Phan Huyền Thư bị thu hồi giải thưởng vì nghi án "đạo" thơ


Thứ 4, 21/10/2015 | 05:00


(ĐSPL) - Hội Nhà văn Hà Nội quyết định thu hồi giải thưởng Văn học 2015 (hạng mục thơ) dành cho tập thơ "Sẹo Độc Lập" của Phan Huyền Thư .

(ĐSPL) - Hội Nhà văn Hà Nội quyết định thu hồi giải thưởng Văn học 2015 (hạng mục thơ) dành cho tập thơ "Sẹo Độc Lập" của Phan Huyền Thư .

Những ồn ào xung quanh vụ "đạo" thơ của hai tác giả Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan (tên thật là Nguyễn Thanh Bình, quê Vĩnh Long, công tác tại báo Văn nghệ TP.HCM) tạm thời khép lại khi Hội Nhà văn Hà Nội quyết định thu hồi giải thưởng Văn học 2015 (hạng mục Thơ) đối với tập thơ “Sẹo độc lập” (Nhà xuất bản Lao Động và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành năm 2014) của tác giả Phan Huyền Thư.

Tuy nhiên, Hội nhà văn Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục tìm những tư liệu từ các tạp chí nước ngoài (như ‘Hợp lưu,’ ‘Thơ’…) để xác minh, làm sáng tỏ sự việc trên.

Phan Huyền Thư và tập thơ "Sẹo Độc Lập" của chị.

Trước đó, khi có tin tức bài thơ "Bạch Lộ", nằm trong tập thơ "Sẹo Độc Lập" của Phan Huyền Thư có những nét tương đồng kỳ lạ với bài thơ "Buổi sáng" nằm trong tập thơ có tên Đếm cát, xuất bản năm 2003 của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan, Hội nhà văn Hà Nội đã yêu cầu Phan Huyền Thư có giải trình hợp lý, đồng thời tìm hiểu thêm những thông tin nhiều chiều của những người liên quan.

Trong bài “Bạch lộ,” Phan Huyền Thư viết: “Những gương mặt người/ Quen mà không quen/ Từng giọt sương nén trong veo câm nín/ Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh/ Em một mình/ Ngồi khuấy loãng thời gian.

Trong khi đó, ở "Buổi sáng,” nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan viết: “Những gương mặt người/ Quen và không quen/ Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh/ Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh/ gõ thức mặt trời/ Em ngồi một mình/ Khuấy loãng thời gian...

Tác giả Phan Ngọc Thường Đoan khẳng định rõ chị viết bài thơ "Buổi sáng" vào năm 2000 tại quán cafe của nhạc sĩ Phú Quang, sau đó bài thơ được nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc "Catinat cafe sáng ", đồng thời đưa vào tập thơ của chị xuất bản năm 2003 mang tên "Đếm cát".

Tập thơ "Đếm cát" của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Ảnh: Thể thao & Văn hóa.

Phan Ngọc Huyền Thư lại không thể đưa ra những chứng cứ rõ ràng cho bài thơ của mình. Chị trình bày rằng mình đã sáng tác "Bạch lộ" từ năm 1996, tuy nhiên ở vào thời điểm đó bài thơ mang tên "Độc ẩm trước bình mình". Sang năm 1997, chị tiếp tục sửa tên thành "Độc ẩm mùa thu" và gửi cho một tạp chí nước ngoài. Cuối cùng, bài thơ mới được đổi tên thành "Bạch lộ" vào năm 2007 và đưa vào tập thơ "Sẹo Độc Lập", xuất bản năm 2014.

Tuy nhiên, trong những chứng cứ và tài liệu mà Hội Nhà văn thu thập được, Phan Huyền Thư từng có nhiều thơ in ở nước ngoài từ năm 1997 của thế kỷ trước nhưng không bài nào có nội dung như bài "Bạch lộ".

Bởi vậy, vào chiều tối qua, 20/10, Hội Nhà văn Hà Nội đã họp và đã quyết định thu hồi giải thưởng vừa trao cho tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư.

Trước đó, sáng ngày 20/10, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đã có một bức thư gửi Hội Nhà văn nhằm xin lỗi và xin trả lại giải thưởng dành cho tập thơ của mình.

“PHAN HUYỀN THƯ GỬI LỜI XIN LỖI VÀ XIN TRẢ LẠI GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI 2015

Tôi là Phan Huyền Thư, tác giả vừa chính thức được nhận Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2015 cho tập thơ Sẹo độc lập. Lời xin lỗi đầu tiên tôi xin gửi đến Ban chấp hành HNVHN và Hội đồng xét giải của Hội cũng như toàn thể các hội viên về sự việc đáng tiếc xảy ra quanh tác phẩm này của mình. Và tôi xin tuyên bố:

Vì những vướng mắc về bản quyền tác giả cho một bài thơ trong tập thơ được giải, tôi xin trả lại giải thưởng này để tránh những phiền phức dư luận tiêu cực về chất lượng giải thưởng, ảnh hưởng đến Ban chấp hành và các thành viên hội đồng xét giải, đồng thời để bảo vệ uy tín giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội - một giải thưởng đã có truyền thống về danh tiếng văn chương của mình.

Lời xin lỗi tiếp theo, tôi muốn công khai trước công luận xin dành cho nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Qua vụ việc trùng lặp nội dung giữa hai bài thơ, được biết chị đã có bề dày tác phẩm và tuổi nghề mà một hậu sinh như tôi không biết đến, đối với tôi, đó cũng là một niềm hổ thẹn, nhất là khi lại được biết đến chị trong tình huống trớ trêu này. Tôi xin lỗi chị về sự giống nhau của hai bài thơ này đã làm chị tổn thương và phải trải qua nhiều buồn bực.

Lời xin lỗi thứ ba, tôi muốn dành cho độc giả, bạn bè và các đồng nghiệp. Tôi đã làm các bạn thất vọng khi ngay thời điểm hiện tại xảy ra những thắc mắc của công luận và tác giả Phan Ngọc Thường Đoan về bài thơ “Bạch Lộ”, tôi chỉ có các bản thảo cũ mà ngay lập tức chưa có đủ chứng cứ xuất bản, in ấn tại nước ngoài để chứng minh, bảo vệ cho giá trị hợp pháp của tác phẩm gốc được viết từ năm 1996 của mình. Điều đó có thể khiến cho các bạn cảm thấy thất vọng vì đã trót yêu thích, quý mến, hoặc là kết bạn với một tác giả là tôi.

Lời xin lỗi tiếp theo, tôi muốn dành riêng cho các nhà báo trong báo giới. Không riêng gì trong lĩnh vực thi ca, ngay cả trong công việc viết lách kiếm sống hàng ngày, như viết đề cương, kịch bản phim tài liệu, không riêng gì cá nhân tôi, các nhà biên kịch phim tài liệu cũng đã có những lần phải tham khảo, sử dụng những tin thức, câu chuyện có thật mà các bạn đưa lên báo chí truyền thông như những chất liệu phụ trợ cho ý tưởng kịch bản phim của mình. Đó cũng là điều tôi cần cảm ơn và xin lỗi các nhà báo. Mặc dù, khi thực sự đi vào sản xuất rất ít khi những thông tin, dữ liệu đó được thực hiện.

Sau vụ việc đáng tiếc này xảy ra, ngay lập tức tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ các bản thảo tác phẩm của mình đã và chưa xuất bản để đi đăng ký tại Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam, tránh mọi sự cố về văn bản có thể xảy ra sau này.

Tôi cũng xin cam kết với tác giả Phan Ngọc Thường Đoan và các đơn vị xuất bản, từ thời điểm hiện tại cho tới khi tìm được chứng cứ có tính thuyết phục về mặt in ấn, xuất bản tại nước ngoài của bản thảo đầu tiên viết năm 1996, tôi sẽ không sử dụng bài thơ “Bạch Lộ” trong bất kỳ ấn phẩm nào hoặc khi tái bản tập thơ “Sẹo độc lâp”. Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức trong việc tìm kiếm các chứng cứ và văn bản thuyết phục nhất để bảo vệ cho tính hợp pháp về thời điểm sáng tác của bài thơ này.

Lời xin lỗi sau cùng, tôi xin dành cho gia đình mình. Để mọi người phải lâm vào sự tổn thương, suy sụp vì những gì xảy ra trên truyền thông mấy ngày qua, là điều tôi sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình.

Tôi vô cùng xin lỗi.

Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2015”

Vi An (T.H)

Mời độc giả xem thêm video Giải trí:

[mecloud]I0QMIQhLqX[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-huyen-thu-bi-thu-hoi-giai-thuong-vi-nghi-an-dao-tho-a115881.html