Câu hỏi không lời đáp sau phiên toà xử Phó Hiệu trưởng


Chủ nhật, 21/06/2020 | 03:18


Lợi dụng là Phó Hiệu trưởng 1 trường tiểu học, Nghĩa giăng bẫy, lừa 9 người tổng cộng số tiền 12 tỷ đồng.

Lợi dụng là Phó Hiệu trưởng 1 trường tiểu học, Nghĩa giăng bẫy, lừa 9 người tổng cộng số tiền 12 tỷ đồng. Bị cáo phải nhận mức án 11 năm tù giam. Tuy nhiên, các bị hại băn khoăn, liệu mình có lấy lại được số tiền đã đưa cho cựu giáo viên này không?

“Hốt” tiền tỷ nhờ danh giáo viên

Phạm Thị Nghĩa (SN 1975, ngụ huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, là Phó Hiệu trưởng 1 trường tiểu học tại địa phương.

Một ngày giữa tháng Sáu, Nghĩa được đưa đến TAND tỉnh Quảng Nam với vai trò bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là 1 giáo viên. Hôm ấy, Nghĩa mặc chiếc áo ca rô nhàu nhĩ, khuôn mặt hốc hác.

Bị cáo kể đã công tác trong ngành giáo dục một thời gian dài. Với thành tích tốt, Nghĩa được đồng nghiệp công nhận nên bầu làm Phó Hiệu trưởng. Ngôi trường Nghĩa công tác ngay tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, nơi bị cáo ở.

Nghĩa tự nhận, mình sống có tình, có nghĩa nên được người thân, phụ huynh quý mến. Từ đầu năm 2017, Nghĩa gặp khó khăn về kinh tế nên nảy sinh ý định lợi dụng tin tưởng của mọi người vay, mượn tiền. Bị cáo bịa ra nhiều lý do như đáo hạn ngân hàng, mua bán đất để mượn tiền, vàng của nhiều người. Khi mượn, Nghĩa hứa sẽ trả lãi suất cao và trả tiền lãi, gốc theo từng
tháng cho đến khi hết nợ.

Để tạo sự tin tưởng cho người vay, mượn tài sản, ban đầu, Nghĩa trả tiền lãi, gốc đúng hẹn. Tuy nhiên, Nghĩa chỉ trả được vài tháng rồi đưa ra nhiều lý do để chỉ trả phần tiền lãi và giữ lại phần tiền gốc hoặc trả một phần tiền gốc cho một số người khi được yêu cầu.

Có số tiền lớn trong tay, bị cáo chưng diện, tạo vỏ bọc giàu có, tạo sự tin tưởng và tiếp tục “giăng
lưới” các bị hại khác.

Đến giữa năm 2018, số tiền Nghĩa mượn của 9 người đã lên tới hơn 12 tỷ đồng. Không còn khả năng chi trả, nhiều bị hại đòi tiền, Nghĩa nghỉ việc, bỏ trốn. Đến lúc này, các bị hại hoảng hốt, viết đơn trình báo đến cơ quan công an.

Qua điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố bị can đối với Nghĩa về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nghĩa thừa nhận: “Khi bỏ đi, tôi chỉ có ý định trốn nợ, vài năm sau sẽ quay trở về. Đến lúc ấy, mọi chuyện đã tạm lắng thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn. Sau đó, tôi biết được thông tin cơ quan chức năng khởi tố vụ án nên ngày 19/6/2019 ra trình diện với hy vọng sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Quá trình điều tra, cuối năm 2019, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam quyết định thay đổi tội danh của Nghĩa sang Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nghĩa nhận 11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nước mắt, lời xin lỗi không làm dịu sự giận dữ

Trong phiên toà hôm ấy, cả 9 bị hại đều có mặt. Họ cho hay, Nghĩa là người có uy tín tại địa phương. Do đó, khi bị cáo hỏi mượn tiền thì họ không chút nghi ngờ. Họ không thể ngờ, ngay từ đầu, bị cáo đã có ý định lừa đảo.

Trong số các bị hại, chị Nguyễn Thị L. (SN 1980, ngụ tại huyện Phú Ninh) là người đưa tiền cho Nghĩa nhiều nhất, hơn 3,6 tỷ đồng.

Chị L. trình bày: “Lúc đầu, Nghĩa chỉ mượn vài trăm triệu rồi trả tiền gốc, lãi đúng hẹn. Sau đó, bị cáo mượn thêm nhiều lần với số tiền nhiều hơn. Tôi quá tin tưởng nên chấp nhận. Khi bị cáo trả được gần 800 triệu đồng thì bỏ trốn. Ngày bị cáo bỏ đi, tôi lên trường hỏi, ngay cả các thầy cô giáo trong trường cũng giật mình, không ngờ bị cáo lại vay mượn số tiền lớn đến thế”.

Chị Nguyễn Thị Th. (SN 1970, ngụ huyện Phú Ninh), cho Nghĩa vay gần 2,6 tỷ đồng nghẹn đắng nói: “Cũng vì quá tin tưởng vào cái danh giáo viên của Nghĩa nên tôi mới đưa số tiền lớn như thế. Từ đó đến nay, tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì không biết đến bao giờ mới lấy lại được số tiền này”.

Các bị hại đồng loạt yêu cầu bị cáo trả lời rõ việc chi tiêu làm sao hết 12 tỷ đồng? Nghĩa cho hay, sau khi vay, mượn tiền của các bị hại, ngoài chi tiêu cá nhân, phần lớn đưa cho 1 người tên là Võ Thị Thúy Liễu (SN 1981, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Bị cáo quen với Liễu khi thường đi chùa Đạo Nguyên, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Số tiền này để Liễu làm đáo hạn ngân hàng, buôn bán bất động sản rồi lấy lãi chia nhau.

Vị chủ tọa hỏi: “Bị cáo là giáo viên, đã được đồng nghiệp, tổ chức tin tưởng và được bổ nhiệm chức Phó Hiệu trưởng, tại sao lại lừa đảo chiếm đoạt nhiều tiền đến thế?”.

Nghĩa lí nhí đáp: “Tôi biết, hành vi của mình là sai trái. Chỉ vì tiền làm mờ mắt nên tôi mới vay mượn rồi lừa đảo như thế này. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ, làm sao có thể lấy được tiền của mọi người chứ không nghĩ sẽ có ngày sẽ rơi vào con đường tù tội thế này. Tôi đã làm vướng bẩn, mất danh dự giáo viên. Cũng chỉ vì tiền, tôi đã đạp đổ sự nghiệp, hạnh phúc của mình”.

“Việc giao nhận tiền cho Liễu, trước đây, tôi có ghi vào 1 cuốn sổ. Tuy nhiên, 1 lần bị tai nạn giao thông nên cuốn sổ đã bị thất lạc. Do đó, việc đưa tiền đến nay không còn chứng từ thể hiện”, Nghĩa nói.

Chủ tọa cho biết: “Trong quá trình điều tra, Nghĩa có khai về đối tượng Liễu. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp tra cứu thông tin nhân thân, lai lịch những người có tên Võ Thị Thúy Liễu như bị cáo khai. Tuy nhiên, phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam có văn bản trả lời trong tàng thư căn cước công dân đang quản lý cũng như tiến hành xác minh, xác định không có người tên Võ Thị Thúy Liễu có lai lịch như trên, do đó đủ cơ sở xác định lời khai của Nghĩa về việc đưa tiền cho Liễu là không có căn cứ”.

Khi được nói lời sau cùng, Nghĩa rơm rớm nước mắt: “Trước hết, tôi xin lỗi tất cả các bị hại. Tôi biết, các chị đều là người quen thân, tin tưởng nên mới cho tôi vay mượn số tiền lớn như thế. Tuy nhiên, do ham lợi ích, tôi đã sử dụng số tiền không đúng nên giờ đây mới rơi vào cảnh tù tội. Tôi biết, mình có nói bao lời xin lỗi thì cũng không thể khiến các chị vơi phần tức giận. Tôi chỉ mong, toà cho mình cơ hội để làm lại cuộc đời. Khi trở về, tôi sẽ cố gắng làm lụng để trả lại số
tiền đã chiếm đoạt”.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, cần cách ly Nghĩa khỏi xã hội một khoảng thời gian mới đủ sức răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, toà cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo đã trả lại hơn 1,5 tỷ đồng cho các bị hại, trong quá trình điều tra, thành khẩn, khai báo, ăn năn hối cải, đầu thú nên tuyên phạt Nghĩa 11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khả năng lấy lại được tiền quá xa vời

Phiên toà kết thúc, Nghĩa được đưa lên xe bít bùng trở về trại tạm giam chờ ngày thi hành án. Riêng các bị hại vẫn thất thần, tụ tập ở hành lang tòa án. Họ băn khoăn: “Nghĩa đã ngồi tù, khẳng định không còn khả năng chi trả. Và, với số tiền lớn thế này, liệu rằng chúng tôi có lấy lại được?”.

Huy Cường

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (95)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-hoi-khong-loi-dap-sau-phien-toa-xu-pho-hieu-truong-a327887.html