+Aa-
    Zalo

    Chồng Tây của siêu mẫu Hà Anh: Người cùng một nền văn hóa còn khác biệt, nói gì Tây và Việt

    • DSPL
    ĐS&PL Xuất thân từ xứ sở sương mù, chàng trai đam mê phiêu lưu bỗng một ngày bén duyên với đất nước hình chữ S.

    Xuất thân từ xứ sở sương mù, chàng trai đam mê phiêu lưu bỗng một ngày bén duyên với đất nước hình chữ S. Chàng trai này quyết định dừng chân nơi đây khi lỡ sa vào ánh mắt của người con gái Việt Nam. Xây dựng gia đình mới ở chốn xa lạ, chàng rể Tây nhận ra chẳng tiêu chuẩn nào từ phía Đông hay Tây thực sự quan trọng.

    Hôn nhân chưa bao giờ là dễ dàng, bởi hai con người xa lạ, hai lối sống khác biệt phải tìm được tiếng nói chung, sự hòa hợp để cùng chạm đến hạnh phúc. Vậy, liệu 2 người đến từ 2 nền văn hóa khác nhau có thể hòa hợp trong thời gian cách ly bức bách, ngột ngạt?

    Để đi tìm câu trả lời, PV ĐS&PL đã tìm đến một chàng rể Tây, người đã sinh sống hơn 6 năm tại Việt Nam và trải qua những tháng ngày cách ly xã hội cùng gia đình nhỏ trên mảnh đất hình chữ S: Anh Oliver Downden (SN 1984, quốc tịch Anh) – Chồng của siêu mẫu đình đám Hà Anh.

    Gia đình siêu mẫu Hà Anh. 

    Trước khi gặp Hà Anh, Oliver là một chàng trai tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và đam mê phiêu lưu khám phá những miền đất mới. Trong chuyến thám hiểm các nước Đông Nam Á cách đây nhiều năm, Oliver cảm mến thiên nhiên và con người Việt Nam. Sau ấn tượng đầu tiên, Oliver trở lại để tìm kiếm những cơ hội mới trong công việc và quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này khi gặp rồi yêu nữ siêu mẫu đình đám của Việt Nam, Hà Anh.

    Xây dựng gia đình ở một quốc gia mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam truyền thống, Oliver không ít lần nhận được câu hỏi về “những cú sốc văn hóa”. Trước thắc mắc của chúng tôi, chàng rể Tây bộc bạch: “Bản thân tôi sinh ra và lớn lên tại London – nơi hội tụ nhiều sắc tộc với nhiều cộng đồng sinh sống. Chính vì vậy, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, lối suy nghĩ, cách cư xử cùng lối sống khác nhau. Vì vậy, tôi không bị sốc văn hóa. Đương nhiên, sự khác biệt là có. Mọi thứ ở đây dường như ồn ào hơn. Thú thực, tôi cũng cần có một khoảng thời gian để thích nghi với những sự khác biệt hiển nhiên. Tuy nhiên, đó chỉ đơn giản là thích nghi chứ không hề sốc”.

    Sau quãng thời gian ngắn thích nghi, tình cảm anh dành cho Việt Nam ngày càng lớn và rồi trở thành thứ tình cảm không thể thay đổi khi gặp Hà Anh. Chính Hà Anh là người đã đưa Oliver khám phá nền văn hóa tuyệt vời của Việt Nam. Càng khám phá, càng hiểu, anh càng yêu mảnh đất này.

    Người ta vẫn đùa, yêu nhau là “ảo mộng”, hôn nhân là “vỡ mộng”, một cuộc hôn nhân khác biệt về văn hóa chắc hẳn cũng không hề dễ dàng. Với Oliver và Hà Anh, hôn nhân cũng đầy những khó khăn. Nhưng, tình yêu đã giúp họ vượt qua những trở ngại, những thách thức để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

    “Tôi nghĩ sự khác biệt luôn luôn hiện hữu trong mọi mối quan hệ, thậm chí với những người đến từ cùng một nền văn hóa, sắc tộc chứ không chỉ có ở sự va chạm giữa những nền văn hóa khác nhau. Bởi, mỗi người chúng ta là một cá thể độc lập, có bản ngã, lối sống và cách suy nghĩ rất riêng. Thế nên, sự hòa hợp giữa chúng tôi không dễ dàng, nhưng cả hai luôn dành cho nhau sự tôn trọng và cố gắng để hiểu về những suy nghĩ cũng như khác biệt”, Oliver chia sẻ.

    Oliver cùng con gái.

    Tuy nhiên, tổ ấm không phải chỉ có hai người, các cặp vợ chồng trẻ vẫn cần phải tìm một hướng đi chung trong việc nuôi dạy trẻ và ứng xử với gia đình hai bên. Với Oliver, đây không lại phải là vấn đề, bởi giá trị về gia đình là điều mà bất kỳ nền văn hóa nào cũng luôn hướng đến đó chính là hạnh phúc. Vậy nên, bản thân anh không cảm thấy có sự khác biệt phương Đông hay phương Tây. Anh và vợ luôn cố gắng dành thời gian bên con, tạo các cơ hội để con được gần gũi ông bà.

    “Hà Anh không gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với bố mẹ tôi, dù cô ấy là người châu Á và bố mẹ tôi là người châu Âu. Thực tế, bố mẹ tôi rất ngưỡng mộ cô ấy. Ngược lại, gia đình Hà Anh cũng luôn cởi mở và đón nhận tôi. Bố mẹ dành cho tôi sự quan tâm và yêu thương nhất mực. Điều khó khăn duy nhất là tôi không nói được nhiều tiếng Việt nên không thể tâm sự nhiều với bố mẹ. Tôi cũng đang cố gắng cải thiện điều này”, Oliver tâm sự

    Không sốc văn hóa; không khác biệt về giá trị Đông – Tây; luôn thông cảm, thấu hiểu và sẻ chia chính là điều đã giúp họ chạm đến hạnh phúc. Sáu năm bên nhau, họ trở thành gia đình nhận được vạn lời tán dương.

    “Người Việt rất chu đáo, quan tâm và tương trợ nhau trong công việc. Đây là những đức tính vô cùng quý giá. Với tôi, đây là minh chứng điển hình cho nét văn hóa đáng quý của người Việt”.

    Tôn Vỹ

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống& Pháp luật Thứ 7 số 23

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chong-tay-cua-sieu-mau-ha-anh-nguoi-cung-mot-nen-van-hoa-con-khac-biet-noi-gi-tay-va-viet-a326797.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan