+Aa-
    Zalo

    Chìm ca nô 9 người chết ở Cần Giờ: Điều tra 2 năm chưa xong

    ĐS&PL (ĐSPL) - Theo Viện KSND TP.HCM, cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định làm rõ canô có an toàn khi đưa vào sử dụng hay không?

    (ĐSPL) - Do không đủ căn cứ trả lời TAND TP.HCM, và vụ án xuất hiện tình tiết mới, VKS buộc chuyển hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ án chìm tàu tại Cần Giờ hai năm trước cho Công an TP.HCM điều tra bổ sung.

    Tin tức từ báo Tuổi trẻ cho biết: Ngày 4/9, lãnh đạo Viện KSND TP.HCM cho biết đã hoàn trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP.HCM điều tra bổ sung lần 2 vụ chìm canô tại Cần Giờ làm 9 người chết vào ngày 2/8/2013.

    Hai bị can trong vụ án là Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc, chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) đang bị tạm giam về tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.

    Trước đó, ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

    Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.

    Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.

    Chiếc ca nô BP12-04-02

    Dẫn nguồn báo VOV: Trong công văn của Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu lên 2 vấn đề quan trọng liên quan đến vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM xảy ra vào tháng 8/2013.

    Theo đó, Công văn do Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ông Trần Kỳ Hình ký khẳng định:

    Thứ nhất, hiện nay pháp luật không cấm việc đóng tàu thuyền bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng mà còn được nhà nước khuyến khích đầu tư. Cục Đăng kiểm Việt Nam ủng hộ ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để sản xuất tàu thuyền.

    Thứ hai, phương tiện BP 12-04-02 do Công ty Cổ phần Việt Séc sản xuất và đơn vị sử dụng là cơ quan cửa khẩu Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu, việc đăng kiểm này thuộc quy định của Bộ Quốc phòng.

    Thực tế phương tiện này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng. Cục Đăng kiểm Việt Nam không có thẩm quyền làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

    Như vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, việc sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu PPC không bị pháp luật cấm. Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận BP 12-04-02 (ca nô bị nạn) đã được đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân xác nhận.

    Văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam không chỉ gửi đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc mà còn được gửi đến Công an TP.HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, TAND TP.HCM.

    Công văn của Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định quan điểm của Bộ GTVT đối với vấn đề đăng kiểm ca nô bị nạn BP 12-04-02. Đây là tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung vụ án.

    Tính đến nay, quá trình xem xét vụ án đã hơn 2 năm 1 tháng nhưng vụ việc vẫn chưa được làm rõ.

    HẠNH VŨ(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chim-ca-no-9-nguoi-chet-o-can-gio-dieu-tra-2-nam-chua-xong-a109194.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.