+Aa-
    Zalo

    Bà Rịa – Vũng Tàu đứng trước nguy cơ bị kiện vì thu hồi dự án Vũng Tàu Paradise

    • DSPL
    ĐS&PL Các cổ đông nước ngoài của dự án Vũng Tàu Paradise đang cân nhắc khởi kiện ra trọng tài quốc tế nếu các kiến nghị về việc gia hạn thời gian hoạt động dự án không được cơ

    Các cổ đông nước ngoài của dự án Vũng Tàu Paradise đang cân nhắc khởi kiện ra trọng tài quốc tế nếu các kiến nghị về việc gia hạn thời gian hoạt động dự án không được cơ quan chức trách xem xét một cách thấu đáo…

    Không thể thế chấp tài sản để vay vốn

    Công ty Liên doanh Vung Tau Paradise  được thành lập bởi bên Việt Nam là Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch quốc tế Vũng Tàu và bên nước ngoài là Công ty Paradise Development and Investment của Đài Loan (Trung Quốc) theo Giấy phép đầu tư số 183/GP ngày 23 tháng 4 năm 1991 cấp bởi Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư (khi đó có tên là Công ty liên doanh Vũng Tàu Fairyland có trụ sở tại khu Hàng Dương, Thùy Vân, Bãi Sau, Vũng Tàu). Ngày 26/03/2003, Công ty liên doanh Vũng Tàu Fairyland được điều chỉnh Giấy phép đầu tư và được đổi tên thành Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise.

    Tổng vốn đầu tư của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise là 97.000.000 USD (Chín mươi bảy triệu đô la Mỹ); vốn pháp định là 61.800.000 USD (Sáu mươi mốt triệu tám trăm ngàn đô la Mỹ), trong đó: Bên Việt Nam góp 15.450.000 USD (Mười lăm triệu bốn trăm năm mươi ngàn đô la Mỹ) bằng giá trị quyền sử dụng đất; Bên nước ngoài góp 46.350.000 USD (Bốn mươi sáu triệu ba trăm năm mươi ngàn đô la Mỹ) bằng tiền mặt.

    Tại thời điểm cấp giấy phép đầu tư lần đầu năm 1991, Việt Nam đang mở cửa kêu gọi đầu tư và lúc đó kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn. Công ty Paradise Development and Investment của Đài Loan là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam được cấp giấy phép đầu tư và cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đầu tư vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Dự án Paradise.

    Ngay từ khi ra đời, dự án FDI đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dù chưa có đồng lãi nào thì đã gặp phải nhiều sóng gió, trong khi thời hạn hoạt động chỉ được cấp phép 25 năm.

    Theo Giấy phép đầu tư của Công ty Liên Doanh Vũng Tàu Paradise, theo các quyết định, văn bản giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo hợp đồng liên doanh thì khu đất 220ha nêu trên được Công ty dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu góp vốn vào liên doanh, do đó, theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật đất đai 1987, Nghị định số 30-HĐBT ngày ngày 23-3-1989 về việc thi hành Luật Đất đai 1987,Quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định số 201-QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất, Thông tư 1124/TT-TCĐC ngày 08/9/1995 của Tổng Cục Địa Chính, Luật Đất đai 2003 và nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật này) thì Công Ty Liên Doanh Vũng Tàu Paradise phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 220ha nêu trên.

    Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù Công ty Liên Doanh Vũng Tàu Paradise đã được bàn giao đất trên thực địa (theo biên bản bàn giao ký ngày 07/6/1993) nhưng bên Việt Nam trong liên doanh (Công ty dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu) lại không bàn giao hồ sơ pháp lý khu đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A002613 cấp ngày 03/10/1991 cấp cho Công ty dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu và các hồ sơ tài liệu kèm theo)cho liên doanh, cũng không thực hiện thủ tục sang tên người sử dụng đất, không thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất khu đất nêu trên cho liên doanh.Việc làm này của Công ty dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu đã vi phạm cam kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Công ty dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu tại gạch đầu dòng thứ 2 của Khoản 1 Điều 13 Hợp đồng liên doanh ký ngày 26/9/1990 với nội dung “- Giải quyết xin các giấy phép sử dụng đất đai…”.

    Công ty Liên Doanh Vũng Tàu Paradise đang là người sử dụng đất đối với khu đất 220ha trên thực tế, và về mặt pháp lý, công ty liên doanh cũng có quyền được sử dụng khu đất này, nhưng cho đến nay công ty liên doanh vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất này theo luật định. Việc quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise không được đảm bảo, không được thực hiện, đồng thời việc bàn giao mặt bằng khu đất cho liên doanh cũng bị chậm trễ (theo Khoản 1, Điều 7 và Điều 12 Hợp đồng liên doanh thì thời hạn giao đất là 03 tháng kể từ ngày 23/4/1991, nhưng đến tận ngày07/6/1993 mới bàn giao mặt bằng khu đất cho liên doanh) khiến cho dự án không thể triển khai đúng tiến độ, các quy hoạch 1/500 chưa lập xong và chưa được phê duyệt, toàn bộ các công trình xây dựng hầu hết không có giấy phép xây dựng hoặc không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Từ đó dẫn tới toàn bộ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (26.336.042USD) đầu tư vào chi phí dự án và chi phí tài sản cố định, đầu tư xây dựng các công trình của dự án hầu hết đã bị chôn tại chỗ, không thể quay vòng, tài sản hình thành trên đất không thể thế chấp, cầm cố để vay vốn, khiến việc khai thác hiệu quả vốn đầu tư đạt quá thấp và chủ yếu là thua lỗ, thậm chí sau này cũng sẽ gặp khó khăn khi thanh lý tài sản.

    Sau 6 năm  khi được cấp phép đầu tư, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã khiến vốn đầu tư vào các dự án nước ngoài nói chung và dự án của Công ty trở nên khan hiếm. Tuy vậy, công ty vẫn cố gắng tối đa để huy động vốn và đưa dự án đi vào hoạt động.

    Không lâu sau đó, vào năm 2006, khi các hạng mục ban đầu đã đi vào hoạt động và bắt đầu thu hút được du khách trong và ngoài nước thì cơn bão số 9 khốc liệt nhất trong lịch sử mang tên Durian đã càn quét khắp các tỉnh Tây Nam Bộ, gây thiệt hại nặng nề. Hậu quả là cơn bão đã khiến cơ sở vật chất, hạ tầng của Công ty vừa đi vào hoạt động đã bị thiệt hại nặng nề, đòi hỏi nguồn vốn tiếp tục để tái đầu tư.

    Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chỉ 2 năm sau cơn bão Durian, lại tiếp tục gây ra những khó khăn mới cho toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, mà trong đó công ty cũng bị ảnh hưởng.

    Công ty đã nhiều lần đề nghị xin được điều chỉnh dự án cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng không được chấp thuận. Trong khi, các nhà đầu tư nước ngoài trong Liên doanh đang tìm mọi cách để phát triển dự án thì trong các năm 2006, 2008, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu liên tục có công văn yêu cầu chấm dứt trước thời hạn hoạt động của liên doanh. Hơn nữa, ngày 25/6/2012, phía Việt Nam trong Liên doanh (Intourco ) đơn phương phát hành văn bản số 45/QTVT gửi UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án sau khi hết thời hạn 25 năm của Liên doanh. Ngay sau đó ngày 16/7/2012, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu gửi công văn số 4297/UBND-VP đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư  (KHĐT) báo cáo xin chủ trương đầu tư mới dự án, theo hướng đề nghị Bộ này chấp thuận đề xuất của Intourco. Và ngày 15/8/2012, Bộ KH-ĐT có văn số 6119/BKHĐT-ĐTNN trả lời công văn số 4297, trong đó nêu rõ việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư dự án mới thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh BR-VT. Những hành động này của Intourco cũng như của UBND tỉnh BR-VT là không công bằng với các đối tác nước ngoài trong liên doanh, đồng thời tạo dư luận không tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy nhà đầu nước ngoài không dám tiếp tục đầu tư cũng như không thể kêu gọi hợp tác vì nếu đầu tư trong tình trạng như vậy sẽ gây ra sự tổn thất rất lớn.

    Nên kéo dài thời gian hoạt động dự án

    Như  đã nói, do thời gian giao đất trên thực địa chậm hơn 2 năm so với giấy phép đầu tư, vì vậy theo đúng luật thì thời hạn giấy phép đầu tư phải đến tháng 06 năm 2018. Tuy nhiên tháng 12 năm 2016, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ra quyết định số 3776/QĐ-UBND thu hồi 220ha đất của dự án của công ty . Trước đó công ty đã nhiều lần gửi công văn đề nghị xin được gia hạn dự án cũng như xem xét việc giao đất trễ hai năm lên UBND tỉnh cũng như gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Thủ tướng cũng đã có công văn số 2741/VPCP-QHQT ngày 22 tháng 04 năm 2016 chỉ đạo UBND tỉnh xem xét giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư. Song mọi thắc mắc nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp vẫn không được giải đáp thỏa đáng. Việc thông tin dự án bị thu hồi được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng là một bất lợi lớn đối với công ty trong giai đoạn này. Vì nó ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh hoạt động của đơn vị, một mặt công ty vẫn phải lo công ăn việc làm cho gần 600 lao động, phải lo duy tu bảo dưỡng các hạng mục tài sản của dự án, trong khi dự án đã có quyết định thu hồi đất. Phải đến mãi ngày 19 tháng 03 năm 2019 thì UBND tỉnh mới có Quyết định số 625/QĐ-UBND về việc đề nghị thu hồi hủy bỏ Quyết định số 3776/QĐ-UBND trên cơ sở thông báo số 103/TB-BTNMT ngày 26/8/2018của Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường.

    Những hạng mục đầu tư ban đầu của Công ty đã tạo ra một điểm nhấn cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là địa điểm vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cho đông đảo nhân dân trong tỉnh. Hơn nữa, Công ty con la nơi được 600 cán bộ, nhân viên là nhân dân trong tỉnh lựa chọn để làm việc và cống hiến lâu dài trong suốt những năm qua. Dự án của cũng thường xuyên được coi là điển hình cho chính sách mở cửa, chào đón nhà đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, bị phía đối tác Việt Nam vi phạm quy định, không làm thủ tục chuyển đổi sổ đỏ để vay vốn nhưng bà Bà Liu Mei Teh - Chủ tịch hội doanh nhân Đài Loan tại Việ Nam, (đại diện nhóm cổ đông  tại Công ty liên danh Vũng Tàu Paradise) vẫn một mình vượt nhiều sóng gió chèo lái dự án Vũng Tàu Paradise, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đến nay dự án đã hoàn thành nhiều hàng mục như khách sạn, sân golf, đón nhiều đoàn khách quốc tế và quốc nội. Trước đó, chồng bà là ông Long Shiang Wu đã gắn bó 20 năm với dự án va đến  khi mất cũng chỉ có một mong muốn là xây dựng một dự án đúng tầm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh BR-VT, mặc dù bản thân ông và gia đình chưa thu được một đồng lãi nào so với số tiền đã bỏ ra đầu tư.

    Liên quan đến chủ trương thu hồi dự án Vũng Tàu Paradise của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vì hết hạn theo giấy phép,  GS.TSKH Nguyễn Mại, người ký Giấy phép đầu tư cho Dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise (khi đó GS.TSKH Nguyễn Mại là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư, nay là Bộ KH&ĐT - PV) cho biết,  không có lý do gì để thu hồi một dự án như Vũng Tàu Paradise, cơ quan chức năng Việt Nam nên gia hạn, kéo dài thời gian hoạt động của dự án lên 50 năm.

    Theo GS.TSKH Nguyễn Mại , thời điểm cấp phép dự án, vị trí dự án chỉ là đồi cát bỏ hoang nhưng lại được định giá thành USD. Chính phủ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên xem xét một cách khách quan hoàn cảnh lịch sử, xung đột giữa hai bên khi chủ đầu tư mất khá nhiều tiền đầu tư vào đây mà lãi lời chưa nhiều, rồi sau đó thì ông chủ chết và phải cơ cấu lại vốn. Việc kéo dài thời hạn dự án thêm vài chục năm nữa cũng chẳng sao và làm như vậy thì chúng ta được lợi là không chỉ xúc tiến đầu tư vào dự án mới mà còn thông cảm với các nhà đầu tư gặp khó khăn. Phải giải quyết một cách có lý, có tình. Cả một khu du lịch người ta đã có kinh nghiệm quản lý rồi và bây giờ chúng ta chẳng mất gì cả thì nên căn cứ vào lịch sử và căn cứ vào thực tế để xem xét gia hạn hoạt động.

    “Nếu dừng lại, chấm dứt hoạt động dự án thì ít nhất mất vài năm mới giải quyết được, nhà đầu tư không được hoạt động, người mới cũng phải mất thời gian thương thảo. Nếu thu hồi thì phải tính lại, đền bù ít nhất cũng bằng vốn nhà đầu tư bỏ ra. Việc này cũng mất vài năm, vừa mất thời gian, vừa mất tiền, lợi bất cập hại. Do đó phương án thu hồi là không nên”, GS.TSKH  Nguyễn Mại phân tích.

    Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Mại, không phải cứ Giấy phép hết hạn là thu hồi, mà luật có quy định nhà đầu tư có quyền đề nghị kéo dài dự án. Vì đây là dự án FDI đầu tiên vào Vũng Tàu thời điểm đó và Luật lúc đó chỉ cấp phép tối đa 25 năm, nhưng hiện nay rất nhiều dự án có quy mô nhỏ hơn cũng được 50 năm nên việc kéo dài thời gian lên 50 năm là đúng luật. Do đó, cũng nên thông cảm với các nhà đầu tư vào các dự án như trên.

    Đặc biệt, trong văn bản liên quan đến việc cấp phép trước đây cũng thể hiện Chính phủ Việt Nam chấp thuận  xem xét đàm phán, kéo dài thời gian hoạt động của dự án khi Giấy phép đầu tư Vũng Tàu Paradise hết hạn.

    Bà Liu Mei Teh - Chủ tịch hội doanh nhân Đài Loan tại Việ Nam, (đại diện cổ đông tại Công ty liên danh Vũng Tàu Paradise) cho biết, đến nay các tranh chấp trong liên doanh đã được giàn xếp ổn thỏa, nhà đầu tư  cũng đã chuẩn bị đầy đủ tài chính để tiếp tục theo đuổi dự án, nhóm cổ đông cũng đồng lòng cam kết đầu tư mở rộng dự án Vũng Tàu Paradise  trong thời gian tới nên cơ quan chức năng cần xem xét lại việc chấm dứt hoạt động dự án Vũng Tàu Paradise, tránh gây thiệt hại rất lớn đến nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

    Được biết, cổ đông của liên doanh Vũng Tàu Paradise cũng khuyên bà Liu Mei Teh  khởi kiện vụ việc ra tòa án quốc tế, đòi bồi thường hàng tỷ USD. Tuy nhiên, bà Liu Mei Teh cho biết bà “rất tin tưởng vào việc giải quyết có lý, có tình, xem xét lại hình trình rất gian khổ của nhà đầu từ từ phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, của cơ quan chức năng để dự án có thêm thời gian hoạt động và thu hồi vốn”.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-ria-vung-tau-dung-truoc-nguy-co-bi-kien-vi-thu-hoi-du-an-vung-tau-paradise-a274875.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan