+Aa-
    Zalo

    Những đứa trẻ bơ vơ bởi “cái chết trắng”

    ĐS&PL (ĐSPL) - Nữ trinh sát trẻ Ng.T.N. đang công tác tại phòng 3 thuộc cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, bộ Công an) từng tham gia nhiều chuyên án của đơn vị.

    (ĐSPL) - Nữ trinh sát trẻ Ng.T.N. đang công tác tại phòng 3 thuộc cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, bộ Công an) từng tham gia nhiều chuyên án của đơn vị. Chị tâm sự, mỗi lần chứng kiến cảnh ngộ những gia đình tan nát bởi “cái chết trắng”, những đứa trẻ bơ vơ khi người thân phải tra tay vào còng số 8, chị và đồng đội lại thấy xót xa.

    Bản án không tuyên

    Trinh sát N. kể rằng, chị và các đồng nghiệp của mình nhiều lần phải đương đầu với hiểm nguy, đương đầu với đạn súng bắn trả quyết liệt của những trùm ma túy. Thế nhưng, bước chân vào nghề này, các chị vẫn luôn xác định, đồng hành với cam go và thử thách, chỉ có một điều khiến trinh sát N. cảm thấy trăn trở, xót xa là trong nhiều chuyên án, chị đã chứng kiến cảnh những đứa trẻ ngơ ngác, bơ vơ khi cha mẹ chúng bị bắt. Chia sẻ với PV, trinh sát N. tâm sự: “Nhiều nữ trùm ma túy bình thường vốn rất tinh quái, thậm chí rất lạnh lùng, xuống tay tàn độc với đám “đàn em”, vì lợi nhuận khủng mà bà trùm không từ bất cứ thủ đoạn nào để buôn bán “cái chết trắng”. Thế nhưng, đến khi sa lưới, họ mới ngộ ra rằng, chính mình đã đẩy con cái vào cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa”.

    Một trong những trường hợp được trinh sát N. nhắc đến là chuyên án triệt phá đường dây ma túy tổng hợp của bà trùm Đoàn Thị Thuý Hồng (SN 1968, trú tại quận Ba Đình, TP.Hà Nội). Đầu năm 2010, đường dây ma túy do vợ chồng Hồng cầm đầu có hàng chục đối tượng tham gia, thường xuyên vận chuyển ma túy qua đường hàng không. Đặc biệt, tại thời điểm lúc bấy giờ, các loại ma túy tổng hợp do nhóm tội phạm của đường dây này tổ chức mua bán, có loại trước đó còn chưa từng xuất hiện tại Việt Nam và cũng chưa có trong danh mục quy định xử lý của pháp luật. Chính vì vậy, nhiều dân chơi “nghiện” dùng “hàng độc” đã tìm đến đường dây ma túy của vợ chồng Hồng. Bà trùm này vừa phân phối “hàng” cho các “đại lý”, vừa bán lẻ ma túy cho các con nghiện trên địa bàn. Từ thông tin của trinh sát, C47 lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ các đối tượng, chúng đã phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Bá Thủy – chồng Hồng bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt mức án tử hình. Đối với Đoàn Thị Thuý Hồng, toà nhận định lẽ ra cần phải cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, song vì tính nhân đạo của pháp luật, chồng đã bị tử hình thì bị cáo Hồng có cơ hội trở về và bị tuyên phạt 20 năm tù.

    Nữ trinh sát trẻ Ng.T.N. trong một lần đi công tác vùng cao.

    Nói về Hồng, trinh sát N. cho biết: “Chị ta vốn là người đàn bà có nhan sắc, đẹp mặn mà, sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội. Từ khi chồng vướng vào nghiện ngập, Hồng cũng trở lên chán đời, rồi bước theo vết trượt của con đường buôn bán ma túy. Cho đến khi bị bắt, có lẽ, chị ta mới ngộ ra rằng, mình đã làm khổ các con. Ngày công an đến khám xét nhà, bắt giữ, thị vội vàng ôm hai đứa con gái vào lòng mà gào khóc, xin lỗi các con”.

    “Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi bị bắt thì cái lo lắng, thấp thỏm của những người đàn bà phạm tội đều giống nhau, đó là canh cánh về những đứa con thơ dại của mình”, trinh sát N. tâm sự. Có lẽ giờ đây, bản án lớn nhất đối với bà trùm Đoàn Thị Thúy Hồng đó là sự dằn vặt đang gặm nhấm tâm can, cảm thấy có lỗi quá lớn với những đứa con thơ.

    Thương lắm ánh mắt trẻ thơ

    Trường hợp của Nguyễn Thị Ngọc Điệp (SN 1976, trú tại Hà Nội) cũng được trinh sát N. nhắc đến. Được biết, trong giới giang hồ ở đất Hà thành, Điệp là người phụ nữ khá nổi tiếng. Thị ta có biệt danh là Điệp “chăn chíp”. Sở dĩ gọi như vậy bởi vì, tuy không đẹp rực rỡ nhưng Điệp lại có tài “chăn dắt” phi công trẻ. Đối tượng này thường xuyên có mặt tại các vũ trường, quán bar và được biết đến là “dân lắc” sành điệu. Những lần như thế, Điệp luôn để ý xem có cậu thanh niên nào to cao, chịu chơi để tìm cách bắt quen và dụ dỗ vào con đường phạm tội liên quan đến ma túy. Nhiều nam sinh viên đại học cũng bị Điệp giăng bẫy, dẫn dắt theo thị “gieo rắc cái chết trắng” cho đồng loại. Dù nhiều lần vào tù, ra tội nhưng Điệp vẫn không chịu “cải tà quy chính”. Lúc bị bắt, Điệp là đại lý lớn trong đường dây ma túy xuyên quốc gia. Khi đó, thị ta đang mang bầu. Có lẽ bởi vậy mà Điệp rất tự tin vào chính sách khoan hồng của pháp luật với những người phạm tội đang mang thai và nuôi con nhỏ, nên thị ta ngang nhiên bán ma túy cho con nghiện. Hành vi của thị mang tính thách thức cán bộ điều tra. Tuy nhiên, Điệp đã sai lầm, mức độ phạm tội của Điệp rất nghiêm trọng, với sự nghiêm trị của pháp luật, Điệp vẫn phải ngồi tù. Điệp sinh con trong trại giam, trong sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Đứa trẻ lẽ ra được sinh ra trong vòng tay ấm áp của ông bà, cha mẹ thì giờ đây tội lỗi của người lớn, của những người mẹ như Điệp đã để con mình chào đời trong sự lạnh lẽo của nhà giam. Ôm con trong tay, không hiểu Điệp sẽ nghĩ gì?!

    Hay, trường hợp của Đặng Hà Thu (SN 1986) là đối tượng trong một đường dây mua bán ma túy từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh cũng thật khiến người ta phải suy nghĩ. Khi bị bắt, Thu có hai con nhỏ, đứa lớn mới 4 tuổi, còn đứa bé thì chưa đầy 19 tháng tuổi. Thời điểm đó, bố chồng Thu và chồng chị ta cũng đang thụ lý án ma túy trong trại giam. Giờ, Thu lại đi tiếp, chỉ còn mẹ chồng chị ta và 2 đứa trẻ trong căn nhà vắng lặng... Kể đến đây, trinh sát N. bùi ngùi: “Tôi tin rằng, với bản năng của một người làm mẹ, những phụ nữ phạm tội sẽ luôn dằn vặt hằng đêm vì thương nhớ con, vì những hối hận muộn màng và vì những gì con mình phải gánh chịu do lỗi của người lớn gây ra. Cứ nghĩ đến cảnh những đứa trẻ nước mắt ngắn dài chạy theo chiếc xe thùng chở người thân của chúng đi mãi không về thì không ai có thể cầm lòng được. Giá như, trước khi phạm tội, những người mẹ, người cha kia cũng nghĩ được đến điều này! Giá như, họ hiểu được hậu quả của những việc mình làm và hệ lụy của nó cho cả một thế hệ sau phải gánh chịu”.

    Nữ trinh sát điều tra tội phạm ma túy tâm sự, chị đã từng tham gia các chuyên án mà trong đó rất nhiều người trong cùng một gia đình phạm tội. Chuyên án kết thúc, người chồng và em vợ bị tuyên án tử hình, vợ bị đi tù nhiều năm. Ở chuyên án khác, hai bố con cùng với em rể, em vợ cũng “dắt nhau” vào... tù.

    Trinh sát N. bảo rằng: “Sau mỗi lần đối mặt với hiểm nguy nhưng chúng tôi cũng không cảm thấy lo lắng, ám ảnh bằng đối diện với ánh mắt của bọn trẻ con mỗi lần đến khám xét và khóa tay người thân của chúng. Nhiều khi chúng tôi cố ý bắt giữ đối tượng khi không có trẻ nhỏ ở nhà nhưng có những trường hợp, yêu cầu của chuyên án không cho phép chậm trễ một phút nào nên có khi đối tượng vừa bị còng tay, bỗng có đứa trẻ lao từ trong buồng ra gào thét gọi mẹ khiến những người chứng kiến thấy xót xa. Thương lắm những ánh mắt trẻ thơ!”.

    NGUYỄN HƯỜNG

    [mecloud]EZJojHWgFz[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dua-tre-bo-vo-boi-cai-chet-trang-a111174.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.