+Aa-
    Zalo

    Chiêu lừa đảo qua điện thoại của nhóm tội phạm xuyên quốc gia

    ĐS&PL (ĐSPL) - Ngày 21/2, Công an TP.HCM cho biết, vừa bắt đối tượng Trần Văn Tèo (SN 1989) và Trần Văn Huy (SN 1993, cùng ngụ TP.Cần Thơ) để điều tra về hành vi lừa đảo tiền của các thuê bao điện thoại.
    (ĐSPL) - Ngày 21/2, Công an TP.HCM cho biết, vừa bắt đối tượng Trần Văn Tèo (SN 1989) và Trần Văn Huy (SN 1993, cùng ngụ TP.Cần Thơ) để điều tra về hành vi lừa đảo tiền của các thuê bao điện thoại.
    Cơ quan công an nhận định, đây là một loại lừa đảo hết sức tinh vi, cấu kết với các nhóm tội phạm nước ngoài, giả danh các cơ quan chức năng để hù dọa người dân.
    Chiêu lừa đảo qua điện thoại của nhóm tội phạm xuyên quốc gia
    Tèo và Huy tại cơ quan điều tra.
    Hai kẻ bốc vác và những tấm thẻ thanh toán quốc tế
    Theo thông tin ban đầu, Tèo và Huy sinh ra trong một gia đình nông dân ở Cần Thơ, cuộc sống nghèo khó ở quê chẳng biết làm gì sinh sống. Do vậy, hai đối tượng này phải bôn ba khắp nơi bằng nghề làm thuê, làm mướn. Khoảng đầu năm 2013, Tèo và Huy qua một người quen giới thiệu sang Campuchia để hành nghề bốc vác.
    Sang bên nước bạn làm ăn được một thời gian, Tèo và Huy gặp rồi quen thân với một người đàn ông Trung Quốc. Sau đó, người đàn ông này thuê  cả hai về nước tìm người đăng ký thẻ thanh toán quốc tế và mua lại. Khi nghe lời đề nghị về làm việc trong lĩnh vực thẻ thanh toán quốc tế, cả Huy, Tèo đều biết rằng người đàn ông Trung Quốc kia mua thẻ chỉ nhằm mục đích vào  việc “làm ăn” phi pháp. Tuy nhiên, do suy nghĩ mong có vận may đổi đời nên Tèo, Huy đã chấp nhận lời đề nghị của người đàn ông Trung Quốc.
    Đến tháng 11/2013, Tèo về nước làm một thẻ Visa và một thẻ Master tại ngân hàng VietcomBank đăng ký tên mình. Sau đó, vì nhu cầu cần nhiều thẻ, Tèo liên hệ với hai người ở TP. Cần Thơ, mua tiếp 7 thẻ Visa và Master với giá 1 triệu đồng một thẻ. Thấy việc làm và mua thẻ quá dễ dàng, Tèo nhanh chóng đem hết thẻ qua Campuchia giao cho người đàn ông Trung Quốc đã đặt hàng trước đó. Sau đó, Tèo nhận thấy việc “làm ăn” quá ngon lành, Tèo về nước nói với Huy về chuyện mua thẻ. Huy cũng tự mình đi đăng ký một thẻ Visa và một thẻ Master tại ngân hàng ACB, đứng tên và số điện thoại của mình. Khi đã làm xong thẻ, Huy giao cho Tèo. Riêng sim điện thoại đăng ký tên mình, Huy giữ lại.
    Lúc đó vì chưa qua được Campuchia, Tèo báo số tài khoản và mật khẩu của Huy cho người Trung Quốc biết nhưng chưa giao thẻ. Vào ngày 9/1/2014, Huy nhận được 4 tin nhắn có người chuyển hơn một tỷ đồng vào tài khoản. Thấy số tiền quá lớn Huy bàn với Tèo rút cùng nhau chia xài. Cuối cùng hai đối tượng đã rút được 90 triệu đồng để tiêu xài mục đích cá nhân. Sau một thời gian làm ăn phi pháp, Tèo và Huy bị công an tóm gọn, khi đang đến điểm ngân hàng ACB trên đường Nguyễn Văn Trỗi để rút tiếp tiền còn lại trong thẻ.
    Dùng cả cảnh sát 113 để dọa nạn nhân
    Được biết, số tiền mà tên Tèo và Huy có trong tài khoản, là do một nhóm người nước ngoài chuyển vào. Sau khi đã mua được thẻ Visa và Master của những người ham lợi vài triệu để dùng làm tài khoản chuyển tiền, bọn chúng đã dùng số giống như tổng đài gọi cho các thuê bao điện thoại bàn, sau khi gọi điện cho chủ thuê bao thông báo rằng họ đã nợ nhiều tiền cước của VNPT, nếu không trả sẽ bị tù. Để “củng cố” thêm niềm tin cho các nạn nhân, bọn lừa đảo nói “nếu quý khách muốn xác minh thông tin, quý khách bấm số 9 để được VNPT xác nhận, sau đó các nạn nhân làm theo và ở đầu dây bên kia xác nhận.
    Không chỉ lừa đảo tiền nợ cước điện thoại, trúng thưởng của tổng đài điện thoại, theo Tổng cục an ninh 1 (bộ Công an), tinh vi hơn hành vi phạm tội của nhóm này là sử dụng công nghệ cao, kết nối với các đối tượng chủ yếu là người Hoa ở nhiều nơi trên thế giới, với thủ đoạn giả mạo cơ quan tư pháp, công quyền Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc,... liên kết hù dọa, buộc nạn nhân cung cấp số tài khoản để được bảo vệ, tránh bị cơ quan chức năng các nước này phong tỏa. Khi có được số tài khoản rồi, các đối tượng lừa đảo dễ dàng tìm ra mật khẩu, rút tiền của người bị hại.
    Chiêu trò hù dọa, lừa đảo của nhóm đối tượng này cũng rất tinh vi. Ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Công ty Bkav giải thích thêm, kẻ gian có thể sử dụng một tổng đài loại nhỏ để can thiệp vào đường dây điện thoại cố định của nạn nhân. Cụ thể đường dây của nạn nhân có thể đã bị cắt và nối qua tổng đài của kẻ xấu như một trạm trung gian. Tổng đài trung gian này có khả năng được thiết lập chế độ để các cuộc gọi đi, gọi đến hoàn toàn bình thường nhưng nếu gọi đến một số điện thoại mà chúng định sẵn (ở đây là số 113), thì sẽ chuyển đến một số máy khác để đánh lừa nạn nhân là đang nói chuyện với Cảnh sát 113. Hơn nữa trên thực tế, các loại tổng đài loại nhỏ này có thể dễ dàng tìm mua ngay trên thị trường với mức giá chỉ vài triệu đồng.
    Theo luật sư Nguyễn Tuấn Hùng (văn phòng Luật sư Hùng Dũng, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết: “Hiện nay, tội phạm công nghệ cao lợi dụng một số, thiếu hiểu biết và điểm yếu của người dân để lừa đảo. Thời đại công nghệ thông tin, khi vào mạng tra thì sẽ có những thông tin cá nhân mà người dân đăng ký, sau đó chúng dùng các chiêu thức công nghệ để gọi điện thoại hù dọa tống tiền. Cũng do sự thiếu tìm hiểu thông tin pháp luật của người dân, vì công an 113 cũng không có thẩm quyền thụ lý điều tra những vấn đề mà bọn chúng đưa ra để hù dọa. Nhưng theo quan niệm thông thường của người dân, thì cứ việc nói đến số 113 là dân tin đó là cơ quan Nhà nước, không thể một cá nhân nào mang ra nói dối được”.
    Cũng theo ông Ngô Tuấn Anh, đa số các cuộc gọi liên quan đến các cuộc gọi nợ cước đều xuất phát từ nước ngoài, gọi điện qua internet, hoặc sim rác, lừa khách hàng gọi vào đầu số 1900xxx để trục lợi. Những nhóm tội phạm này đều là người nước ngoài, hoặc có câu kết giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Mà với sự phát triển, phổ cập của công nghệ thông tin ngày càng sâu rộng trong đời sống của mọi người như hiện nay, nhóm đối tượng này dễ dàng lừa đảo bất kỳ ai, chỉ nhẹ dạ cả tin hoặc bất an lo lắng là sập bẫy của chúng ngay lập tức.    
    Cảnh báo tội phạm sử dụng thiết bị công nghệ cao
    Qua các vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo người dân để chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng, qua thẻ điện thoại... Một cán bộ điều tra công an TP.HCM cảnh báo: Hiện nay, có rất nhiều phương thức lừa đảo mượn danh là tổng đài gọi đến thuê bao điện thoại để thông báo cước, hay chủ thuê bao đã trúng thưởng cần phải nộp thuế và cước để tổng đài gửi quà tới địa chỉ người được nhận... Nếu nạn nhân thắc mắc, sẽ bị khai thác thông tin cá nhân, thậm chí số tài khoản nhằm đánh cắp tiền. Do vậy, người dân cần cảnh giác khi có các tin nhắn, cuộc gọi bất ngờ từ tổng đài với những thông tin tương tự các vụ việc trên.
    Hương Sen - Huệ Trần
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-lua-dao-qua-dien-thoai-cua-nhom-toi-pham-xuyen-quoc-gia-a22926.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan