+Aa-
    Zalo

    Ông “nông dân” kiện ô tô Trường Hải: Diễn biến kịch tính

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Do bị "đứng ngoài" nên ông "nông dân" lấy cương vị của mình là Chủ tịch Hội đồng thành viên (CTHĐTV) làm đơn khởi kiện chính công ty của mình ra tòa...

    (ĐSPL) - Do bị "đứng ngoài" nên ông "nông dân" lấy cương vị của mình là Chủ tịch Hội đồng thành viên (CTHĐTV) làm đơn khởi kiện chính công ty của mình ra tòa, mục đích là muốn lấy tất cả hồ sơ về mọi hoạt động của công ty mà mình đã bỏ đất, góp vốn nhưng lại không biết gì về mọi hoạt động trong cả thời gian dài.

    Nhưng điều ông "nông dân" té ngửa là những khoản nợ, thậm chí bị phạt lãi 150\% được Trường Hải đưa ra buộc công ty của ông "nông dân" phải thanh toán, lại không được ghi trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty?!

    Chuyện oái oăm của người phải tự kiện công ty “của mình” ra toà

    Sau nhiều lần ông Hồ Đắc Tuấn thông báo với ôtô Trường Hải để làm rõ sự việc (đầu tư, góp vốn, hoạt động kinh doanh... - PV) nhưng đều không có câu trả lời, nên ngày 27/12/2010, ông CTHĐTV "bù nhìn" làm đơn khởi kiện chính công ty (công ty TNHH Thaco -Kia Đà Nẵng) do mình làm "sếp" ra Toà án nhân dân TP. Đà Nẵng với yêu cầu buộc công ty Kia - Đà Nẵng chia lợi nhuận và đề nghị tuyên bố hủy các hợp đồng ký kết giữa Kia - Đà Nẵng với ô tô Trường Hải vì ông CTHĐTV "bù nhìn" không biết đó là những hợp đồng gì, đồng thời buộc công ty Thaco -Kia Đà Nẵng cung cấp các báo cáo tài chính, đầu tư và kinh danh với mục đích lấy tất cả hồ sơ về mọi hoạt động của công ty.

    Đến lúc này ông Trần Bá Dương ủy quyền cho ông Phạm Thanh Sơn làm việc với ông Hồ Đắc Tuấn và toà án. Qua hai lần hoà giải tại toà, đại diện Trường Hải là ông Phạm Thanh Sơn đồng ý bán lại công ty Kia - Đà Nẵng cho ông CTHĐTV "bù nhìn" nhưng không kiện tụng những vấn đề trước đây (hồ sơ xây dựng showroom và hoạt động kinh doanh của công ty mà ông CTHĐTV không biết - PV). Tại phiên toà hoà giải đã thống nhất, nếu Trường Hải đồng ý bán thì về họp HĐTV Kia - Đà Nẵng lại và báo cáo toà. Ngày 28/4/2011, Kia - Đà Nẵng triệu tập cuộc họp HĐTV có sự chứng kiến của ô tô Trường Hải là ông Mai Phước Nghê, mặc dù là giám đốc của Kia - Đà Nẵng, nhưng được ủy quyền là người đại diện vốn góp của ô tô Trường Hải, ông Phạm Thanh Sơn (đại diện ủy quyền tham gia tố tụng của Trường Hải) cùng ông Hồ Đắc Tuấn. Sau khi trao đổi, HĐTV thống nhất cuộc họp như sau: ông Hồ Đắc Tuấn sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Trường Hải tại công ty Thaco -Kia Đà Nẵng.

    Ngoài ra, hai bên thống nhất sẽ mời đơn vị kiểm toán quốc tế để kiểm toán và xác định giá trị doanh nghiệp... Sau khi có kết quả kiểm toán, các bên sẽ tiến hành họp để thống nhất phương thức chuyển nhượng và thời điểm thanh toán. Thực hiện thoả thuận trên, ngày 30/5/2011, HĐTV tiếp tục họp và chọn đơn vị kiểm toán là Công ty AASC. Hai bên đồng ý chỉ định người thay mặt mình tham gia hỗ trợ chứng kiến quá trình kiểm toán. 

    Tiếp đến ngày 18/7/2011, HĐTV họp và thống nhất đồng ý tuyển ông Nguyễn Mạnh Hào giữ chức danh thư ký công ty chịu trách nhiệm quản lý con dấu. Đồng ý bổ nhiệm bà Đặng Thị Hoà giữ chức danh kế toán công ty.

    HĐTV thống nhất thông qua nội dung hợp đồng kiểm toán và hai thành viên sẽ tiến hành ký nháy vào bản thảo hợp đồng. Giám đốc Mai Phước Nghê – đại diện pháp luật của công ty ký kết hợp đồng chính thức với đơn vị kiểm toán. Nội dung kiểm toán, báo cáo tài chính 2009, 2010 và quý 1/2011. Báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình showroom Thaco - Kia Đà Nẵng. Kết quả biểu quyết 100\%.

    Sau khi thỏa thuận để chuyển nhượng vốn nhưng Trường Hải vẫn không thực hiện những cam kết đã thoả thuận, mãi đến 19/12/2011. ông Trần Bá Dương, TGĐ ô tô Trường Hải ký công văn số 178, uỷ quyền cho ông Vũ Quốc Bảo thành viên HĐQT, Phó TGĐ của ô tô Trường Hải và nhắc lại một lần nữa “giá trị chuyển nhượng 50\% số vốn góp tại công ty Thaco – Kia Đà Nẵng theo số liệu sổ sách kế toán tại thời điểm 30/9/2011 được đề xuất là 6.201.040.926 đồng. Đồng thời ghi rõ “bên nhận chuyển nhượng phần góp vốn sẽ phải tiếp nhận toàn bộ các quyền lợi và nghĩa vụ của công ty Kia – Đà Nẵng, cũng như chịu trách nhiệm toàn bộ các khoản phải thu và phải trả số tiền sổ sách kế toán của công ty Kia – Đà Nẵng tại thời điểm chuyển nhượng...".

    VỤ KIỆN GIỮA ÔNG “NÔNG DÂN” VỚI CÔNG TY CP Ô TÔ TRƯỜNG HẢI: KỲ 3
    Không có hợp đồng mua bán nhưng lại có hợp đồng chấm dứt.

    Diễn biến kịch tính

    Ông Hồ Đắc Tuấn cho biết, sau khi đã thống nhất chuyển nhượng, công ty cổ phần ô tô Trường Hải không bàn giao theo như cam kết, thì đến ngày 1/12/2011 ông Tuấn có đơn thay đổi nội dung đơn khởi kiện đề nghị tòa án giải quyết việc chuyển nhượng giữa ô tô Trường Hải và cá nhân ông, tránh kéo dài thời gian gây thiệt hại cho cá nhân. Qua hai phiên toà sơ thẩm (9/5/2012) và phúc thẩm (27/8/2012), toà tuyên ông Hồ Đắc Tuấn nhận chuyển nhượng phần vốn góp là 50\% của ô tô Trường Hải. ông Tuấn có trách nhiệm trả tiền cho ô tô Trường Hải là 5.458.820.152 đồng. Sau khi khấu trừ giá trị nguyên liệu, phụ tùng theo giá trị sổ sách là 1.275.371.072 đồng.

    Được biết, qua các cuộc họp HĐTV thực hiện các bước để chuyển nhượng đã đi đến thống nhất và kiểm kê tài sản để bàn giao nhưng lãnh đạo ô tô Trường Hải đến giờ "phút cuối" lại gửi công văn bắt ông Tuấn phải trả nợ những khoản lãi phạt của những hợp đồng mua bán thiết bị của ô tô Trường Hải bán cho công ty Thaco -Kia Đà Nẵng mà trong hai năm Kia - Đà Nẵng hoạt động không có trong báo cáo tài chính của công ty? Điều này ông Tuấn không hề hay biết, vì trong thời gian đầu tư showroom và hoạt động kinh doanh hai năm, ông Nghê (giám đốc thuê) và ông Dương (TGĐ Trường Hải) biết hồ sơ, còn ông CTHĐTV lại không biết chuyện này? Mặc dù tại các phiên hoà giải ở toà, tòa án đã yêu cầu ô tô Trường Hải trưng ra các hợp đồng mua bán và lãi phạt trả chậm này, nhưng Trường Hải không trưng ra và giải thích được?

    Điều "lạ" và "vô lý" nằm ở công văn do chính TGĐ ô tô Trường Hải Trần Bá Dương ký 19/12/2011 và ghi cụ thể: “Theo quy định tại Điều 305 của Bộ luật Dân sự và Điều 306 của Luật Thương mại, công ty TNHH ô tô Thaco - Kia Đà Nẵng phải chịu phạt lãi trả chậm cho các khoản của công ty theo tỉ lệ 150\% lãi suất cho vay đang được áp dụng bởi các ngân hàng thương mại là 19\%/năm, cho dù sổ sách kế toán chưa ghi nhận khoản chi phí phát sinh này...".

    Tại sao, trong báo cáo tài chính của công ty Kia - Đà Nẵng năm 2009 và 2010 đều không có bất kỳ hợp đồng, hay khoản nợ nào của Kia – Đà Nẵng nợ Trường Hải, vậy tạo sao ông Trần Bá Dương thể hiện trong công văn là Kia – Đà Nẵng phải chịu lãi trả chậm là 150\%? Và cho dù sổ sách có thể chưa ghi nhận khoản chi phí phát sinh?

    Theo tìm hiểu được biết, số nợ này Trường Hải bán thiết bị cho Kia - Đà Nẵng bằng nhiều hợp đồng kinh tế giữa ông Nguyễn Hồng Minh khi đó là Phó Tổng giám đốc Trường Hải và ông Mai Phước Nghê là giám đốc thuê ký. Cụ thể ngày 1/2/2010, Trường Hải bán cho Thaco - Kia Đà Nẵng trên 944 triệu đồng. Ngày 5/1/2010, Trường Hải bán cho công ty Thaco - Kia Đà Nẵng 1,434 tỉ đồng và một số hợp đồng khác. Trong khi đỏ, báo cáo tài chính trong hai năm hoạt động tại công ty Thaco - Kia Đà Nẵng không có những hợp đồng này. Phải chăng trong công văn ngày 19/12/2011 do ông Dương ký mới có sự mập mờ như trên?

    Công văn ra ngày cuối năm yêu cầu phải chuyển nhượng trong năm

    Ngày 31/12/2011, ông Trần Bá Dương có gửi công văn cho ông Hồ Đắc Tuấn, trong đó ghi rõ: "ông Tuấn phải thực hiện chuyển nhượng ngay trong năm 2011 với giá 6, 2 tỉ đồng. Qua năm 2012, công ty cổ phần ô tô Trường Hải sẽ điều chỉnh giá chuyển nhượng do có liên quan đến thuế thu nhập trong năm 2012...". Câu hỏi đặt ra ở đây là ngày 31/12/2011, ông Dương mới gửi công văn cho ông Tuấn mà bắt ông Tuấn phải thực hiện việc chuyển nhượng ngay trong năm 2011?

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-nong-dan-kien-o-to-truong-hai-dien-bien-kich-tinh-a33869.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan