+Aa-
    Zalo

    Phải kỷ luật người đứng đầu cơ quan ra văn bản trái luật

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đó là ý kiến của GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp (Học viện Hành chính Quốc gia) khi PV đề cập đến hàng chục ngàn văn bản pháp luật vi hiến, trái luật

    (ĐSPL) - Đó là ý kiến của GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp (Học viện Hành chính Quốc gia) khi PV báo Đời sống và Pháp luật đề cập đến hàng chục ngàn văn bản pháp luật vi hiến, trái luật được các bộ ngành, cơ quan địa phương kiểm tra phát hiện.

    GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp - Học viện Hành chính Quốc gia (ảnh Vũ Phương).

    Quy trình chặt chẽ nhưng vẫn "lọt" văn bản trái luật!?

    Chỉ trong vòng 10 tháng của năm 2014, đã có hơn 9.000 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật được các bộ ngành, cơ quan địa phương kiểm tra phát hiện khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

    Một trong những nguyên tắc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến. Để có những văn bản đúng thì cơ quan ra văn bản này phải có chuyên môn về luật. Và thông thường ở các cơ quan của tỉnh, huyện bao giờ cũng có sở, phòng tư pháp để duyệt các văn bản pháp luật trước khi ban hành. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, quy trình, tổ chức chặt chẽ như vậy nhưng vẫn để "lọt" rất nhiều văn bản trái luật? Điều đáng nói, nhiều văn bản ban hành trái luật gây bức xúc, hậu quả đối với người dân đã rõ nhưng những cá nhân, tổ chức ban hành ra những văn bản này lại không bị xử lý. Thực trạng này đã tồn tại rất lâu rồi chứ không phải gần đây mới có.

    Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng văn bản pháp luật trái luật vẫn được "vô tư" ban hành?

    Tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến những văn bản trái luật đó là ý thức chủ quan của cơ quan ra văn bản. Họ cố tình "bẻ cong" pháp luật, ban hành những văn bản trái luật có thể vì yếu tố địa phương chủ nghĩa, vì lợi ích của địa phương hay lợi ích nhóm? Một nguyên nhân theo tôi không kém quan trọng đó là sự chậm trễ của các thông tư hướng dẫn luật. Bởi nhiều luật ban hành có hiệu lực ngay nhưng lại chưa có thông tư hướng dẫn dẫn đến việc các địa phương thực hiện không đúng, tréo ngoe. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của ta vẫn bộc lộ không ít kẽ hở. Từ đó mà nhiều người lợi dụng kẽ hở, cố tình vận dụng sai.

    Hơn nữa, việc tồn tại thực trạng ban hành văn bản trái luật diễn ra trong thời gian qua là do chúng ta xử lý chưa nghiêm đối với những người ra văn bản trái luật "hành" dân, gây hậu quả. Từ trước đến nay tôi chưa thấy cán bộ địa phương nào ban hành sai luật, vi hiến mà bị xử lý kỷ luật. Có chăng chỉ bị nhắc nhở, luân chuyển vị trí công tác. Với cách xử lý qua loa, chế tài không đủ nghiêm thì rất khó hạn chế những văn bản trái luật.

    Có ý kiến cho rằng năng lực của cán bộ tư pháp tại các địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém dẫn đến những văn bản được ban hành trái luật, vi hiến. Ông nghĩ sao về nhận định này?

    Thực tế mấy năm trở lại đây, công tác tuyển dụng cán bộ của ta đã tốt hơn, sinh viên tốt nghiệp trường luật không thiếu. Bởi vậy mà tuyển dụng cán bộ chuyên môn vào làm việc là có trình độ. Trước đây có thể nói cán bộ còn hạn chế về năng lực, chưa qua đào tạo một cách bài bản dẫn đến những văn bản trái pháp luật như vậy. Nhưng nay thì không thể đổ do trình độ, nhận thức về luật pháp của cán bộ. Điều quan trọng là công tác kiểm tra, hậu kiểm những văn bản được ban hành như thế nào? Tôi e rằng, có hiện tượng biết sai trái nhưng vẫn cố tình duyệt và hậu quả là gây phiền hà, bức xúc trong nhân dân.

    Cần giải quyết gốc rễ vấn đề

    Vậy theo ông, đâu là giải pháp nhằm ngăn chặn dứt điểm tình trạng ra văn bản trái luật gây bức xúc, tốn kém cho người dân?

    Nguyên tắc xây dựng các bộ luật pháp phải phù hợp với hiến pháp. Khi luật pháp đã chặt chẽ thì các văn bản pháp luật cấp địa phương cũng phải phù hợp với pháp luật. Để hạn chế những văn bản trái luật, vi hiến trên thì phải giải quyết được gốc rễ vấn đề.  

    Theo tôi cần phân cấp lại việc ban hành văn bản, không phải cơ quan nào cũng được ban hành VBQPPL. Chỉ nên để cấp tỉnh được phép ra VBQPPL. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy cấp huyện chỉ có nhiệm vụ thi hành, chứ không được ra VBQPPL. Làm được như vậy sẽ hạn chế được những tiêu cực, những văn bản trái luật.

    Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện văn bản trái luật; phải kỷ luật thật nghiêm những người đứng đầu cơ quan ra văn bản. Tôi lấy ví dụ nếu đơn vị huyện ra văn bản sai thì cấp tỉnh phải xử lý thật nghiêm, thậm chí cách chức, kỷ luật. Cần phải có chế tài xử lý quy trách nhiệm chứ không thể xử lý chung chung. Cấp huyện có phòng Tư pháp, cấp tỉnh có sở Tư pháp, nếu địa phương nào ra văn bản trái luật gây hậu quả thì cứ kỷ luật những người đứng đầu cơ quan pháp chế này. 

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phai-ky-luat-nguoi-dung-dau-co-quan-ra-van-ban-trai-luat-a80884.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan