+Aa-
    Zalo

    Giật mình với những con số khủng trong phiên xử vụ Liên Kết Việt lừa đảo

    • DSPL
    ĐS&PL Trong quá trình xét xử vụ án Liên Kết Việt lừa đảo, "trùm" đa cấp Lê Xuân Giang nhiều lần nói "bị cáo thiếu hiểu biết, không biết như vậy vi phạm pháp luật".

    Trong quá trình xét xử vụ án Liên Kết Việt lừa đảo, "trùm" đa cấp Lê Xuân Giang nhiều lần nói "bị cáo thiếu hiểu biết, không biết như vậy vi phạm pháp luật" và đổ trách nhiệm cho thuộc cấp.

    Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Hữu Thắng

    Lật tẩy chiêu lừa của đại tá rởm và đồng bọn

    TAND TP.Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại công ty cổ phần Liên Kết Việt đối với 7 bị cáo gồm: Lê Xuân Giang (SN 1971) - Chủ tịch HĐQT; Lê Văn Tú (SN 1985) - Tổng giám đốc; Nguyễn Thị Thủy (SN 1970) - Phó Tổng giám đốc; 4 bị cáo khác là thành viên nhóm phát triển thị trường công ty Liên Kết Việt gồm Lê Thanh Sơn (SN 1988), Trịnh Xuân Sáng (SN 1975), Nguyễn Xuân Trường (SN 1967) và Vũ Thị Hồng Dung (SN 1974). Các bị cáo đều thuộc công ty Liên Kết Việt.

    Tài liệu truy tố của VKS thể hiện: Lê Xuân Giang thành lập và điều hành công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (công ty BQP nhưng không phải viết tắt của bộ Quốc phòng) và công ty Liên Kết Việt. Trong đó, công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do công ty BQP sản xuất.

    Từ tháng 3/2014 - 11/2015, các bị can nêu trên đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của công ty Liên Kết Việt và công ty BQP.

    Cụ thể, các bị can tìm mọi cách khiến bị hại nghĩ BQP là công ty thuộc bộ Quốc phòng; Lê Xuân Giang và các lãnh đạo của công ty là cán bộ của bộ Quốc phòng; sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của bộ Quốc phòng, đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện Trung ương.

    Các bị can còn giới thiệu công ty Liên Kết Việt và công ty BQP là những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với xã hội nên được lãnh đạo Nhà nước, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.Hồ Chí Minh tặng bằng khen...

    Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định các bằng khen, giấy chứng nhận này đều do Lê Xuân Giang làm giả; được sử dụng để lấy lòng tin với người dân và khách hàng.

    Các bị cáo sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo khách hàng bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao như chỉ cần đóng tiền vào công ty Liên Kết Việt, không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối; một người có thể đứng tên nhiều mã hàng...

    Lê Xuân Giang và các đồng phạm còn đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.

    Những con số khủng trong vụ án

    Nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Liên Kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh tham gia, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng. Giang và đồng phạm chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại chi trả hoa hồng, tiền thưởng, nuôi bộ máy.

    Với số lượng người tham gia tố tụng đặc biệt lớn, riêng số bị hại được TAND TP.Hà Nội triệu tập tới tòa là hơn 6.000 người, chưa kể những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây là con số kỷ lục về lượng người tham gia một phiên tòa.

    Để đảm bảo cho mọi người được tham gia tố tụng, TAND TP.Hà Nội đã bố trí lực lượng, cán bộ tòa kê hơn nghìn chiếc ghế phủ kín khu vực xét xử và dọc theo hành lang của tòa án. Có nhiều màn hình được lắp đặt để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người theo dõi phiên xét xử sơ thẩm.

    Được biết, thành phần HĐXX vụ án này gồm 5 người do Thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa, số lượng thẩm phán dự khuyết lên tới 15 người. Có 25 luật sư tham gia bào chữa hoặc bảo vệ các bị cáo, đương sự. Theo lịch, phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày kể cả ngày nghỉ.

    Nghe tòa xử án, nhiều bị hại không giấu được bức xúc, phải thốt lên thành lời “đi dự tòa như đi xem kịch”. Nói vậy bởi, từ kẻ chủ mưu Lê Xuân Giang được cho là quanh co chối tội, đổ trách nhiệm cho thuộc cấp. Giang nhiều lần nói “bị cáo thiếu hiểu biết, không biết như vậy vi phạm pháp luật”.

    Khi được HĐXX hỏi “bị cáo có thấy mình sai không?”, Giang chỉ thừa nhận là mắc một số lỗi nhỏ do không hiểu biết, bản thân là người chân chính, luôn mong muốn tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. “Tôi nghĩ đây là một sân chơi bình đẳng, mọi người tự nguyện tìm hiểu, tự nguyện tham gia. Đây thực chất là cơ hội rất tốt cho tất cả mọi người”, lời khai của Giang tại tòa.

    Mọi người dự tòa đều ngao ngán khi nghe Giang khai rằng, bị cáo này có 11 năm phục vụ tại quân đội, xuất ngũ với hàm trung úy, việc hát quốc ca và mặc quân phục trong các sự kiện trao thưởng của Liên Kết Việt, không nhằm lừa đảo các bị hại mà chỉ thể hiện “niềm tự hào và vinh dự, sự tôn trọng và tin tưởng của tôi với những người lính, với Đảng và Nhà nước”.

    Giật mình hơn nữa khi tiếp đến là bị cáo Nguyễn Thị Thủy, nguyên Phó Tổng giám đốc Liên Kết Việt khai được hưởng 38 tỷ đồng trong 17 tháng, chia trung bình mỗi tháng 2,2 tỷ đồng.

    Trước câu hỏi “Tại sao chỉ tư vấn lại được hưởng nhiều lợi nhuận”, Thủy nói “không rõ”, nhận tiền theo “chính sách của công ty”.

    Trong ekip, bị cáo Trịnh Xuân Sáng chiếm hưởng 17 tỷ đồng trong 16 tháng, thu nhập cao chỉ sau Thủy. Sáng khai chịu trách nhiệm giám sát quản lý hỗ trợ bộ phận IT, hỗ trợ bị hại đăng nhập vào ID trên website của Liên Kết Việt, xây dựng phần mềm trả thưởng đồng thời thống kê định kỳ về số lượng khách và tiền họ đã nộp. Cũng giống Thủy, vì sao được hưởng lợi nhuận cao đến vậy, Sáng khai “không biết” và “hưởng theo chính sách của công ty”.

    Trước sự quanh co, gian dối của các bị cáo, nhiều bị hại bức xúc đề nghị tòa xử thật nghiêm các bị cáo. Quan trọng hơn, lúc này họ chỉ muốn lấy lại được tiền mồ hôi nước mắt đã “giao cho ác”.  

    Tư Viễn

    Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (206)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giat-minh-voi-nhung-con-so-khung-trong-phien-xu-vu-lien-ket-viet-lua-dao-a350674.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan