Xét xử “ông trùm” sàn vàng BBG lừa đảo khiến 1.000 người trắng tay


Thứ 2, 05/12/2016 | 14:53


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Quang thừa nhận, số tiền huy động của dân được Quang sử dụng để kinh doanh trái phép vàng tài khoản tại các sàn vàng khác nhau nhưng bị thua lỗ...

(ĐSPL) - Quang thừa nhận, số tiền huy động của dân được Quang sử dụng để kinh doanh trái phép vàng tài khoản tại các sàn vàng khác nhau nhưng bị thua lỗ, trả tiền gốc cho khách hàng đến hạn rút vốn (lấy tiền của người gửi sau, trả cho người gửi trước), trả tiền hoa hồng cho đại lý…

Theo báo Dân trí, sáng nay (5/12), Tòa án nhân dân TP Hải Phòng đã đưa ra xét xử sơ thẩm Lê Minh Quang, Chủ tịch HĐQT nhóm Công ty BBG, “Trùm” kinh doanh vàng bạc trái phép (SN1983, ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hàng trăm người thuộc nhiều tỉnh, thành là bị hại của vụ án cũng đã có mặt tại tòa với hy vọng thu hồi được lại vốn dù nhiều hay ít.

Lê Minh Quang tại cơ quan công an - Ảnh: báo Dân trí

Như báo Vnexpress thông tin trước đó, năm 2011 đến 2013, Quang thành lập 4 công ty gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư BBG, Công ty Cổ Phần vàng và Bất động sản BBG, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý BBG, Công ty Cổ phần Hợp tác Đầu tư BBG cùng hàng chục chi nhánh, văn phòng đại diện BBG tại hơn 10 địa phương.

Theo giấy phép, các công ty này không có hoạt động giữ hộ vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng thực tế từ năm 2013 BBG đã nhận giữ hộ tiền VNĐ quy đổi ra vàng với lãi suất cao 18%/năm; đầu tư tài chính thông qua hình thức thu hút vốn từ người dân với lãi suất 30%/năm.

Một số nhân viên thân tín được Quang đào tạo sử dụng phần mềm kinh doanh vàng cũng như cách thức cài cho các nhà đầu tư. Ngoài mức lương khoảng 2 triệu đồng một tháng, họ được hưởng 10-50% hoa hồng sau mỗi hợp đồng ký được với khách hàng.    

Thực tế, hầu hết khách hàng khi sử dụng phần mềm để giao dịch thường xuyên gặp sự cố bị lỗi lệnh. Sau khi được khắc phục, tài khoản của khách hàng trả về thời điểm trước lúc xảy ra sự cố. Cảnh sát cho hay, phần lớn khách hàng sau thời gian kinh doanh đều thua lỗ nên nghi ngờ có sự can thiệp vào phần mềm.

Trong hoạt động nhận giữ hộ tiền VNĐ quy đổi ra vàng và đầu tư tài chính thông qua hình thức thu hút vốn đầu tư từ người dân, trong các hợp đồng, ngoài việc ghi trả lãi xuất cao, BBG đều yêu cầu khách hàng cam kết không được rút vốn trước kỳ hạn. Các công ty BBG được toàn quyền sử dụng số tiền khách hàng đã gửi, đầu tư mà không cần thông báo.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (C50, Bộ Công an) cho hay từ khi thành lập đến ngày 31/3/2015 (thời điểm bị phong tỏa), tổng số các khoản tiền chuyển đến các tài khoản của các công ty BBG lên tới trên 500 tỷ đồng và vào tài khoản cá nhân của Lê Minh Quang hơn 50 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, Quang đã rút ra hết. Do vậy, những tháng gần đây, nhiều khách hàng đến BBG yêu cầu lấy lại tiền song đều được trả lời "không có khả năng chi trả".

Về hành vi kinh doanh trái phép vàng tài khoản, từ năm 2011 đến tháng 6/2014, tuy không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng Quang vẫn quảng cáo và môi giới cho khoảng hơn 200 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền thu được, Quang chuyển cho các đối tác và được hưởng tiền môi giới khoảng 2 tỷ đồng.

Bị bắt trong lúc đang tìm cách vượt biên sang Lào, Quang thừa nhận các công ty BBG đã kinh doanh trái phép vàng tài khoản và kinh doanh môi giới vàng tài khoản. Nghi can này hiểu đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải được Thủ tướng và Ngân hàng nhà nước cho phép.

Theo lời khai, để thu hút các nhà đầu tư, BBG đã trực tiếp giới thiệu, quảng bá với các nhà đầu tư về việc kinh doanh vàng tài khoản, gốm vẽ vàng và khai khoáng để mời tham gia. Hơn 400 tỷ đồng thu của trên 1.000 nhà đầu tư, Quang sử dụng để trả lãi một phần cho các nhà đầu tư; trang trải chi phí hoạt động của các công ty BBG..., còn lại phần lớn số tiền sử dụng vào mục đích cá nhân.

Cũng theo báo Dân trí, liên quan đến vụ án, cùng với Lê Minh Quang còn có 13 bị can khác cũng bị bắt giam về tội kinh doanh trái phép. Tuy nhiên Viện KSND thành phố đã có quyết định đình chỉ vụ án để xử lý sau. Riêng Quang do là người quyết định việc huy động, sử dụng vốn nên bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa hôm nay (5/12) Quang xin được tự bào chữa cho mình và thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo trạng nêu là đúng. Quang cũng cho rằng, ban đầu công ty cũng có lãi nhưng do nhận định sai hướng nên thua lỗ. “Và khi đã lỗ thì không thể dừng được vì lúc này đã có quá nhiều người đầu tư”, Quang khai nhận trước tòa.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 5 đến 9/12.

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: 

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-xu-ong-trum-san-vang-bbg-lua-dao-khien-1000-nguoi-trang-tay-a172853.html