"Ông lớn" nào đứng sau nữ đại gia 26 tuổi "thâu tóm" 2 tòa lâu đài của Khải Silk?


Thứ 6, 11/09/2020 | 03:01


Cùng sự kiện

Chloe Hospitality cùng nữ đại gia 26 tuổi Đào Ngọc Bảo Phương từng gây xôn xao dư luận với thương vụ chuyển nhượng 2 tòa lâu đài gắn với tên tuổi của Khải Silk.

Chloe Hospitality cùng nữ đại gia 26 tuổi Đào Ngọc Bảo Phương từng gây xôn xao dư luận với thương vụ chuyển nhượng 2 tòa lâu đài gắn với tên tuổi của Khải Silk. Thế nhưng, ít người biết được, chủ sở hữu doanh nghiệp này không phải vị đại gia bí ẩn nói trên mà là Bến Thành Land của Chủ tịch Nguyễn Cao Trí. 

Đại gia Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Capella Holdings

Nữ doanh nhân Đào Ngọc Bảo Phương (SN 1994) hiện đang là nhân vật gây tò mò bậc nhất giới đầu tư, khi nắm giữ khoản vốn góp lên tới 7.560 tỷ đồng (khoảng 60% vốn điều lệ) vào Bến Thành Holdings và giữ vai trò Tổng Giám Đốc doanh nghiệp này khi tuổi đời còn khá trẻ. 

Ngoài Bến Thành Holdings, Đào Ngọc Bảo Phương còn là Người đại diện pháp luật cho 16 doanh nghiệp khác liên quan đến nhiều ngành nghề từ giáo dục, spa - thẩm mỹ cho đến bất động sản, như: Công ty Cổ phần Bến Thành Investment Group, Công ty Cổ phần Chợ Lớn Capital, Công ty Cổ phần Tập đoàn VNA, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Lang Bình Thuận, công ty TNHH Chloe Hospitality...

Trong số đó, Chloe Hospitality từng gây xôn xao dư luận với thương vụ chuyển nhượng bất động sản gồm: Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Charm Charm toạ lạc tại số 2 – 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM liên quan đến Khải Silk.

Được biết, Công ty TNHH Chloe Hospitality được thành lập vào tháng 9/2018, có trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM; với vốn điều lệ 36 tỷ đồng.

Chủ sở hữu của doanh nghiệp này là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land) do ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970) làm Chủ tịch HĐQT.

Sau khi Bến Thành Group thoái vốn, Bến Thành Land được đổi tên thành CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality) dưới sự “lèo lái” của ông Nguyễn Cao Trí.

Tên thương hiệu Chloe Hospitality được cho là có liên quan tới Chloe Nguyễn (tên thật là Nguyễn Cao Quỳnh Anh)- con gái của ông Trí, một beauty blogger nổi tiếng.

Thời điểm mới thành lập, Chloe Hospitality do bà Bùi Thị Vân Anh (vợ ông Trí) làm Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Chỉ sau đó vài tháng, bà Bùi Thị Vân Anh đã chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc Chloe Hospitality cho bà Đào Ngọc Bảo Phương.

Không chỉ Chloe Hospitality, nhiều doanh nghiệp do bà Phương làm đại diện pháp luật cũng có liên quan với doanh nhân Nguyễn Cao Trí. Một số công ty đặt trụ sở ở Bến Thành Tower và The One Saigon, hai tòa nhà thuộc các công ty của ông Trí.

Điều này khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về vị đại gia "đứng sau" các thương vụ đầu tư, chuyển nhượng nghìn tỷ và hệ sinh thái Capella Holdings của ông Nguyễn Cao Trí có gì và thực lực đến đâu?

Được biết, Capella Holdings hiện đang sở hữu loạt thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace Corp, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fu Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt).

Trong đó, Chill Sky Bar (tòa nhà AB, Quận 1, TP.HCM) và Air 360 Sky Lounge (Bến Thành Tower, quận 1, TP.HCM) đều là những tụ điểm vui chơi có tiếng.

Vị thế trong lĩnh vực F&B của Capella Holdings càng được khẳng định khi doanh nghiệp này đứng đằng sau thương vụ Chloe Hospitality nhận chuyển nhượng quyền quản lý 2 “tòa lâu đài” Tajmasago và nhà hàng Cham Charm từ doanh nhân Hoàng Khải- ông chủ Khải Silk vào cuối năm 2018.

Mặc dù là "ống lớn" đứng sau những thương vụ chuyển nhượng, đầu tư nghìn tỷ nhưng doanh thu của Capella Holdings lại là con số khá "khiêm tốn".

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo kinh doanh hợp nhất năm 2017 của Capella Holdings, doanh thu của Capella Holdings đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với năm 2016 nhưng chỉ mới hoàn thành 55% kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 55 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch và cao hơn 26% so với năm 2016.

Lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings 34 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings trong hai năm gần đây có sự sụt giảm rõ rệt.

Năm 2018, Capella Holdings ghi nhận doanh thu đạt 71 tỷ đồng, giảm tới 81,6% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 14,6 tỷ đồng.

Sang đến năm 2019, doanh thu của Capella Holdings có sự cải thiện, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 400 triệu đồng.

Mức lợi nhuận kể trên có thể nói là không đáng kể nếu so với quy mô tài sản, nguồn vốn của Capella Holdings.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Capella Holdings đạt 1.166 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với năm trước; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 408 tỷ đồng.

Ngoài Capella Holdings, ông Nguyễn Cao Trí hiện còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như CTCP Thái Bình Dương Đà Lạt, CTCP Thương mại Dịch vụ ô tô Bến Thành, CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Công ty TNHH US Talent International – Uti, CTCP Salla, CTCP Dịch vụ và Nhân lực Quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH Văn Lang HealthCare.

Bạch Hiền (t/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-lon-nao-dung-sau-nu-dai-gia-26-tuoi-thau-tom-2-toa-lau-dai-cua-khai-silk-a338522.html