+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông hiền lành hóa thành “ác quỷ” sau chuỗi ngày ở rể

    ĐS&PL Không ai ngờ trong phút giây ngắn ngủi, chàng rể đã nhẫn tâm sát hại vợ và mẹ vợ.

    Trên nền căn nhà xập xệ, hai cỗ quan tài lạnh lẽo được đặt sát cạnh nhau. Dưới đất, đứa bé trai vừa tròn 15 tháng tuổi đang bò tha thẩn, đôi mắt ngây thơ chưa biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh. Nhìn tình cảnh ấy, những người có mặt trong đám tang lại quay lưng đi để giấu những giọt nước mắt. Không ai ngờ trong phút giây ngắn ngủi, chàng rể đã nhẫn tâm sát hại vợ và mẹ vợ.

    Người đàn ông hiền lành hóa thành “ác quỷ” sau chuỗi ngày ở rể
    Chân dung kẻ sát nhân.

    Cuộc hôn nhân chóng vánh

    Huỳnh Văn Tấn (39 tuổi) ngụ ấp 2, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre, (tỉnh Bến Tre), về làm rể ở khu phố 6, phường 3 (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đến nay đã được hai năm. Bề ngoài, Tấn là người hiền lành, ít nói. Gã chỉ có tật xấu là bê tha rượu chè. Vì thế khi biết tin, hàng xóm chẳng ai lại ngờ rằng hắn lại nhẫn tâm thảm sát cả gia đình nhà vợ chỉ vì một mâu thuẫn, va chạm nhỏ trong cuộc sống thường nhật.

    Vụ án mạng đau lòng trên xảy ra vào sáng 9h tối 30/7. Những nạn nhân của Tấn gồm: Mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Dung (73 tuổi), Huỳnh Văn Tài (45 tuổi, anh vợ) cùng vợ gã là chị Huỳnh Thu Hà (42 tuổi). Tính tới thời điểm hiện tại, bà Dung và chị Hà đã tử vong, còn anh Tài đang được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu giúp. Tuy nhiên hy vọng sống là rất mong manh.

    Bà Nguyễn Thị Tư (75 tuổi, tên thường gọi là Tư Tài), chị gái của bà Dung kể: “Lỗi trong chuyện này một phần cũng nằm ở chính những nạn nhân. Tài ở rể lại không có nghề nghiệp và phụ thuộc vào kinh tế của nhà vợ. Hơn nữa, nó lại hay nhậu nhẹt, rượu chè nên khiến cho cô Dung không vừa lòng, coi khinh nó không ra gì cả. Mâu thuẫn giữa mẹ vợ và con rể cũng chỉ vì như vậy mà phát sinh. Thằng Tấn để bụng, ôm hận mẹ vợ”.

    Kể về chuyện gia đình em gái, bà Tư Tài cho biết, Hà là con út của bà Dung. Từ lúc sinh ra, chân phải Hà đã bị dị tật. Lớn lên, chị đi tập tễnh, bước dài bước hụt, dáng người như đổ nghiêng để đuổi bóng của mình. Cũng vì thế, tuổi xuân của Hà trôi qua trong lặng lẽ. Nhưng ông trời đã không lấy đi của Hà tất cả, mà bù đắp cho chị đôi bàn tay khéo léo. Thợ may ở vùng này không giỏi nghề như Hà. Cũng chính nhờ cái nghề này, chị và Tấn nên duyên vợ chồng. Tấn vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên không được học hành như bạn bè cùng trang lứa. Khi trưởng thành, gã không có công việc ổn định, lại nghiện rượu nên chẳng thiếu nữ nào chịu sánh vai.

    Hơn 3 năm trước, Hà đi may thuê ở khu cầu Kiều (TP. Bến Tre) thì hai người gặp nhau. Ít lâu sau, Hà đưa người yêu về ra mắt gia đình, bà Dung biết Tấn nát rượu nên một mực can ngăn, khuyên con gái nên suy nghĩ lại. Đang say đắm trong tình yêu, Hà vẫn mặc kệ và bỏ qua lời can ngăn. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, bà Dung cuối cùng phải tặc lưỡi chấp thuận, tác hợp cho Hà và Tấn nên duyên vợ chồng. Dẫu vậy, trong lòng người mẹ cũng dấy lên sự bất an về cuộc sống của con gái sau này.

    Kết hôn xong, Tấn chuyển hẳn về ngồi nhà mà chị Hà bỏ tiền xây dựng trước đó sống cùng gia đình vợ. Gã cũng làm đủ nghề từ phụ hồ, đến công nhân. Còn Hà vẫn làm thợ may với đồng lương ít ỏi. Đến khi chị Hà sinh con đầu lòng thì kinh tế gia đình rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Tấn không biết tu chí làm ăn, nên mấy miệng ăn trong nhà đều phải trông chờ vào sự cấp dưỡng tiền bạc của mẹ vợ.

    Lúc đó, bà Dung còn khỏe mạnh, buôn bán nhỏ ở chợ nên có đồng ra đồng vào. Trong khi không lo được cho vợ con, Tấn lại theo bạn bè nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Cũng vì điều này, mâu thuẫn giữa mẹ vợ và con rể mới bắt đầu nảy sinh. Bà Dung coi khinh gã con rể chỉ là đứa ăn bám, không làm được gì cho vợ con. Bà thẳng tay chỉ vào mặt Tấn trách mắng, khiến lòng tự trọng của chàng rể bị tổn thương. Gã sinh ra chán nản càng chìm đắm trong men rượu và ôm nỗi oán hận trong lòng. “Đến khi cô Dung ốm yếu, con cái phải chăm bẵm, thì Tấn quay sang hắt hủi, hỗn hào”, bà Tư Tài cho biết.

    Người đàn ông hiền lành hóa thành “ác quỷ” sau chuỗi ngày ở rể
    Bà Tư Tài kể lại nguồn cơn dẫn đến vụ thảm sát chấn động dư luận.

    Giọt nước tràn ly

    Lặng nhìn 2 cỗ quan tài, bà Tư Tài liên tục nấc nghẹn. Nắm chặt tay chúng tôi, bà bảo: “Để ra cơ sự ngày hôm nay cũng một phần là do lỗi của gia đình chúng tôi. Giá như mấy ngày trước, chị Dung và cháu Hà đừng gọi điện giục thằng Tấn về thì có lẽ chuyện đã không xảy ra”. Theo mạch câu chuyện, bà Tư Tài kể thì hai vợ chồng Tấn vốn không có mâu thuẫn gì lớn. Nhưng ở nhà vợ, Tấn luôn mang trong mình sự mặc cảm vô hình. Thân cô thế cô, chẳng biết bám víu vào đâu để tâm sự mỗi khi vợ chồng cãi vã to, vì vậy Tấn cũng chỉ biết dồn nén những uất ức.

    Trước khi thảm án đau lòng xảy ra, Tấn đã về nhà mẹ ruột tại Bến Tre để thăm nhà và gia đình. Tuy nhiên vì ngày 31/7 nhằm ngày giỗ cha vợ, thấy chồng về Bến Tre chưa quay lại, Hà bèn gọi điện thoại giục gã. Chị Hà vừa dùng những lời lẽ ngọt nhạt bảo chồng về làm giỗ cha, vừa bảo mẹ gọi điện “nói chuyện” với con rể. “Đại thể là mẹ con của cái Hà chỉ muốn nhắc nhở thằng Tấn về làm giỗ. Nhưng thay vì dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để bảo ban nhau thì họ lại chửi rủa nhau qua điện thoại. Cái Hà và mẹ nó cứ liên tục trách cứ thằng Tấn là vong ơn bội nghĩa, chỉ biết “ngồi mát ăn bát vàng” mà không biết đến tổ tiên, ông bà”.

    Sau cuộc nói chuyện đó, trong trạng thái căng thẳng tột độ vì những lời sỉ vả, nhiếc móc của gia đình vợ, Tấn đã tức tốc chạy xe máy về giải quyết vấn đề. Trong đêm đó, một lần nữa, bà Dung và chị Hà lại tiếp tục dùng những lời lẽ thị uy để gây hấn, áp đảo tinh thần chàng rể. Hụt hẫng, phẫn nộ vì bị khinh miệt, ngay cả lời ăn tiếng nói cũng bị tước đoạt, Tấn chạy ngay ra sau nhà vác cây búa chẻ củi mang vào với ý định dọa vợ. Nhưng chị Hà chẳng những không tỏ ra sợ hãi mà còn hùa cùng mẹ thách thức, to tiếng, đòi Tấn phải đóng góp tiền để làm giỗ cha. “Giá như họ nhịn nhau một tiếng thì mọi chuyện đã tốt đẹp rồi. Thằng Tấn là đàn ông, tính nóng nảy nhưng nếu như hai người đàn bà biết xoa dịu câu chuyện thì tôi nghĩ mọi chuyện đã không đi quá xa như ngày hôm nay”.

    Lại nói về Tấn, trong giây phút cạn nghĩ, hắn đã lao vào bàn thờ gia tiên rồi vung từng nhát búa lật đổ cả bàn thờ. Điên tiết trước thái độ hành xử côn đồ của chàng rể, bà Dung và chị Hà cũng lao vào, người giằng lấy búa, người thì chửi bới cho thỏa cơn giận. “Lúc nghe có động, thằng Tài ở sát bên chạy qua thì đã thấy cháu Hà nằm trên vũng máu, cạnh đó chị Dung đã tắt thở. Thằng Tấn thì vẫn tay lăm lăm cây búa, mặt đằng đẵng sát khí rồi tiếp tục đập phá bàn thờ và đồ đạc trong nhà”. Sợ hãi trước thái độ ngang tàng của Tấn, anh Hà đã nhanh chóng đi báo công an. Tuy nhiên số phận run rủi, khi anh quay về, đang định dắt xe vào nhà để chở mẹ đi cấp cứu thì sát thủ máu lạnh xuất hiện. Chẳng nói câu nào, Tấn vung búa loạn xạ khiến anh Hà ngã ra đất bất tỉnh. “Tôi chẳng thể hình dung nổi một thảm cảnh như vậy, nó giống như một bộ phim kinh dị, thằng Tấn là kẻ giết người không gớm tay. Chẳng biết, nó nghĩ gì lúc đó mà ra tay tàn ác như thế”, bà Tư Tài chua chát.

    Khi vụ thảm án xảy ra, dư luận vẫn đặt câu hỏi, liệu đâu là nguyên nhân khiến hung thủ ra tay tàn độc như vậy? Có hay không việc hung thủ bị bệnh tâm thần hoang tưởng? Điều đó cho đến nay vẫn chưa thể lý giải được bởi những người biết được câu chuyện đã sớm trở thành nạn nhân của Tấn. Có chăng, điều mà hàng xóm cũng như bà Tư Tài nhận định về nguyên nhân thảm án, phảng phất đâu đó có bóng dáng của rượu. “Thằng Tấn uống nhiều lắm, bao nhiêu tiền làm ra được là nó mua rượu để uống. Nguyên nhân khiến nó uống rượu thì lại có một phần là do vợ. Mang tiếng là thằng đàn ông ở rể, tiếng nói trong gia đình thì bị xem thường, mẹ vợ và người đầu ấp tay gối suốt ngày mắng nhiếc, khinh rẻ. Thử hỏi, buồn vậy sao không uống. Mà cứ uống vào thì lại nghe lời ra tiếng vào, người ta chê cười thằng Tấn không biết dạy vợ, sống núp bóng đàn bà. Nhiều lần nó cũng qua tâm sự với tôi chuyện này nhưng mình cũng chẳng biết nói gì để an ủi được nó”.

    Sự tôn trọng, danh dự, giá trị của một người đàn ông trong gia đình bị mất đi, thêm vào đó là những suy nghĩ tiêu cực đã ngày càng khiến Tấn trượt dốc. Người xưa vẫn răn: “Chồng giận thì vợ bớt lời” nhưng dường như vốn quen với cách sống “Ăn ngay nói thẳng” của người miền Tây, cả gia đình đã tự đẩy mình xuống vực thẳm tối tăm. “Trước ngày đám giỗ, tui còn thấy vợ chồng nó chở nhau đi chợ mua thức ăn, hôm thằng Tấn về nhà mẹ ruột, tui cũng nghĩ đơn giản là nó về thăm chơi chứ ai ngờ là giận hờn nhau mà không nói. Giờ người thì cũng đã chết rồi, có giận hờn, oán trách cũng chẳng được gì, điều tui lo nhất vẫn là thằng bé con của Tấn và Hà”. Vừa nói, bà Tư Tài đưa mắt về phía đứa bé trai đang bò dưới cỗ quan tài.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-hien-lanh-hoa-thanh-ac-quy-sau-chuoi-ngay-o-re-a46573.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan