+Aa-
    Zalo

    Chuyện xử án như thần của quan đốc trấn Sơn Tây

    ĐS&PL (ĐSPL) - Trong dân gian xứ Đoài thì truyền tụng Nguyễn Mại là Bao Công của đất Việt bởi sự sâu sát, gần gũi với dân và tài xét đoán các việc như "thần".
    (ĐSPL) - Trong dân gian xứ Đoài thì truyền tụng Nguyễn Mại là Bao Công của đất Việt bởi sự sâu sát, gần gũi với dân và tài xét đoán các việc như "thần".
    Nguyễn Mại là người xã Ninh Xá, huyện Chí Linh, nay là thôn Ninh Quang xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sinh năm 1655, năm 37 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Tân Mùi niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) đời Lê Hy Tông. Lúc đầu Nguyễn Mại làm quan ở bộ Lễ, sau được thăng chức Tả thị lang của bộ này. Được cử đi sứ nhà Minh, rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau đổi về Đốc trấn Sơn Tây, cho đến cuối đời. Ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công (đời Lê Dụ Tông). Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Mại gắn bó nhiều năm với mảnh đất xứ Đoài (tức Sơn Tây). Ông được giới quan trường đương thời ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực, xét xử các việc công minh. Còn trong dân gian xứ Đoài thì truyền tụng ông là Bao Công của đất Việt, bởi sự sâu sát, gần gũi với dân và tài xét đoán các việc như "thần". Vì thế, xung quanh ông đã nảy sinh ra nhiều câu chuyện vừa thực lại vừa huyền bí.
    Chuyện xử án của quan đốc trấn Sơn Tây
    Ảnh minh họa.
    Nguyễn Mại có cái uy của một vị quan xử kiện, nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu "tâm lý học tội phạm", và chính điều ấy, khiến cho giới tội phạm cũng phải "khẩu phục, tâm phục". Khi ông còn làm Đốc trấn Cao Bằng, thì thường có giặc cướp từ Quảng Tây tràn sang. Nhận thấy đây chỉ là bọn trộm cắp vặt chứ không phải bọn muốn chiếm đất trấn giữ lâu dài, nên ông bố trí lực lượng bắt gọn bọn này. Cả ba lần bắt xong, ông đều phủ dụ rồi thả cho chúng về, không đánh đập cũng không sức giấy sang Quảng Tây nhờ trừng trị giúp. Quả nhiên, bọn cướp đã biết hối cải, không dám sang cướp lần thứ tư nữa. Còn khi đang làm Đốc trấn ở Sơn Tây, thì một hôm công sở của ông chẳng may bị cháy. Trại giam của bọn trộm cướp xứ Đoài cũng ở ngay gần đấy. Không ngần ngại, ông hạ lệnh thả họ ra, rồi nhờ họ cứu cho đám cháy. Khi đám cháy được dập tắt, các phạm nhân lại bảo nhau trở về trại giam để chờ quan Đốc trấn xét hỏi, chứ không một ai nhân đấy mà chạy trốn.
    Một lần ở trong ngôi chùa lớn vùng Sơn Tây, khi các tăng ni về tụ hội rất đông, lại xảy ra một vụ mất trộm. Nhà sư trụ trì liền phái người đến dinh quan đốc trấn trình báo và xin phân xử giúp. Không chậm trễ, Nguyễn Mại đến tận nơi xem xét và thấy vật bị mất là một tấm "lăng là" mà chỉ những người trong giới tu hành mới cần dùng đến, hơn nữa, vật cũng chỉ mất khi các tăng ni đến đây đông, nên không thể có kẻ gian là người ngoài giới tu hành lọt vào. Nghĩ đoạn, ông liền cho tập hợp tất cả đám tăng ni lại, bảo họ trồng cây phướn lớn và đốt hương, sau đó, ông phát cho mỗi người một viên tràng hạt, dặn rằng: "Đây là tràng hạt lấy từ đền Sòng lại đã được niệm "chú", nên nếu ai để rơi mất, ắt sẽ bị liên lụy đến tính mạng", rồi bảo họ đi vòng quanh cây phướn và lò hương, vừa đi vừa tụng kinh và giữ lấy viên tràng hạt. Bản thân ông thì đứng ở thềm chùa, tay chắp miệng lẩm bẩm như thể đang tụng kinh, nhưng mắt lại chú ý quan sát đám tăng ni đang dạo quanh cây phướn. ông nhận thấy một ni cô cứ thỉnh thoảng lại giở viên tràng hạt ra xem, và cử chỉ có phần như giấu giếm. Lập tức, ông bảo mọi người dừng cả lại, rồi ra lệnh bắt ni cô kia. Sau khi ông trực tiếp xét hỏi, người ấy đã thú nhận lấy trộm tấm “lăng là”.
    Luật nay: Có thể phạt tù ni cô về tội trộm cắp tài sản
    Nguyễn Mại có cái uy của một vị quan xử kiện, nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu "tâm lý học tội phạm", và chính điều ấy, khiến cho giới tội phạm cũng phải "khẩu phục, tâm phục". Tuy nhiên, những vụ xử án của ông, khi điều tra ra thủ phạm thường thì ông chỉ bắt họ trả lại tài sản mất cắp, ngoài ra không xử phạt thêm hình phạt nào khác. Trong vụ án trên, sau khi tìm ra thủ phạm lấy trộm tấm “lăng là”, Nguyễn Mại cũng không bắt phạt gì thêm. Trên thực tế, tội trộm cắp tài sản ngày nay, pháp luật quy định rõ ràng về hình thức xử phạt. Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
    Tuỳ theo mức độ vi phạm, giá trị tài sản bị trộm cắp mà định khung hình phạt cho người vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.    
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-xu-an-nhu-than-cua-quan-doc-tran-son-tay-a37082.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan