Ngày xuân, nghe thẩm phán kể kỳ án vợ "dọa" chồng bằng súng tự chế


Chủ nhật, 26/01/2020 | 08:00


Người vợ bị xét xử về tội Giết người, liên tục đổ tội cho chồng. Người chồng im lặng, trông chờ vào sự công minh của HĐXX.

Người vợ bị xét xử về tội Giết người, liên tục đổ tội cho chồng. Người chồng im lặng, trông chờ vào sự công minh của HĐXX. Diễn biến tâm lý tội phạm được che đậy bằng đủ hình thái của người đàn bà tinh quái... không qua nổi con mắt tinh tường của thẩm phán Trương Việt Toàn.

Phát súng kinh hoàng trong đêm

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.Hà Nội vẫn dành thời gian quý báu của mình để chia sẻ với PV báo ĐS&PL về những trăn trở khi ngồi “ghế nóng”, điều hành những phiên tòa “ngạt thở” tưởng chừng đi vào bế tắc. Trong số đó, vị thẩm phán không thể quên được phiên xử vụ vợ bắn phủ đầu chồng bằng súng ngắn tự chế.

Theo cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội, cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng Lê Ngọc Lê và Trương Hữu Tiến đầy “bão tố”. Hai người sống cùng nhà nhưng ly thân, “cãi nhau như cơm bữa”. Trong một lần to tiếng, Lê dùng búa sắt đập 4-5 phát vào sau gáy chồng. Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lê Ngọc Lê về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác bằng hình thức phạt tiền.

Bi kịch gia đình được đẩy lên đến đỉnh điểm, khi 20h ngày 31/12/2014, Lê đang xem tivi tại tầng nhà thì chồng đi làm về, tay cầm tuýp sắt, rồi khóa trái cửa. Lo sợ bị đánh nên Lê lấy khẩu súng để trong túi nilon ở đầu đệm (nơi Lê nằm), tay đeo găng tay y tế vào, giơ súng lên bắn về phía chồng. Một tiếng nổ chát chúa vang lên trong căn nhà. May mắn đạn lạc nên người chồng thoát chết.

Anh Tiến lao nhanh về phía vợ. Lê bắn tiếp một phát nữa, nhưng đạn không nổ. Người chồng vừa giằng co khẩu súng ngắn trong tay vợ vừa gọi con trai bằng giọng hoảng hốt: “Sơn ơi, cứu bố. Mẹ mày dùng súng bắn bố”.

Nghe lời bố, cậu con trai từ tầng 2 chạy xuống tầng 1, mở cửa nhà kêu người đến giúp. Anh Tiến thoát được ra khỏi nhà, chạy như ma đuổi đến Công an phường Chương Dương trình báo. Lê nhờ một chị bán thịt gần nhà chở đến Công an phường.

Tại cơ quan công an, chồng nói bị vợ bắn, còn người vợ lại tố ngược chồng và con trai “ám toán” hụt. Tại Công an phường Chương Dương, Lê khai khi chồng về nhà, gọi đứa con trai ở trên tầng 2: Sơn ơi, cầm cái đó xuống làm đi”. Sơn xuống giữa cầu thang, giơ tay lên thì Lê nghe thấy tiếng nổ. Chị ta ngất đi, sau đó tỉnh dậy, giả vờ chết, thì nghe thấy Tiến hỏi Sơn: “Nó chết chưa?”. Sơn nói: “Chết rồi...”. Tiến nói tiếp với Sơn: “Mày bắn một phát nữa về phía bố, rồi ra công an khai là mẹ bắn bố rồi tự sát”. Sau đó có tiếng súng nổ và anh Tiến hô: “Sơn ơi, nó (Lê) có súng bắn bố”.

Ngày 3/1/2015, tại Công an quận Hoàn Kiếm, Lê lại khai: “Lê và chồng có mâu thuẫn trong việc giải quyết ly hôn. Lê hay bị chồng đánh. Trước khi sự việc xảy ra, Lê mua một khẩu súng và 6 viên đạn ở Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) với giá 7 triệu đồng. Lê cất súng ở chỗ nằm. Hôm xảy ra vụ án, anh Tiến về nhà, tay cầm tuýp sắt nên Lê cho rằng chồng sẽ đánh mình và dùng súng bắn về phía chồng, nhưng không nhằm trực tiếp vào chồng. Mục đích dọa anh Tiến, không có ý sát thương. Khi chồng lao vào Lê, Lê tiếp tục bắn phát thứ hai nhưng đạn không nổ”.

Tại cơ quan điều tra, cháu Trương Anh Sơn khai, khi đang ở trên phòng của mình tại tầng hai thì nghe tiếng nổ và tiếng bố gọi. Sơn chạy xuống tầng 1, thấy bố mẹ đang vật lộn nhau tại chân cầu thang. Cậu con trai thấy đầu mẹ bị chảy máu.

Nhớ lại phiên xét xử người vợ có hành vi dùng súng ngắn tự chế bắn chồng từng gây chấn động Hà thành, thẩm phán Trương Việt Toàn không khỏi xót xa cho nhân tình thế thái.

Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.Hà Nội

“Buổi xét xử hôm ấy, tôi cho Lê nói thoải mái, vì bị cáo này có nhiều lời khai mâu thuẫn cần phải làm rõ”, Thẩm phán Toàn tâm sự. Quá trình xét xử, bị cáo Lê liên tục kêu oan. Thẩm phán Toàn cho hay, trong lúc Lê “diễn”, nhiều người trong phòng xử án xì xầm về câu chuyện khó có thể xảy ra trên thực tế.

Bị cáo Lê còn hồn nhiên khai, khẩu súng Sơn cầm là của chồng bị cáo mua từ năm 1987, anh Tiến thường xuyên lau chùi và bị cáo đã từng bị chồng cầm súng đe dọa nên bị cáo biết khẩu súng này.

Đến khi Thẩm phán Toàn công bố lời khai của bị cáo Lê vào ngày 1/1/2015: “Bị cáo không biết gì về khẩu súng...”, thì sự gian dối, mâu thuẫn trong lời khai của người đàn bà này mới bị phơi bày tại công đường.

Thẩm phán Toàn đánh giá, lời khai trên của Lê là không khách quan: “Xét thực tế giai đoạn năm 2014 là không phù hợp. Vì giai đoạn này, vợ chồng bị cáo đang mâu thuẫn trầm trọng và đang làm thủ tục ly hôn tại tòa án, tình cảm vợ chồng không còn”.

Một chứng cứ khác được Thẩm phán Toàn đưa ra “mổ xẻ” đến tận cùng: “Theo giấy chứng thương của Lê Ngọc Lê tại bệnh viện Thanh Nhàn, chính Lê nói với bác sĩ rằng mình bị đánh. Lời khai này là khách quan. Nếu anh Tiến hay cháu Sơn dùng súng bắn, Lê đã khai là bị bắn với bác sĩ”.

Vị chủ tọa có gương mặt hiền hậu kể tiếp: “Mặc dù bị cáo Lê nhiều lần khai chỉ bắn để đe dọa chồng, nhưng với hướng bắn nhằm về phía anh Tiến, chiều cao của tấm vách ngăn nhà và bề rộng của căn phòng hoàn toàn có khả năng gây nên cái chết cho anh Tiến. Việc anh Tiến không chết nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo”.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Lê Ngọc Lê đã cấu thành tội Giết người, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự năm 1999. Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Lê 7 năm tù.

Bắt giam ngay tại tòa

Ngay sau phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm, bị cáo Lê làm đơn kháng cáo. Bị cáo Lê đến phiên tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội với “biểu ngữ” đòi triệu tập thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm... Song yêu cầu của bị cáo không được tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

Khi được hỏi về nội dung này, Thẩm phán Toàn điềm tĩnh cho hay: “Theo quy định của pháp luật, cấp phúc thẩm không triệu tập thẩm phán của phiên sơ thẩm. Do đó, yêu cầu của bị cáo không phù hợp với quy định của pháp luật pháp và đương nhiên không được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận”.

Chưa kể, bị cáo Lê có mặt trong phiên xử phúc thẩm với trang phục “chẳng giống ai”. Lê mặc áo dài trắng với rất nhiều biểu ngữ in trên 2 tà áo dài; Tại công đường, bị cáo “vờ” ngất lên, ngất xuống, giả vờ ngất chán, bị cáo lại tự ngồi dậy?! Tuy nhiên, sau 1 ngày xem xét lại toàn bộ tình tiết vụ án cũng như kháng cáo kêu oan của bị cáo, kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt của bị hại, HĐXX phúc thẩm cho rằng lời khai của bị cáo là không có căn cứ để chấp nhận. Trong khi ấy, hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ bị cáo là người dùng súng bắn ông Tiến nhưng không trúng.

“Bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội đã xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Bị cáo không bị oan, do đó HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Về kháng cáo tăng nặng hình phạt đối với Lê Ngọc Lê của bị hại, cấp phúc thẩm cũng cho rằng không có cơ sở”, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định.

TAND Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm. Ngoài ra, HĐXX phúc thẩm còn quyết định bắt giữ Lê Ngọc Lê ngay tại phiên tòa nhằm bảo đảm việc thi hành án đối với người đàn bà này.

Trong nhiều năm giữ cương vị Chánh tòa Hình sự, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ án, nhiều tình tiết của vụ án vẫn cứ xoáy sâu vào tâm thức của Thẩm phán Trương Việt Toàn. Qua vụ án này, vị thẩm phán nhắn nhủ: Được Nhà nước trao quyền càng lớn thì trọng trách càng cao; là một thẩm phán phải có bản lĩnh thép, kiên định với phán quyết của mình. Trong đó, phải luôn luôn ghi nhớ một nguyên tắc “HĐXX độc lập và tuân theo pháp luật”.

Nguyễn Thúy

Bài đăng trên ấn phẩm báo in số 11+12+13+14+ Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-xuan-nghe-tham-phan-ke-ky-an-vo-doa-chong-bang-sung-tu-che-a308506.html