Ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp để tham ô như thế nào?


Thứ 7, 18/03/2017 | 02:55


Cùng sự kiện

TAND TP.Hà Nội vừa khởi tố vắng mặt Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT TCty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC) thêm tội “Tham ô tài sản”

TAND TP.Hà Nội vừa khởi tố vắng mặt Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT TCty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC) thêm tội “Tham ô tài sản” do chỉ đạo thuộc cấp ăn chia số tiền chênh lệch bán dự án Thanh Hà của Cienco5 Land. Vậy Trịnh Xuân Thanh đã tham ô tài sản như thế nào?

Từ một hợp đồng hợp tác đầu tư

Cuối năm 2009, biết Cty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cty Cienco5 Land) được thực hiện Dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây, các khu đô thị hoàn vốn trong đó có khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 (thuộc tỉnh Hà Tây cũ), lãnh đạo Cty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1.5 (Cty 1.5) đã gặp gỡ đại diện Cienco5 Land để đặt vấn đề hợp tác cùng đầu tư.

Trong đó, Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Cty 1.5 - đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Cty 1.5 - ký kết Hợp đồng vay vốn số 01 ngày 19.1.2010 với nội dung: “Cty 1.5 cho Cienco5 Land vay 200 tỉ đồng để sử dụng vào mục đích chi phí đầu tư giai đoạn 1 Dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây”. Đổi lại, Cty 1.5 được hưởng quyền ưu tiên hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A - Cienco5 do Cienco5 làm chủ đầu tư, giao Cienco5 Land thực hiện dự án.

An ninh - Hình sự - Ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp để tham ô như thế nào?


Theo hợp đồng vay vốn số 01, Cty 1.5 được ưu tiên thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư trên diện tích khoảng 55.000m2 thuộc khu đô thị Thanh Hà A - Cienco5. Bản thỏa thuận được hai bên thống nhất, chỉ có hiệu lực khi Cty 1.5 thực hiện xong hợp đồng. Tuy nhiên, trong khi chưa thực hiện Hợp đồng vay vốn số 01, thì Cty 1.5 đã sử dụng hợp đồng này cùng phụ lục số 01 để huy động vốn của dân dưới hình thức “Hợp đồng giao vốn”. Cụ thể, Cty 1.5 đã thu tiền của các cá nhân trị giá 30% giá trị của lô đất, mặc dù bị Cienco5 Land thông báo hủy hợp đồng vay vốn vì Cty 1.5 không thực hiện hợp đồng, nhưng Cty này vẫn huy động vốn của 429 nhà đầu tư cá nhân với số tiền lừa đảo chiếm đoạt lên tới trên 800 tỉ đồng...

Đến thời điểm cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự, một số lãnh đạo của Cty 1.5 đã chi trên 264 tỉ đồng để mua toàn bộ cổ phần của Cty cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương đơn vị được cấp giấy phép xây dựng Dự án tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza trên diện tích 9.584m2 tại xã Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và vụ án Nam Đàn Plaza cũng đã bị cơ quan điều tra khởi tố.

Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo “ăn chia” tới 1/3 giá trị hợp đồng

Cty Xuyên Thái Bình Dương được thành lập năm 2007 gồm 5 cổ đông, trong đó Cty Cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 12.120.000 cổ phần (chiếm 50,5%).

Còn Cty PVP Land có 4 cổ đông, trong đó, TCty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (TCty PVC) là cổ đông lớn nhất, nắm 14.000.000/ 26.500.000 cổ phần. Với cổ phần chi phối nêu trên, ông Trịnh Xuân Thanh - Tổng Giám đốc TCty PVC - cử các ông Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh giữ đại diện quản lý vốn ở Cty PVP Land với chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc. Để thực hiện chủ trương mua toàn bộ cổ phần của Cty Xuyên Thái Bình Dương, với sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ông Lê Hòa Bình gặp gỡ, đàm phán với Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch, đại diện Cty PVP Land) và đại diện của một số cổ đông. Kết quả, hợp đồng đặt cọc ngày 27.3.2010 được ký kết giữa bên mua do Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Cty 1.5 - làm đại diện với bên bán là 5 cổ đông của Cty Xuyên Thái Bình Dương. Trong 5 cổ đông đó có đại diện của Cty PVP Land là Đặng Sỹ Hùng theo ủy quyền của Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh.

Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, đại diện Cty 1.5 ký hợp đồng với từng cổ đông.

Điều rất không bình thường là việc 4/5 cổ đông đều ký bán cho Cty 1.5 với đúng giá hợp đồng đặt cọc, riêng với Cty PVP Land, Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh ký hợp đồng số 66 thì giá bán chỉ có 34 triệu đồng/m2 (như vậy, giá bán giảm tới hơn 1/3 so với giá chung). Tổng giá trị hợp đồng số 66 (giữa Cienco5 Land và Cty 1.5) trị giá gần 192 tỉ đồng, so với mức giá bán chung (52 triệu đồng/m2) thì tổng giá trị hợp đồng này bị giảm hơn 87 tỉ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Thanh Hà, hội đồng xét xử đã xác định vai trò của Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Tổng Giám đốc PVC đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong, đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land, ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc để hưởng khoản tiền chênh lệch 87 tỉ đồng. Đây là hành vi tham ô tài sản phải được làm rõ số tiền chênh lệch này đã vào túi những ai?

Quá trình dẫn đến tội phạm của Trịnh Xuân Thanh

Trịnh Xuân Thanh sinh ngày 13.2.1966, tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trình độ học vấn: Cử nhân chuyên ngành Quy hoạch đô thị.

- Năm 1990, Trịnh Xuân Thanh tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, từ năm 1990-1995: Trịnh Xuân Thanh sang Đông Âu làm ăn.

- Năm 1995 về nước, từ năm 1996-2000: Là Phó Giám đốc Cty Detesco của Trung ương Đoàn.

- Từ năm 2000-2004: Trịnh Xuân Thanh làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của TCty Sông Hồng, Bộ Xây dựng.

- Từ năm 2005-2007: Làm Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc của TCty Sông Hồng.

- Từ cuối năm 2007-2009: Chuyển về làm Phó Tổng Giám đốc, rồi Tổng Giám đốc TCty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

- Từ năm 2009-2013: Làm Chủ tịch HĐQT TCty PVC.

- Tháng 8.2013, Bộ Công Thương điều động Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Cuối năm 2013-2015: Làm Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương. Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp thuộc bộ.

- Tháng 5.2015, Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

- Năm 2016, ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử ĐBQH khóa XIV tại Hậu Giang và trúng cử với tỉ lệ 75,28%.

- Ngày 15.7.2016, theo kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Hội đồng Bầu cử quốc gia biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh với 100% số phiếu.

- Ngày 8.9.2016, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

- Ngày 15.9.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại TCty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; ngày 16.9.2016 ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Hiện Trịnh Xuân Thanh đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế do bỏ trốn.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-trinh-xuan-thanh-da-chi-dao-thuoc-cap-de-tham-o-nhu-the-nao-a184517.html