Chuyện đời, chuyện nghề của nữ luật sư từng bị khách hàng dọa…giết


Thứ 7, 30/05/2020 | 08:15


Cùng sự kiện

Ngót 20 năm cháy hết mình với công việc bảo vệ sự thật, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như nhận ra rằng, công lý chưa bao giờ tồn tại độc lập với tình người.

Ngót 20 năm cháy hết mình với công việc bảo vệ sự thật, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như nhận ra rằng, công lý chưa bao giờ tồn tại độc lập với tình người. Vì thế, những phiên tòa có sự tham gia của chị luôn lấp lánh tình người, thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như. 

Phiên tòa nhiều day dứt

Lần đầu gặp nhau, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc công ty luật An Luật khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Chị trẻ trung, dịu dàng từ ngoại hình đến cách trò chuyện khiến người tiếp xúc phải bất ngờ. Càng bất ngờ hơn, những vụ án chị tham gia tranh luận luôn có dấu ấn rất riêng. Dấu ấn ấy ánh lên từ những phiên tòa lấp lánh tình người, giàu tính nhân văn.

Luật sư Quỳnh Như chia sẻ, ngót 20 năm bảo vệ lẽ phải, chị tự nghiệm ra rằng, công lý chưa bao giờ tồn tại độc lập với tình người. Trong phiên tòa bào chữa cho bị cáo tên Tr. mang tội giết người, một lần nữa, chị nhận thấy quan niệm ấy hoàn toàn đúng đắn.

Chị kể lại nội dung vụ án: “Thấy T. hay nói chuyện với chồng sắp cưới của mình nên Tr. ghen tuông rồi xảy ra ẩu đả. Tan ca, Tr. thấy nhóm của T. chặn ngoài cửa công ty. Tr. và bạn cầm dao đến nói chuyện rồi hai bên xô xát nhau. Tr. dùng dao sát hại 1 cô gái trong nhóm của T.. Khi nhận vụ án, thông qua nhiều kênh thông tin, tôi tìm hiểu về nữ bị cáo mà mình sẽ bào chữa và phát hiện chi tiết, vào thời điểm Tr. giết người, bị cáo không biết mình đã mang thai”.

“Tr. chỉ biết mình sắp làm mẹ khi vào bệnh viện để điều trị vết thương. Đọc những dòng thông tin này, tôi rất thương. Tôi thương Tr. và cả đứa bé nữa. Phiên phúc thẩm vụ án này đọng lại trong tôi thật nhiều cảm xúc. Phiên tòa hôm ấy, ngoài tôi với vai trò là luật sư bào chữa cho bị cáo còn một người khác hết sức đặc biệt khiến tôi vừa xúc động vừa bất ngờ. Đó là cha của nạn nhân. Ông là người không có nhiều học thức, điều kiện sống hết sức khó khăn nhưng lại giàu lòng vị tha. Tại phiên tòa, ông đã cùng với tôi cố gắng giảm án cho người sát hại con mình”, nữ luật sư kể thêm.

Tại tòa, cha của bị hại nói rất nhiều về thân phận con người và miệt mài bào chữa cho kẻ đã sát hại con mình. Ông phân tích, bị cáo lớn lên trong gia đình thiếu thốn tình thương cha mẹ, không được dạy bảo nên hình thành tính cách hung hăng. Khi xảy ra mâu thuẫn, bị cáo đã có hành vi giết người. Bây giờ, bị cáo đã là một người mẹ, nếu bị cách ly khỏi xã hội lâu, đứa bé thiếu tình yêu thương của mẹ trong thời gian dài rất có thể sẽ rơi vào bước đường như mẹ của bé. Với suy nghĩ này, ông đã gạt bỏ nỗi đau mất con để xin giảm án cho nữ bị cáo.

Luật sư Quỳnh Như cho biết: “Với sự phối hợp hết mình của tôi và ông ấy, bị cáo được giảm án. Việc này, làm cho tôi và những người có mặt tại phiên tòa vô cùng xúc động. Sau khi tôi chia sẻ thông tin này trên các phương tiện truyền thông, rất nhiều người đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ, giúp chăm lo cho con của bị cáo”.

“Làm luật sư tranh tụng đau tim lắm!”

Luật sư Quỳnh Như thổ lộ: “Làm luật sư tranh tụng bây giờ đau tim lắm! Dù tôi khá tự tin ở phần tranh tụng nhưng tôi luôn thấy “đau tim” mỗi bận ra tòa”. Chúng tôi biết, sự “đau tim” ấy xuất phát từ niềm trăn trở của chị về những phiên tòa công tâm ở chốn pháp đình.

Theo chị, sự công tâm của phiên tòa đến “từ những vị thẩm phán giỏi nghề, hiểu biết về mảng mà họ cầm cân nảy mực”. Khi đó, các luật sư tranh tụng sẽ mang kiến thức của mình ra so kè trên các tình tiết của vụ án và chuyên môn của người tranh tụng cũng sẽ được nhìn nhận đến nơi đến chốn. Lúc này, luật sư mới có được những “trận thắng-thua” trong sự chính trực của nghề.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có chuyện người thẩm phán thiếu kiến thức, kinh nghiệm về một số mảng nhất định.

Chị nhận định: “Điều này khiến các thẩm phán không nhìn ra bản chất hồ sơ vụ án dẫn đến việc xử oan sai, xử ép... Mặc dù các thẩm phán không bao giờ muốn xảy ra oan sai nhưng vì thiếu kiến thức trong lĩnh vực đặc thù đó nên khi họ đưa ra quyết định, họ lại thấy quyết định ấy phù hợp với kiến thức, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực họ đang xét xử. Điều thứ hai khiến người làm tranh tụng lo lắng là các thẩm phán “dính” đến tiêu cực. Không ai dám nói chuyện này không xảy ra. Do đó, người làm hồ sơ tranh tụng không chỉ phải có niềm tin vào pháp lý mà còn bị điều nói trên làm cho “đau tim””.

Để minh chứng, chị kể lại vụ tranh chấp tài sản thừa kế mà theo chị, nếu không có kiến thức về hồ sơ đất đai thì “tòa xử sao cũng được”.

“Vụ việc thể hiện hai anh em cùng tranh chấp di sản thừa kế. Người anh giàu có, có địa vị xã hội trong khi người em lại hết sức nghèo khó. Ra tòa, người anh nói, di sản đang tranh chấp là do ông tạo lập nên, người em lại nói đây là tài sản của cha để lại. Tôi tìm hiểu thì được biết, ban đầu, tài sản này được cha của 2 người này tạo dựng. Tờ khai gia đình cũ, đăng ký hộ khẩu đều do người cha đứng tên nhưng để hợp thức hóa thì lại ra tên người anh”.

“Do đó, khi tranh chấp, cả hai người đều có cơ sở pháp lý của mình. Để xét xử được vụ án này, người xét xử phải là người có kiến thức về nhà đất từ việc làm sao để ra được cuốn sổ hồng có tên người anh. Nếu chỉ thông qua cuốn sổ hồng để phán phần tài sản của ông anh là chưa chính xác”, luật sư Như phân tích.

Hà Nguyễn

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (84)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-chuyen-nghe-cua-nu-luat-su-tung-bi-khach-hang-doagiet-a325331.html