+Aa-
    Zalo

    Nước mắt trong phiên tòa chồng “trẻ con” hại vợ vì mâu thuẫn nhỏ khiến nhiều người phải suy nghĩ

    • DSPL
    ĐS&PL Kết hôn khi tuổi đời còn quá nhỏ, nên dù đã có con, Quốc vẫn rất ham chơi, thường xuyên tụ tập bạn bè dẫn đến mâu thuẫn với vợ.

    Kết hôn khi tuổi đời còn quá nhỏ, nên dù đã có con, Quốc vẫn rất ham chơi, thường xuyên tụ tập bạn bè dẫn đến mâu thuẫn với vợ. Một lần, trong lúc tức giận, Quốc dùng dao rạch giấy cắt cổ vợ rồi tự sát nhưng bất thành. Mặc dù vậy, khi đến tòa, người vợ trẻ vẫn khẩn thiết xin giảm án cho người cố sát hại mình.


    Bị cáo nhận mức án 7 năm tù vì hành vi sát hại vợ. 

    Bi kịch của đôi vợ chồng trẻ

    Khi chiếc xe bít bùng của công an đỗ xịch trước sân TAND tỉnh Quảng Nam hôm ấy, chị Nguyễn Thị A. (20 tuổi, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) vội đứng dậy, chân run rẩy. Thấy chồng của mình là Trần Anh Quốc (21 tuổi) bước xuống, nước mắt ứa ra, chị nghẹn ngào: “Sao lại đến nông nỗi này anh ơi!”. Phiên tòa bắt đầu, chị A. đến ngồi ở hàng ghế bị hại. Đôi mắt chị cứ nhìn vào chiếc lưng mặc áo trắng hơi nhàu của chồng.

    Hai tay bấu chặt vào nhau, Quốc kể, tốt nghiệp lớp 12, do cuộc sống khó khăn nên chuyển hướng học nghề nhôm kính. Khoảng thời gian học nghề, Quốc làm quen và có tình ý với chị A.. Sau nhiều lần trò chuyện, đi chơi, Quốc tỏ tình và được chị A. đồng ý. Tuổi mới lớn, lại là mối tình đầu, bao nhiêu tình cảm, bị cáo dồn hết cho bạn gái. Quen được khoảng gần một năm, Quốc đưa chị A. về nhà giới thiệu với gia đình tư cách người yêu.

    Tối ấy, Quốc ngỏ ý muốn được kết hôn. Mẹ Quốc thủ thỉ: “Yêu đương thì mẹ không cấm, nhưng tuổi hai đứa còn quá nhỏ, để vài năm nữa rồi hẵng cưới”. Ba Quốc cũng không đồng ý. Ông bà dùng nhiều lời nhỏ nhẹ để khuyên răn vì sợ, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, công việc chưa ổn định, cưới nhau về thì sau này con sẽ khổ. Quốc giận, quyết lấy vợ. Sau cùng, ông bà cũng đồng thuận. Tháng 6/2018, Quốc và chị A. đính hôn. Tháng Tám năm ấy, đám cưới diễn ra trước sự vui mừng của họ hàng hai bên. Quốc dọn về nhà cha chị A. sống và mở tiệm nhôm kính tại nhà. Sau đó, chị A. cấn thai rồi sinh con. Mặc dù đã vợ, có con nhưng tuổi chưa tròn hai mươi nên Quốc vẫn còn rất ham chơi.

    Nhiều hôm, Quốc không chịu mở cửa tiệm mà theo chân bạn bè đi chơi. Những bữa rượu thâu đêm suốt sáng, lúc trở về, cảnh “chân nam đá chân chiêu” thường xuyên diễn ra. Chị A. mới sinh, lại thấy chồng như vậy thì rất khó chịu. Không ít lần, chị khuyên nhủ chồng bớt tụ tập với bạn bè, chăm chỉ làm ăn, gầy dựng hạnh phúc.

    Quốc không nghe lời mà cho rằng, vợ tìm cách kèm cặp, gây sự. Quốc hờn giận, la mắng. Đỉnh điểm, tối 8/8/2019, sau khi ăn giỗ về, có sử dụng bia, Quốc lại lớn tiếng với vợ. Lúc này, đứa con chưa tròn 2 tháng tuổi vừa ngủ, chị A. bảo: “Anh nhỏ tiếng thôi, kẻo con dậy”. Quốc vẫn thao thao bất tuyệt khiến cuộc cãi vã diễn ra. Trong lúc tức giận, Quốc giật con, đòi bồng về cha mẹ ruột sống. Chị A. gắt gỏng: “Nếu không sống được thì ly hôn”. Quốc nghe vậy, lao vào đánh, đe dọa giết vợ và sẵn sàng đi tù. Chị A. thấy thế, ngã quỵ ngất xỉu, được người nhà mời y sĩ đến chăm sóc.

    Sáng hôm sau, Quốc và vợ tiếp tục cãi vã. Quốc cho hay: “Không có chuyện ly hôn, nếu chết thì cả nhà cùng chết”. Vừa dứt lời, Quốc đè vợ xuống nền nhà, dùng dao rọc giấy cắt nhiều nhát vào cổ khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau khi gây án, Quốc tiếp tục dùng dao tự cắt cổ mình để tự sát. May mắn, người thân phát hiện kịp thời, chuyển vào bệnh viện cấp cứu nên cả hai giữ được tính mạng. Theo kết luận, thương tích thời điểm hiện tại của chị A. là 15%.

    Nước mắt người vợ

    Quốc cho hay, hơn nửa năm ngồi trong trại tạm giam, suy nghĩ rất nhiều về những điều mình đã làm. “Bị cáo biết, hành động của mình là sai trái. Việc vợ được cứu sống là may mắn. Nếu cô ấy tử vong, tôi còn sống thì có lẽ, suốt đời này tôi ân hận và không thể sống nổi”, Quốc nói. Bị cáo cũng thừa nhận, thời điểm hiện tại vẫn còn rất thương vợ và nhớ con. Chủ tọa hỏi: “Bị cáo bảo thương vợ, sao có thể dùng dao cứa cổ, với ý định sát hại vợ mình?”. Quốc cúi gằm mặt: “Dạ. Trước đó, vợ bị cáo đòi ly hôn mà bị cáo không muốn chia tay khiến bị cáo không kìm được cơn giận. Bị cáo chỉ nghĩ đơn giản, không sống được với nhau thì phải chết cùng nhau nên mới tự tử”.

    Chủ tọa phân tích: “Trong cuộc sống, vợ chồng nào cũng có mâu thuẫn. Quan trọng là cách đối xử với nhau, nhận ra cái sai, sửa sai để vun đắp hạnh phúc chứ không phải hễ giận là đòi giết, gây bi kịch cho gia đình”. Im lặng giây lát, chủ tọa hỏi tiếp: “Khi xảy ra sự việc, vợ bị cáo sinh được bao nhiêu tháng?”. Không chút suy nghĩ, Quốc bảo: “Dạ. Gần hai tháng”. Chủ tọa tiếp lời: “Phụ nữ mới sinh, cần được chăm sóc quan tâm, rất dễ xúc động, rơi vào cảnh trầm cảm sau sinh. Thế nhưng, bị cáo không thấu hiểu, không chia sẻ, lại gây áp lực cho vợ. Liệu bị cáo thấy trách nhiệm làm chồng, làm cha của mình đã trọn vẹn?”. Quốc chỉ im lặng, hai tay vê vạt áo.

    Suốt phiên tòa hôm ấy, chị A. nước mắt ngắn dài. Khi được mời lên thẩm vấn, nhiều lần chị nghẹn lời, nức nở. Chị kể, cách đây khoảng mười năm, mẹ chị qua đời trong lúc sinh đôi. Cô ruột thương 3 đứa cháu còn nhỏ nên cứ sống vậy chăm sóc. Riêng ba chị, phải xa nhà làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi con. Lớn lên, chị gặp và yêu thương Quốc. Chị rung động trước sự chăm sóc của Quốc. Và, chị đặt rất nhiều hy vọng, tin rằng, Quốc sẽ bù đắp thiếu thốn tình cảm của mình. Thế nhưng, sau khi kết hôn, Quốc vẫn suy nghĩ bồng bột, thường xuyên tụ tập bạn bè mới dẫn đến mâu thuẫn.

    Chị A. thừa nhận vẫn còn yêu và thương Quốc. Chị không yêu cầu bồi thường dân sự. Chị nhiều lần khẩn thiết xin giảm án cho chồng. “Tôi không nghĩ, chỉ vì câu nói đòi ly hôn của mình lại khiến anh ấy xúc động mạnh rồi gây ra mọi chuyện thế này. Nếu biết trước sự việc, tôi sẽ có cách xử sự khác. Con tôi còn quá nhỏ. Tôi không muốn sau này, khi lớn lên, con mình không có cha. Tôi chỉ hy vọng, anh ấy cải tạo tốt, sớm trở về”, chị A. cho hay.

    Dù bị hại cố gắng xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng Quốc vẫn phải nhận mức án 7 năm tù giam về tội Giết người. Lời cuối cùng, Quốc xin lỗi vợ, gia đình, và mong muốn được gặp con. Tuy nhiên, do đứa trẻ còn quá nhỏ nên- mong muốn không được đáp ứng. Bước lên xe trở về trại tạm giam chờ ngày thi hành án, Quốc lẩm nhẩm: “Tôi sai rồi”. Chị A. đứng sững ở hành lang, nhìn chiếc xe khuất dạng, mắt mờ lệ...

    Huy Cường

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số (21)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nuoc-mat-trong-phien-toa-chong-tre-con-hai-vo-vi-mau-thuan-nho-khien-nhieu-nguoi-phai-suy-nghi-a325155.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan