Luật sư lý giải nguyên nhân Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực sau 2 ngày ban hành


Thứ 5, 09/01/2020 | 02:32


Cùng sự kiện

Luật sư cho rằng Nghị định 100 được ban hành theo thủ tục rút gọn và việc quy định trong thời gian ngắn như vậy là để phù hợp với Luật Phòng, chống tác của rượu, bia 2019

Chỉ sau 2 ngày được ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tuy nhiên các luật sư cho rằng, Nghị định 100 đã được ban hành theo thủ tục rút gọn và việc ban hành, quy định trong thời gian ngắn như vậy là để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019, chỉ sau 2 ngày đã có hiệu lực và được thi hành ngay với những hoạt động xử lý vi phạm giao thông với các mức phạt rất cao khiến cho dân tình ngỡ ngàng hốt hoảng.

Trao đổi với Pv báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN) cho rằng, theo các số liệu thống kê thì Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, đã và đang hình thành một thói quen, văn hóa rượu bia trong xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong top các quốc gia tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới. Do vậy, dẫn đến một sự thật đau buồn rằng, Việt Nam cũng nằm trong top những nước có người chết vì tai nạn giao thông nhiều nhất trên thế giới.

"Vậy nên, ngay khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân, dư luận. Bởi theo quy định tại Nghị định mới mức xử phạt của nghị định mới cao hơn nhiều so với nghị định cũ; cũng như quy định mới gần như nghiêm cấm việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông,…

Việc phản ứng của người dân liên quan đến Nghị định 100 cũng là lẽ thường tình bởi, theo nội dung tại Nghị định 100 thì những thói quen, nếp sinh hoạt của một số bộ phận người dân sẽ bị thay đổi, nếu không muốn bị xử phạt", luật sư Việt cho hay.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn là 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Ảnh minh họa

Về vấn đề Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực "chớp nhoáng", Luật sư Trần Hậu (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) cho biết, đối với các quy định quy phạm pháp luật thông thường, theo quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì: “Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương.”

Như vậy, theo quy định thông thường thì Nghị định 100/2019 được ban hành ngày 30/12/2019 phải có hiệu lực không được trước 45 ngày kể từ ngày 30/12/2019. Tuy nhiên, chỉ có một cách giải thích là theo quy định tại Điều 146 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì Nghị định cũng có thể được ban hành theo thủ tục rút gọn khi thuộc một trong các trường hợp sau:

“1. Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội.

2. Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định.

3. Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.”

Ngoài ra, theo quy định tại khoẳn 2 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.”

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Nghị định 100 đã được ban hành theo thủ tục rút gọn và việc ban hành, quy định gấp gáp trong thời gian ngắn như vậy là để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2020) trong đó có nội dung nghiêm cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Hoàng Yên

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-ly-giai-nguyen-nhan-nghi-dinh-1002019nd-cp-co-hieu-luc-sau-2-ngay-ban-hanh-a307341.html