Nhật hay Hàn, khi các bạn ý có lựa chọn sẵn sàng quay về nước sau khi học xong và không phải chịu cảm giác hổ thẹn hay đàm tiếu khi đưa ra lựa chọn đó. Thật nực cười là năm nào cũng kêu ca về việc chảy máu chất xám, nhưng lại chẳng thiếu người cứ khăng khăng, đi du học thì phải ở lại làm việc, về Việt Nam rồi phí tiền của chi cho đi học.

    Như đã nói ở trên, đi du học không phải là con đường để lấy quốc tịch Châu Âu, Úc hay thẻ xanh Mỹ.

    Nếu học xong, bạn tìm được việc và muốn ở lại làm việc, tốt thôi. Môi trường tốt, cơ hội làm việc tốt, tại sao không? Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều, có cơ hội cọ xát và phát triển bản thân rất tốt. Hãy nắm lấy cơ hội đó, nhưng chỉ khi đó là lựa chọn của bạn. Đừng để bản thân bị ràng buộc bởi những suy nghĩ như "mình phải ở lại". Chẳng có chữ "phải" nào ở đây hết.

    Về Việt Nam làm việc không có nghĩa là bạn kém cỏi hay đấy là đầu tư thất bại. Những gì học được đem về áp dụng tại quê hương mình, chẳng phải đấy là một điều rất đáng để tự hào sao?

    Đây là những vấn đề mà bạn sẽ gặp phải, và nếu bạn thấy rằng bạn có thể đương đầu được với tất cả những thứ đó - thì bạn không hề kém cỏi.

    Tương lai, chẳng có gì nói trước được. Đã khăn gói ra đi, đừng để bị xiềng xích bởi những cái "phải" này "phải" kia. Mình còn trẻ mà, chưa tự cất cánh bay được mà đã bị ghì chặt xuống đất bởi tám vạn chín ngàn cân nặng và mối lo thì cái gọi là tuổi trẻ và thanh xuân còn ý nghĩa gì nữa.

    Du học không có nghĩa là sướng

    Có cơ hội đi du học, bằng cách này hay cách khác, là rất may mắn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sướng.

    "Đi du học sướng thế rồi còn kêu ca gì nữa". Hằng hà sa số phiên bản của câu nói này đã nghe, đã đọc qua bao nhiêu lần không đếm hết. Khi bạn ngồi ở nhà và chưa đi du học bao giờ, nói ra câu này dễ dàng lắm. Nhưng mình không tin rằng có mấy du học sinh có thể nói câu này mà thực sự tin những gì mình đang nói.

    Đi du học không sướng.

    Cái gì cũng có giá của nó. Đổi lại tất cả những thứ như một nền giáo dục tốt hơn, một môi trường xã hội tốt hơn, trong sạch hơn, là những nỗi khổ riêng của mỗi người.

    Khi ở một quốc gia không phải nước của mình, bạn là người ngoài. Môi trường khác, văn hóa khác, tiếng nói khác - cảm giác lạc lõng không lúc này thì lúc khác sẽ trồi lên. Có lẽ mình chưa bao giờ thực sự ý thức được cái may mắn của việc sống ở một nơi mà mình thực sự hòa nhập vào là như thế nào, cho tới khi mình đi sang nước khác sống.

    Hồi trước, nhạc phim Bolt có câu "There is no home like one you got, cause that home belongs to you" (Không có ngôi nhà nào như nhà của bạn, vì nơi đó thuộc về bạn), mình thấy rất đúng. Một nơi nào đó của mình, với những đồ vật mình chọn, những người bạn mình chơi với, đấy là một sự xa xỉ.

    Không phải tự dưng mà nếu đi đâu mình nghe thoang thoảng thấy tiếng Việt, là thấy vui vui (dù có thích và nói tiếng Anh thoải mái thế nào đi chăng nữa).

    Nhớ nhà là một thứ rất kinh khủng và tồi tệ. Thật sự tồi tệ. Mình lại là đứa hay bám bố mẹ, xong lại yếu đuối và (secretly) tình cảm. Khi nhà bạn cách bạn 15 -20 giờ bay và khoảng 800 euro thì cái chuyện về nhà cũng trở thành thứ xa xỉ và chỉ thi thoảng mới có. Nhớ nhà là đến ngày nghỉ lễ thấy ngại, vì trong khi bạn bè xung quanh đi về nhà ăn lễ hết, thì mình lang thang không biết nên đi chơi, hay đi về nhà (thuê). Nhớ nhà là ba mươi Tết ngồi trên “tram” khóc khóc như một đứa dở hơi vì nghĩ đến giờ này ở nhà mình sẽ làm cái này cái kia. Nhớ nhà là đang đi siêu thị tự dưng nhìn thấy một cô đi siêu thị với con gái xong nghĩ đến ngày xưa suốt ngày đi siêu thị với bố mẹ.

    Người nhớ nhiều người nhớ ít, người nhớ cái này người nhớ cái kia. Nhưng quay đi quay lại là nỗi nhớ chắc chắn là không sướng.

    Không sướng là gì nữa? Là đi siêu thị ấy à, quay đi quay lại mất mồi hồi lâu vì còn mải tính xem mua loại cà chua này rẻ hơn loại cà chua kia hay không. Là đạp xe đi học gió thổi như điên xong trời mưa như đến kì xong cứ nghĩ đến việc có phải có cái xe máy thì tốt. Là lúc bị ốm giấu không kể với bố mẹ, nằm trên giường rồi nghĩ đến những món được ăn nếu ở nhà, những cốc thuốc sẽ được pha cho chứ không phải làm tất cả mọi việc một mình.

    Nhưng, mình luôn quan niệm rằng, nếu thứ gì đó dễ dàng đạt được thì thứ đó không đáng. Du học không hề sướng, nhưng vượt qua được những cái không sướng đấy, mình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, thoải mái với bản thân hơn. Thực sự, mình không hối hận vì những cái mình học được thực sự rất đáng.

    Những điều mình viết trên đây, là từ cảm nhận riêng của mình nên không thể đúng hết với tất cả mọi người được. Mình rất muốn nghe những quan niệm khác về du học mà mọi người thấy không đúng với thực tế, hoặc trải nghiệm riêng của từng người. Mỗi câu chuyện đều đáng được kể và được nghe.

    Chimai

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-sinh-du-hoc-tai-ha-lan-du-hoc-chu-khong-phai-xuat-khau-lao-dong-a217661.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan