+Aa-
    Zalo

    Ông bố chăm con “bá đạo” và 18 năm gian truân “tìm con”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - 18 năm gian truân ở bên nhau, gia đình anh Lê Xuân Lịch cuối cùng đã có được cậu con trai kháu khỉnh để thỏa lòng mong ước.

    (ĐSPL) - 18 năm gian truân ở bên nhau, bỏ qua mọi lời dèm pha của gia đình, xóm giềng vợ chồng anh Lê Xuân Lịch (ở TP Tuyên Quang) vẫn cố lau nước mắt, đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ điều trị hiếm muộn để rồi có được 1 đứa con trai kháu khỉnh.
    Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn mạng “phát sốt” với hình ảnh ông bố chăm con “bá đạo” khi tay cầm bát bột, đầu đeo smartphone để dỗ con ăn. Ngay sau khi bức hình được đăng tải đã nhận được hàng chục nghìn người ủng hộ, hết lòng khen ông bố khéo léo chăm con và phong tặng danh hiệu “Ông bố của năm”.

    Hình ảnh ông bố chăm con bá đạo thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

    Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, để có được một cậu con trai dễ thương như thế, vợ chồng anh Lê Xuân Lịch (45 tuổi) và chị Nguyễn Hồng Nhung (39 tuổi), ở đường Trường Chinh, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã từng phải trải qua 18 năm ròng chữa trị hiếm muộn. Suốt những năm đó, hai vợ chồng đã phải đi đủ mọi nơi để cắt thuốc nam, thuốc bắc, đi từ Tuyên Quang xuống Hà Nội, vào Sài Gòn để khám hiếm muộn.
    Hành trình đầy gian khổ, thử thách, khó khăn và rơi rất nhiều nước mắt nhưng trên chặng đường gian nan ấy, chính tình yêu đích thực, sự thành thật và cảm thông đã gắn kết và giúp họ vượt qua tất cả. Và cuối cùng họ đã cập bến bờ hạnh phúc khi đầu tháng 11/2014, bé Lê Quang Minh cất tiếng khóc chào đời.

    "Ông bố của năm" ân cần chăm chút cậu con trai bé bỏng.

     
    Kể lại câu chuyện đầy gian truân và nước mắt của vợ chồng mình, anh Lê Xuân Lịch bùi ngùi nhớ lại, năm 1998 anh chị cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Tuy nhiên, một thời gian dài mong chờ mà không có con nên anh chị quyết định đi khám tìm nguyên nhân.
    “Lấy nhau được khoảng 2 năm thì vợ chồng tôi đi khám ở bệnh viện tỉnh thì các bác sĩ bảo hai vợ chồng hoàn toàn bình thường. Ít lâu sau vợ tôi đau bụng, sau khi siêu âm thi các bác sĩ kết luận vợ tôi bị u nang buồng trứng và chỉ định lên tuyến trên ở Hà Nội. Lúc ấy kinh tế chúng tôi cũng không có nhiều nhưng cũng muốn nhân tiện đi bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh để khám nguyên nhân vô sinh luôn. Kết quả cuối cùng, vợ tôi bị tắc hai vòi trứng, còn tôi thì kết quả rất tốt. Theo chỉ định của bác sĩ, vợ tôi phải mổ để thông vòi trứng. Sau khi mổ xong hai vợ chồng lại khăn gói về Tuyên Quang và chờ đợi kết quả”, anh Lịch nhớ lại.
    Tuy nhiên, ngay sau khi trở về mãi không có con. Vợ chồng trẻ lại sốt ruột, lo lắng, anh chị bắt đầu đi xem bói rồi đổ hết tiền của vào làm đủ các lễ như thay tên, hoán số, đổi ngày cưới, trả nợ tào quan... nhưng chỉ nhận lại thất vọng.

    Chị Nguyễn Hồng Nhung bên cậu con trai bé bỏng.

    “Thời điểm đó nhiều áp lực lắm. Vợ tôi đã khóc rất nhiều, khi ấy vợ chồng tôi đang còn ở chung với bố tôi và chị gái, nhiều lúc có những câu nói bóng gió cũng làm ảnh hưởng tới cuộc sống vợ chồng. Ngoài ra còn phải chịu nhiều áp lực từ xóm giềng nữa. Có người còn đùa ác là "điếc" hay "cá rô đực", có người thì mang con cháu ra hỏi: "Có thèm không?"...”, anh Lịch buồn rầu tâm sự.
    Trước áp lực của gia đình, xóm giềng, anh Lịch vẫn an ủi động viên vợ: "Ai nói gì thì mặc kệ em ạ, chỉ cần mình yêu thương nhau là đủ rồi, anh tin vợ chồng mình sẽ có con chẳng sớm thì muộn. Bây giờ khoa học còn làm được thụ tinh ống nghiệm rồi, khi nào có tiền mình đi làm một lần là được thôi mà".
    5 năm sau cưới, đến năm 2003 vợ chồng anh lại vào Bệnh viện Từ Dũ lần thứ hai để làm thụ tinh ống nghiệm nhưng cũng không thành công. Sau đó, nghe người mách một bác sĩ đông y ở Mỹ Đình (Hà Nội) chữa vô sinh rất mát tay, anh Lịch, chị Nhung tìm đến song kết quả cũng không như ý. Cứ như vậy, suốt bao năm, vợ chồng anh đổ tiền của cho bao lần đi chữa trị song ước nguyện vẫn không thành.
     
    "Có những lần, mình nói muốn giải thoát cho anh đi lấy vợ khác để có con nhưng anh không chịu và bảo “em đã thiệt thòi lắm rồi, anh không bù đắp được gì cho em thì thôi, sao có thể làm vậy”. Hai đứa thực sự yêu nhau rất nhiều nên không thể dứt nhau", chị Nhung chia sẻ.
     
    Đến năm 2013, anh chị dành dụm được ít tiền, xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm thụ tinh ống nghiệm tiếp song vẫn không đậu. Thấy 8 người cùng thực hiện hỗ trợ sinh sản với mình thì có tới 7 người đậu thai, vợ chồng anh Lịch quyết tâm làm lại. Sau Tết 2014, hai người xuống thủ đô để thực hiện lần nữa và lần này, hạnh phúc đã mỉm cười.
     
    "Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hôm đi lấy kết quả xét nghiệm máu để xác định việc có thai. Lúc cô y tá nói 'vợ anh có thai rồi', một dòng điện chạy dọc sống lưng, hai mắt bắt đầu cay xè, tôi vội vàng cám ơn rồi lên xe phóng như bay mà hai hàng nước mắt cứ tuôn trào. Tôi chạy vội vào phòng vợ, khóc òa như một đứa trẻ. Vợ thấy vậy cũng khóc theo và hỏi 'Lại hỏng à anh?'. Tôi lắc đầu: 'Chúng mình đã thành công" rồi hai đứa ôm nhau khóc", anh Lịch nhớ lại.
    Nhớ lại thời mang thai, suốt ba tháng đầu, chồng chị giành làm hết tất cả các công việc từ chợ búa, cơm nước, giặt giũ, đến vệ sinh cho chị. Thế nhưng cuộc đời vẫn tiếp tục thử thách anh chị. Anh Lịch không bao giờ quên "ngày định mệnh" - 28/6/2014 - khi cái thai bước sang tuần thứ 14.
    “Hôm ấy tôi đi làm cách nhà 30km thì thấy điện thoại của vợ vừa gọi vừa khóc nói anh ơi máu chảy ra nhiều lắm rồi anh ơi. Nghe xong điện thoại của vợ tim tôi như chết lặng. Tôi vội vàng trấn tĩnh vợ nằm yên trên gường rồi tôi gọi cứu thương. Sau đó tôi cũng vội vàng chạy về nhà. Vào tới bệnh viện thì thấy bác sĩ nói tim thai vẫn còn nhưng cổ tử cung đã mở sau đó được các bác sĩ tích cực truyền thuốc co bóp tử cung”, anh Lịch kể tiếp.
    3 ngày sau khi điều trị thì tình trạng chị Nhung ổn định và được cho về rồi hằng ngày tiêm thuốc nội tiết. Chưa hết lo thì vài ngày sau chị lại bị chảy máu ồ ạt, ướt cả ga giường. Lần này, bác sĩ gọi riêng anh Lịch và nói vợ chồng cần chuẩn bị tâm lý vì cổ tử cung đang mở để tống thai ra.
    "Tôi chạy vội vào nhà vệ sinh bật khóc, sau đó cố tỏ ra bình tĩnh vào an ủi vợ, nói dối vợ là cứ yên tâm, không có vấn đề gì. Nhưng nhìn mắt tôi đỏ nên chắc cô ấy cũng đoán được điều gì và khóc to hơn, vừa vì cơn đau dọa sẩy, vừa vì sợ không giữ được con", anh Lịch kể lại.

    Gia đình anh Lịch hạnh phúc bên nhau.

    Cầm tay vợ anh Lịch quỳ xuống nói trong nước mắt: "Em hứa với anh đi,nếu như ông trời không thương vợ chồng mình mà không cho con ở cùng mình thì em cũng không được nản lòng nhé,hãy tin đi, số chúng mình sẽ có con em ạ. anh hứa với em dù em có như thế nào  đi nữa anh cũng luôn ở bên em đến hết cuộc đời này. Nói xong rồi hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc. Máu vẫn chảy và tôi vẫn lau cho vợ nhưng vẫn nói dối là không phải máu đâu”, anh Lịch rớm nước mắt.
    Cũng đêm hôm ấy, anh Lịch cầm 3 que nhang mang ra sân bệnh viện đốt rồi quỳ hằng tiếng xin trời phật phù hộ. Sau mấy ngày truyền thuốc, khi chị Nhung hết ra máu thì hai vợ chồng lại khăn gói xuống Bệnh viện phụ sản điều trị tiếp. "12 ngày liền vợ phải nằm yên trên giường, không được ngồi dậy chút nào, thương lắm", anh Lịch kể.
    Tại đây, bác sĩ lo ngại chị khó giữ thai đủ ngày tháng vì cổ tử cung quá ngắn. Từ đó, chị về nhà và treo chân trên giường, tất cả các công việc anh Lịch lại đảm đương hết. Khi thai được hơn 32 tuần chị Nhung vỡ ối và sinh con ngày 5/11/2014.
    Sinh non nên bé Lê Quang Minh chỉ nặng 2,4kg, lần đầu tiên vào thăm con anh Lịch khóc vì xúc động. “Buổi chiều hôm 6/11 tôi gặp con tôi trong phòng sơ sinh, lúc nhìn thấy cháu đang ngủ, tôi nói "con ơi bố đến thăm con đây. Hình như cu cậu nhận ra giọng nói của bố (vì lúc còn ở trong bụng mẹ tôi thường nói chuyện với con tôi, thường kể chuyện và hát cho cháu nghe). Một dòng nước mắt chảy ra trên khoé mắt cháu và tự nhiên cháu bật khóc hình như bé tủi thân thì phải”.
    Đến nay, bé Quang Minh đã được hơn 8 tháng và nặng hơn 9kg. Theo anh Lịch do con đẻ thiếu tháng nên chăm vất vả. Tuy nhiên, với vợ chồng anh chị có được bé là một niềm hạnh phúc vô bờ bến.
    “Trộm vía cháu rất thông minh. Anh chỉ cầu mong sao cho bé luôn khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn. Còn chuyện nuôi dạy con anh và chị cùng bắt tay nhau quyết tâm nuôi dậy con thật tốt, không vì hiếm muộn mà nuông chiều được”, anh Lịch vui vẻ cho hay.
    Hiện tại anh Lịch đang làm cho một công ty dịch vụ vận tải. Vợ anh có một cửa tiệm làm tóc, chăm sóc sắc đẹp. Vì công việc của vợ bận rộn hơn nên anh không nề hà bất cứ việc gì, từ tắm rửa, cho con ăn đến dọn dẹp, nấu nướng.
    Anh Lịch cũng nhắn gửi: “Qua câu chuyện của vợ chồng chúng tôi, tôi cũng có lời khuyên tới các cặp hiếm muộn rằng hãy cố gắng vượt qua những áp lực từ dư luận cũng như trong gia đình, hãy yêu thương nhau và cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống hãy sống vui vẻ, có ích và luôn hướng thiện, điều quan trọng nhất là luôn đặt niềm tin mình sẽ có con vì niềm tin sẽ biến điều không thể thành có thể. Việc chữa trị hiếm muộn không phải một sớm một chiều vì vậy các bạn phải kiên trì nhẫn nại rồi sẽ có ngày may mắn sẽ mỉm cười với các bạn. Các bạn sẽ đón được con yêu trong vòng tay các bạn như vợ chồng chúng tôi”.
    Xuân Tùng – Hồng Thắm
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-bo-cham-con-ba-dao-va-18-nam-gian-truan-tim-con-a101908.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.