Kỳ án ở miền Tây: Phạm tội vì muốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài?


Thứ 3, 02/06/2015 | 00:05


(ĐSPL) - Để đủ thủ tục đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, Thà tổ chức làm giả bằng cấp, nhưng không may bị ngành chức năng phát hiện và tạm giữ...

(ĐSPL) - Để đủ thủ tục đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, Thà tổ chức làm giả bằng cấp, nhưng không may bị ngành chức năng phát hiện và tạm giữ. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, Thà được gia đình bảo lãnh cho tại ngoại. Lo sợ bị mất tiền “thế chân”, Thà trốn sang Hàn Quốc lao động nên bị cơ quan công an phát lệnh truy nã. Khi mãn hợp đồng lao động, Thà về nước, đầu thú tại cơ quan công an vào ngày 20/5, sau năm năm vất vả xứ người.

Phạm tội vì muốn đi nước ngoài lao động?

Theo cơ quan điều tra, năm 2010, Trần Văn Thà (SN 1983, ngụ tổ 2, ấp Tân Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cùng với một số đối tượng khác tổ chức làm giả bằng tốt nghiệp THCS cho một số người lo thủ tục đi xuất khẩu lao động. Sự việc bị lực lượng chức năng phát hiện, Thà bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi được cơ quan công an vận động thuyết phục, gia đình đã đưa đối tượng đến đầu thú sau gần năm năm trốn truy nã.

Chiều 21/5, PV báo ĐS&PL có mặt tại nhà riêng của Thà. Bà Phan Thị Điệp (SN 1961), mẹ của Thà ngấn lệ, trình bày: “Nhà tôi nghèo lắm chú à, nhờ có nó (tức Thà – PV) mà cả gia đình hiện tại mới có miếng ăn. Thà được xem là trụ cột gia đình, từ việc nhỏ đến việc lớn cũng do một tay nó gây dựng. Là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, thuở nhỏ, vì nghèo đói nên Thà chỉ học đến lớp năm rồi nghỉ, ngược xuôi cùng gia đình từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu cắt lúa mướn. Mặc dù khi đó, Thà chỉ hơn 10 tuổi nhưng vẫn biết phụ giúp gia đình kiếm tiền. Bất kể công việc vất vả nào, Thà cũng không nửa lời than trách”.

Bà Điệp chia sẻ cùng PV.

“Lớn lên, Thà cũng làm đủ mọi nghề để mưu sinh, gánh vác hết mọi trọng trách cùng gia đình, ai thuê gì làm đó. Đến năm khoảng 2005 – 2008, thấy cảnh đói khổ của gia đình, em nhỏ nheo nhóc, phải chạy ăn từng bữa, nhà thì dột nên Thà quyết định đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Trong thời gian lao động ở nước ngoài, Thà liên tục gửi tiền về gia đình trang trải cuộc sống. Ngày kết thúc hợp đồng lao động, Thà về nước cũng tích luỹ được số vốn để cất (làm nhà mới) nhà rồi chăn nuôi nhưng không mang lại hiệu quả. Do làm ăn không mấy thuận lợi, kinh tế gia đình vẫn khó khăn, Thà lại tiếp tục làm thủ tục đi Hàn Quốc lao động, nhưng giấy tờ hợp tác lần này vô cùng phức tạp. Tất cả người lao động đủ tiêu chuẩn thì tối thiểu phải có bằng cấp 2, mà thằng Thà có bằng cấp gì đâu. Vì muốn đi nước ngoài lao động kiếm tiền, nên Thà đã làm liều, thuê người ta làm cho mình một bằng cấp hai giả, nhưng đường dây này bị công an triệt phá, thế rồi Thà cũng bị triệu tập để điều tra”. 

Đối tượng chưa từng vi phạm pháp luật

Trong suốt cuộc trò chuyện cùng PV, bà Điệp luôn khẳng định, Thà không cố ý bỏ trốn để bị phát lệnh truy nã. Bởi tại thời điểm này, trung tâm giới thiệu việc làm, nơi Thà nộp hồ sơ thông báo đã trúng tuyển, chỉ chờ ngày bay sang Hàn Quốc lao động, nếu hoãn chuyến bay thì mọi chi phí đóng trước đó sẽ bị mất trắng. Nghĩ đến khoản nợ rất lớn mà gia đình đã vay mượn nên ngay trong đêm, Thà đánh liều rời quê nghèo đi TP.HCM làm thủ tục xuất ngoại và sau đó là nhận lệnh truy nã.

“Suốt khoảng thời gian lao động tại Hàn Quốc, Thà vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình. Thông qua việc vận động thuyết phục của ngành chức năng, Thà hứa, sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở Hàn Quốc sẽ về nước xin đầu thú và chịu mọi hình phạt của pháp luật. Đúng như những gì đã nói, khi vừa về nước, Thà được gia đình đưa đến Công an tỉnh Đồng Tháp trình diện. Tôi chỉ mong pháp luật suy xét và thấu hiểu gia cảnh mà giảm nhẹ hình phạt, giúp Thà sớm đoàn tụ cùng gia đình”, bà Điệp xót xa.

Ông Lợi đang trao đổi cùng PV.

Qua tìm hiểu của PV, được biết, dù đã ngoài 30 tuổi nhưng Thà vẫn sống độc thân, chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Hơn nữa, với lệnh truy nã treo lơ lửng trên đầu, khiến Thà vô cùng mặc cảm, không dám tiếp xúc với ai. Cô Trần Thị Hồng (giáo viên trường tiểu học Phong Hoà, cô giáo chủ nhiệm của Thà năm học lớp 3) nhận xét: “Thà rất ngoan hiền, lễ phép, chăm học nhưng do hoàn cảnh gia đình nên việc học em phải gác lại. Đến tuổi trưởng thành, Thà được mọi người biết đến là một thanh niên gương mẫu, không rượu chè, hút sách, chỉ biết cần mẫn làm việc lo gia đình. Thà hết sức lễ phép, biết tôn sư trọng đạo, luôn ghi nhớ công ơn của thầy cô đã dạy bảo”.

Cùng ngày, ông La Văn Lợi, công an viên phụ trách ấp Tân Thới, xã Phong Hoà, kiêm phó Ban nhân dân ấp cho biết: “Gia đình của Thà trước đây sống bằng nghề nông rồi làm thuê, thuộc diện nghèo khó tại địa phương, nhưng giờ đã thoát nghèo. Thà sống tại địa phương chưa từng vi phạm pháp luật, sống rất hoà đồng”.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV ĐS&PL, đại diện cán bộ trực tiếp thụ lý vụ án của phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Ngày 20/5, Phòng đã tiếp nhận đối tượng Trần Văn Thà (32 tuổi, ngụ tổ 2, ấp Tân Thới, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đến đầu thú sau năm năm lẩn trốn. Đồng thời, tiến hành làm rõ hành vi làm bằng cấp giả và xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Cũng theo vị đại diện này thì cơ quan công an đang làm rõ, lý do vì sao gia đình biết Thà liên quan đến vụ án, đã được cho bảo lãnh tại ngoại mà vẫn để Thà trốn sang Hàn Quốc lao động mà không thông báo với cơ quan công an. Cơ quan công an cũng đang làm rõ hành vi giúp Thà trốn sang Hàn Quốc lao động của một số người thân của Thà. 

THANH LÂM

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-an-o-mien-tay-pham-toi-vi-muon-di-xuat-khau-lao-dong-o-nuoc-ngoai-a96770.html