+Aa-
    Zalo

    Ông chủ hệ thống Ngọc Sương nổi danh một thời ngập trong nợ nần

    • DSPL
    ĐS&PL Chuỗi nhà hàng, khu du lịch đóng cửa do dịch bệnh, ông chủ Ngọc Sương cũng bị ngân hàng rao bán khoản nợ 121 tỷ đồng.

    Mới đây, một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM đã ban hành thông báo bán đấu giá khoản nợ của công ty cổ phần Ngọc Sương, có trụ sở đăng ký tại 33 Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM, người đại diện pháp luật là ông Trần Anh Dũng.

    Tính đến 30/6/2019, khoản nợ này là hơn 121 tỷ đồng, trong đó vốn là 48,7 tỷ đồng, lãi trong hạn là gần 48,2 tỷ đồng, lãi quá hạn là gần 24,3 tỷ đồng.

    ong chu he thong ngoc suong noi danh mot thoi ngap trong no nan
    Khoản nợ của Ngọc Sương lên tới 121 tỷ đồng.

    Khoản nợ của công ty cổ phần Ngọc Sương là tài sản đảm bảo gồm 4 quyền sử dụng đất, gồm các thửa số: 01, 02, 03, 04 (tờ bản đồ địa chính số 167/2008/TDBD tại khu Bãi Lao, thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).

    Mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh, hình thức đất thuê trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đến 20/6/2017. Giá khởi điểm cho khoản nợ này là gần 53 tỷ đồng.

    Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới khoản nợ khổng lồ này của Ngọc Sương được cho là do tình hình dịch bệnh kéo dài, ngành du lịch đóng băng... Bởi, đa phần các doanh nghiệp của ông Dũng đều hoạt động chủ yếu (hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực du lịch), đóng tại các thủ phủ du lịch như: Hà Nội, Khánh Hoà, TP.HCM, Cần Thơ...

    Thực tế, một trong những điểm kinh doanh ở khu vực trung tâm TP.HCM của Ngọc Sương hiện xuống cấp, đóng cửa do dịch bệnh. Đây là tình trạng chung, không riêng gì Ngọc Sương.

    Ngọc Sương là thương hiệu khá nổi tiếng nhiều năm qua, đặc biệt tại TP.HCM và Khánh Hoà với chuỗi nhà hàng, khu du lịch trải dài từ Bắc chí Nam. Thương hiệu này cũng gắn với ông Trần Tương (đã mất) và được con trai của ông, Trần Anh Dũng tiếp nối, phát triển.

    Ông Dũng là người định cư ở Pháp, theo diện đoàn tụ gia đình vào năm 1977. Ông cũng từng mở nhà hàng tại Pháp, đến năm 1993 chuyển về Việt Nam sinh sống.

    Nhà hàng Ngọc Sương là tên ghép của mẹ và chị gái ông Dũng có từ thời ông Trần Tương. Hệ thống nhà hàng Ngọc Sương nổi danh từ những năm 50 của thế kỷ trước, do ông Trần Tương sáng lập. “Cha tôi đã mở nhà hàng đầu tiên từ năm 1955 tại vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa, khu căn cứ của quân sự Pháp vào thời đó. Ngọc Sương là tên ghép của mẹ và chị gái tôi”, ông Dũng từng chia sẻ.

    Nối nghiệp cha, ông Dũng khi về nước cũng đã phát triển hệ thống chuỗi nhà hàng Ngọc Sương trải dài từ Bắc chí Nam, trong đó, có quê hương ông – Khánh Hoà.

    Chia sẻ về công việc kinh doanh của mình, ông Dũng bộc bạch: “Món ăn mỗi miền đều có nét tinh hoa riêng, cái hay riêng. Tôi cố gắng nghiên cứu, tìm tòi để gom lại thành những nét căn bản của bếp Việt Nam”. Với những suy nghĩ như thế, ông bắt đầu công cuộc nghiên cứu, ghi chép và sưu tầm các món ăn ba miền của Việt Nam và nuôi ý định tại quê nhà.

    Kể từ 1983, ông Dũng về nước thường xuyên hơn, hai năm sau đó, ông giúp cha mở lại nhà hàng Ngọc Sương ở Cam Ranh. Nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở quê nhà, ông quyết định bán các nhà hàng ở Pháp và quay về Việt Nam vào năm 1993. “Thời điểm đó, có nhiều người nói tôi điên, bởi trong lúc người ta đang bỏ tiền để được ra nước ngoài sinh sống, thì tôi lại trở về”.

    Nhưng, ông Dũng đã không sai khi trở về Việt Nam. Thừa kế thương hiệu Ngọc Sương của cha, với vốn liếng và kinh nghiệm được tích góp nhiều năm, vị doanh nhân họ Trần đã dần gây dựng được tên tuổi của mình trên thương trường.

    Công ty cổ phần Ngọc Sương hoạt động từ năm 2003, có ngành nghề kinh doanh: Khách sạn - nhà hàng ăn uống (không hoạt động tại trụ sở), chế biến và mua bán suất ăn công nghiệp, đào tạo dạy nghề, đại lý mua bán, ký gửi hàng hóa, mua bán rượu – bia, xây dựng dân dụng và công nghiệp, mua bán hàng trang trí nội thất, tổ chức khu vui chơi giải trí.

    Không dừng lại ở kinh doanh nhà hàng, công ty này còn bổ sung thêm: Kinh doanh bất động sản (trừ dịch vụ môi giới, định giá, sàn giao dịch bất động sản), du lịch lữ hành nội địa, đại lý bán vé máy bay, cho thuê xe ôtô, kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định - theo hợp đồng, đại lý kinh doanh xăng dầu, hoạt động của các câu lạc bộ thể thao như bơi lội, tennis, kinh doanh khu du lịch sinh thái (không hoạt động tại trụ sở).

    Nói về bí quyết thành công của mình trong công việc kinh doanh, ông Dũng từng tiết lộ, vì bản thân ông có “máu liều”. Ngoài là người đại diện pháp luật của công ty cổ phần Ngọc Sương, ông Dũng còn đại diện pháp luật hàng loạt doanh nghiệp, như: Công ty TNHH Ngọc Sương Hà Nội, công ty TNHH Du lịch Trần Tương, chi nhánh công ty TNHH Khai thác Sản xuất Thương mại Trần Tương, công ty TNHH Trại Mát, chi nhánh công ty cổ phần Ngọc Sương tại Cam Ranh...

    Thanh Tùng

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (112)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-chu-he-thong-ngoc-suong-noi-danh-mot-thoi-ngap-trong-no-nan-a507291.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan