Ông chủ của Nhật Cường Mobile bị khởi tố có thể đối diện với mức án nào?


Thứ 4, 15/05/2019 | 07:49


Cùng sự kiện

Theo luật sư, với 2 tội danh mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, ông chủ của Nhật Cường có thể đối diện với mức án 30 năm tù giam.

Theo luật sư, với 2 tội danh mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, ông chủ của Nhật Cường có thể đối diện với mức án 30 năm tù giam.

Lực lượng công an khám xét cửa hàng điện thoại của Nhật Cường Mobile. Ảnh: Công Lý

Theo Bảo Vệ Pháp Luật, ngày 14/5/2019, VKSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường, Hà Nội).

Đồng thời, VKSND tối cao cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Bùi Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, cùng 8 đồng phạm về tội "Buôn lậu" quy định tại khoản 4 điều 188 Bộ luật hình sự và tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 điều 221 Bộ luật hình sự.

Theo đó, ông Huy bị cáo buộc cầm đầu đường dây tội phạm có tổ chức, thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu xuyên quốc gia. Thiết lập và sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.

Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Để có thể làm rõ được hành vi buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán của Công ty Nhật Cường, cơ quan chức năng phải xác định các đối tượng nhập hàng hóa trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian dài, thông qua các kênh vận chuyển khác nhau.

Cơ quan CSĐT khởi tố các bị can về những tội danh này là thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất của mỗi tội lên đến 20 năm tù giam. Như vậy tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo Điều 55 Bô luật hình sự thì bị can Nguyễn Quang Huy có thể phải đối mặt cao nhất đến 30 năm tù giam.

Bị can Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường. (Ảnh: Bộ Công an)

Trước đó, chiều 14/5, theo ghi nhận của PV báo Công Lý tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đã có rất đông PV đặt câu hỏi liên quan đến việc Bộ Công an đã khám xét chuỗi cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động Nhật Cường liệu có ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống dịch vụ công của thành phố hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Trần Xuân Hà - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hà Nội - cho biết:  Toàn bộ hệ thống dịch vụ công của Thành phố vẫn hoạt động bình thường và việc kiểm tra hệ thống cửa hàng điện thoại Nhật Cường do Bộ Công an thực hiện là hoạt động bình thường của các cơ quan chức năng.

Cùng với đó, ông Trần Xuân Hà cũng đề nghị các cơ quan báo chí thông tin theo cơ quan chức năng về vụ việc này.

Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 221. Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán; b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật; c) Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;

d) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán; đ) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguyễn Phượng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-chu-cua-nhat-cuong-mobile-bi-khoi-to-co-the-doi-dien-voi-muc-an-nao-a275441.html