+Aa-
    Zalo

    Ông giáo già 22 năm miệt mài đứng lớp dạy học sinh nghèo

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Suốt 22 năm qua, thầy giáo Nguyễn Trà (82 tuổi) vẫn miệt mài đứng lớp dạy miễn phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

    (ĐSPL) – 22 năm qua, người dân phường Phương Liên đã quen thuộc với hình ảnh một ông giáo già với mái tóc bạc trắng đứng lớp vào mỗi sáng Chủ nhật để dạy học sinh ở đình làng Trung Tự.

    Vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, lớp học của thầy giáo Nguyễn Trà (82 tuổi) lại được tổ chức tại đình làng Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội), học sinh là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ đến từ khắp các địa bàn trên Hà Nội. Năm nay đã bước sang tuổi 82 nhưng thầy giáo Nguyễn Trà vẫn hăng hái, miệt mài giảng dạy ở lớp học hướng thiện.
    Ông giáo già 22 năm miệt mài đứng lớp dạy học sinh nghèo

    Thầy giáo Nguyễn Trà hơn 22 năm vẫn hăng say, miệt mài giảng dạy cho học sinh. 

    Ông cho biết, “Năm 1992, tôi nghỉ hưu về nhà mở lớp học hướng thiện để dạy học cho trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn. 22 năm trôi qua, từ lóp học này đã có nhiều em học sinh nghèo thi đỗ các trường đại học, cao đẳng… và đã có công ăn việc làm ổn định”.
    Thầy giáo Nguyễn Trà được biết đến là hậu duệ đời thứ chín của thần sư Nguyễn Hy Quang. Dòng họ nhà thầy Trà sinh sống trên mảnh đất này đã 600 năm và có hơn 400 năm theo nghề giáo.
    Vốn sinh ra trong một gia đình có dòng dõi hiếu học nên ngay từ nhỏ ông đã sớm ý thức được sự quan trọng của việc học. Ngày nhỏ, ông học tại trường Chu Văn An (còn gọi là trường Bưởi). Năm 1954 tốt nghiệp trường Bưởi và thi đậu đại học trở thành sinh viên khóa đầu tiên trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Vật lý. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại Giỏi, thầy giáo Trà xin về giảng dạy tại trường Nguyễn Trãi và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) rồi về hưu năm 1989.
    Ông giáo già 22 năm miệt mài đứng lớp dạy học sinh nghèo

    Dòng họ nhà thầy giáo Nguyễn Trà đã có 17 đời theo nghề giáo. 

    Sau 3 năm nghỉ hưu, thầy giáo Trà quyết định mở lớp học miễn phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tên gọi là lớp học Tình Thương, sau đó được đổi thành lớp học Hướng Thiện. Nhớ lại thời gian đầu mới mở lớp học, thầy Trà tâm sự: “Nhìn thấy những đứa trẻ lang thang ngoài bãi rác, đi bán báo dạo hay làm những công việc nặng nhọc để kiếm sống, trong suy nghĩ của tôi chỉ muốn giúp các em điều gì đó để cho tương lai các em không phải vất vả. Tuổi thơ của các em đã không được may mắn như những đứa trẻ khác, nếu được học hành cuộc sống của các em sẽ tươi sáng hơn rất nhiều.
    Nghĩ là làm, tôi quyết định tập hợp những đứa trẻ hàng xóm, các khu trọ. Sau tôi có nhờ tới Hội Khuyến học giới thiệu đến các chợ, các bãi rác thuyết phục các bậc cha mẹ cho con em họ tới lớp học”.
    Vì vậy, mới đầu lớp học của ông chỉ có vài học sinh, về sau số lượng lên tới 20, 30 em. Ban đầu, thầy Trà tổ chức dạy học tại nhà riêng, về sau do học sinh tới lớp ngày một đông, nhà chật thầy đã phải mang bảng, bàn ghế, căng bạt ra sân đình dạy học. Khi thấy phần lớn các em trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, ông đã trích một phần lương hưu để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em.
    Học sinh của lớp học thầy Trà ở nhiều độ tuổi khác nhau, vì thế, ông phải phân chia ra thành nhiều lớp. Lớp bậc tiểu học, ông dạy Toán, Tiếng Việt và rèn luyện chữ viết. Học sinh cấp hai sẽ được học Toán, Vật lý và Hóa học. Còn với những học sinh cấp ba sẽ được ôn thi kiến thức thi đại học. Ngoài ra, thầy Trà còn tổ chức các lớp học ngoại ngữ như Tiếng Anh, Pháp, Đức… vì thầy là người thông thạo tiếng Pháp, Đức, Anh, Ý và biết cả tiếng Hán.
    Sau hơn 22 năm mở lớp hướng thiện, thầy Trà đã dạy dỗ, dìu dắt gần 300 học sinh. Thầy Trà bộc bạch: “Từ lớp học Hướng thiện đã có rất nhiều em học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, trường nghề và có việc làm ổn định. Nhìn thấy các em trưởng thành mà tôi đã có thêm động lực để tiếp tục với sự nghiệp dạy học của mình”.
    Khi được hỏi về ước mong trong ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy Trà cho biết: “Có lẽ, ước mong lớn nhất của tôi trong lúc này là mong sao tôi sẽ có sức khỏe, không ốm đau, bệnh tật để có thể đứng lớp giảng dạy cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nếu còn sức để đứng lớp, tôi sẽ tiếp tục tìm và nhận các em về dạy học. Điều tôi mong mỏi nhất trên đời này là không có đứa trẻ nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn”.
     
     
     
     
     
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-giao-gia-22-nam-miet-mai-dung-lop-day-hoc-sinh-ngheo-a69516.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngày 20/11, cô giáo lặn lội 200km tặng quà cho học trò

    Ngày 20/11, cô giáo lặn lội 200km tặng quà cho học trò

    Người ta vẫn quan niệm, 20/11 là ngày học sinh tri ân những người thầy của mình. Nhưng các thầy cô trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tạo ra sự khác biệt khi lặn lội 200km để mang quà đến với những học sinh của vùng cao Sơn La.