+Aa-
    Zalo

    Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 10-11 năm tù, Đinh Ngọc Hệ tù chung thân

    • DSPL
    ĐS&PL Về tội Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án từ 10-11 năm tù.

    Về tội Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án từ 10-11 năm tù.

    Sáng ngày 18/12, TAND TP. HCM tiếp tục mở phiên xét xử vụ án tiêu cực xảy ra tại cao tốc TPHCM – Trung Lương gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 725 tỉ đồng.

    Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo như sau:

    Về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đại diện cơ quan công tố đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT) mức án từ 10-11 năm tù;

    Bị cáo Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) mức án từ 6-7 năm tù;

    Bị cáo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long, Bộ GTVT) mức án từ 5-6 năm tù;

    Bị cáo Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long, Tổ trưởng tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí) mức án từ 5-6 năm tù;

    Bị cáo Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT) mức án từ 3-4 năm tù;

    Bị cáo Lê Trung Cường (nguyên Chuyên viên Vụ Tài chính, Tổ viên tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí) mức án từ 3-4 năm tù;

    Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: VnExpress

    Bị cáo Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng công ty Cửu Long, Tổ phó tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí) mức án từ 3-4 năm tù.

    Trong khi đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (công ty Thái Sơn, bộ Quốc Phòng) bị đề nghị mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 13-14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng hợp hình phạt đề nghị là chung thân.

    Cùng bị đề nghị phạt tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các bị cáo:

    Phạm Văn Diệt (người được Hệ giao điều hành toàn bộ các công ty do Hệ thành lập, trong đó có công ty Yên Khánh) bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù;

    Bị cáo Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng công ty Yên Khánh) bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù;

    Bị cáo Trần Văn Miền (Phó giám đốc Chi nhánh Long An, Công ty Yên Khánh, Trạm trưởng trạm thu phí Chợ Đệm) bị đề nghị mức án từ 8-9 năm tù;

    Bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu gái bị cáo Đinh Ngọc Hệ, đồng thời là Giám đốc công ty Yên Khánh trên danh nghĩa) bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù;

    Bị cáo Phạm Tấn Hoàng (Phó phòng Kế toán công ty Yên Khánh, Kế toán trưởng công ty Khánh An) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù;

    Bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ (người theo dõi thu, chi hoạt động thu phí) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù;

    Bị cáo Ngô Bá Thắng (Giám đốc Chi nhánh Long An, Công ty Yên Khánh) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù;

    Bị cáo Nguyễn Xuân Hiền (Giám đốc Công ty Xuân Phi – đơn vị bán phần mềm cắt giảm doanh thu cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù;

    Bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân (nhân viên Công ty Xuân Phi) bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù;

    Bị cáo Tạ Đức Minh (Thủ quỹ Công ty Yên Khánh) bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù;

    Bị cáo Đinh Thị Chung (Thủ quỹ Chi nhánh Long An, Công ty Yên Khánh) bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù;

    Với vai trò hỗ trợ, cài đặt, hướng dẫn các bị cáo sử dụng phần mềm can thiệp cắt giảm doanh thu thu phí, bị cáo Lê Thị Những bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù.

    Về trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng Đinh Ngọc Hệ phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.

    Dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương là dự án cao tốc đầu tiên tại miền Nam, được Thủ tướng phê duyệt năm 2004, chủ đầu tư là bộ GTVT với số vốn gần 10.000 tỷ đồng. Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Công ty Cửu Long, bộ GTVT) quản lý. Năm 2010, tuyến cao tốc hoạt động nhưng hai năm sau mới chính thức thu phí.

    Theo cáo trạng, tháng 2/2012, ông Thăng với vai trò bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) "tạo điều kiện" cho Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí.

    Kết quả điều tra xác định, Hệ đã nhiều lần nhờ ông Thăng tác động Dương Tuấn Minh. Do các công ty không có khả năng tài chính, kinh doanh thua lỗ, nên Hệ chỉ đạo cấp dưới làm báo cáo tài chính khống thành có lãi để làm hồ sơ đấu giá, trúng thầu. Quá trình thu phí, ông này chỉ đạo Công ty Yên Khánh mua phần mềm khác thay thế phần mềm thu phí của bộ GTVT để che giấu doanh thu.

    Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Thăng đã "phớt lờ" các quy định về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Sai phạm của cựu bộ trưởng và các cấp dưới đã giúp Hệ chiếm đoạt 725 tỷ đồng.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-dinh-la-thang-bi-de-nghi-10-11-nam-tu-dinh-ngoc-he-tu-chung-than-a349809.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan