Những vụ mua bán trẻ em chấn động dư luận


Thứ 5, 07/08/2014 | 10:54


(ĐSPL) - Những vụ buôn bán trẻ em, những đường dây buôn bán trẻ em được phát hiện chỉ trong thời gian ngắn khiến dư luận chấn động.

(ĐSPL) - Những vụ buôn bán trẻ em, những đường dây buôn bán trẻ em được phát hiện chỉ trong thời gian ngắn khiến dư luận chấn động. 
Mới đây nhất là vụ Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) bị bắt bị về hành vi mua bán trẻ em. Cùng bị bắt với Trang là Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
 - Những vụ mua bán trẻ em chấn động dư luận
 Đối tượng Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định, việc hai nghi phạm bị bắt đã thực hiện việc mua bán bé Cù Nguyên Công (trẻ sơ sinh được nuôi tại chùa Bồ Đề vào cuối năm 2013) với giá 35 triệu đồng.
Được biết, cuối tháng 10/2013, mọi người ở chùa Bồ Đề phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở cổng chùa trong tình trạng dây rốn chưa rụng. Do đó, nhà chùa đã đưa vào để chăm sóc, nuôi dưỡng, đặt tên bé trai này là Cù Nguyên Công.
Vào thời điểm đó đã có gia đình người dân trên địa bàn quận Long Biên nhận làm bố mẹ đỡ đầu và thường xuyên chăm sóc.
Đến tháng 11/2013, bé Cù Nguyên Công bị mắc bệnh nặng nên phải nhập viện nhiều ngày để điều trị và được đưa về nhà chùa vào cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, bé Cù Nguyên Công đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề vào những ngày đầu tiên của tháng 1/2014 mà không ai biết lí do tại sao, kể cả bố mẹ đỡ đầu của bé.
Qua điều tra, cơ quan công an đã xác định vào thời điểm này, bé Cù Nguyên Công đã được Nguyễn Thị Thanh Trang cùng Phạm Thị Nguyệt và một số người, thỏa thuận mang trẻ em cho người khác nuôi để lấy tiền, thực chất là mua bán.
Trước khi vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị cơ quan điều tra phanh phui, một nhóm người từng tham gia làm công tác thiện nguyện thường xuyên tại chùa Bồ Đề từ tháng 8/2007 đến tháng 9/2012 đã phát hiện nhiều uẩn khúc trong việc chăm nuôi trẻ ở đây.
Trong đơn đề nghị điều tra gửi tới cơ quan chức năng của nhóm thiện nguyện này đã xâu chuỗi các sự kiện và tổng hợp hình ảnh, thông tin cũ đối chiếu với các thông tin mới mà báo chí đăng tải thời gian gần đây. Qua đó, họ tố cáo có ít nhất 11 trẻ mà họ biết từng sống ở chùa nay đã “biến mất”. 11 cháu bé “biến mất” khỏi chùa Bồ Đề mà nhóm thiện nguyện cung cấp gồm: Tùng Anh, Việt Anh, Minh Anh, Duy Anh, Bảo Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh, Tuấn Anh, Triều Anh, Hoàng Anh.
Ngày 6/8, Hội Phụ nữ và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội bắt đầu cuộc thanh, kiểm tra tại chùa Bồ Đề. Đoàn Thanh tra làm việc rất chặt chẽ tại khu vực Nhà Mở, nơi đang nuôi dưỡng trẻ. Tại đây, an ninh được thắt chặt và những người lạ không được tiếp cận. Khu vực được thanh tra cũng bị phong toả để phục vụ cho công tác thanh kiểm tra.
Bố mẹ đem bán con với giá 7 triệu đồng
Liên quan đến việc mua bán trẻ em, vào chiều 27/2, các trinh sát Đội 5 thuộc PC45 đã phối hợp với Đội Hình sự Công an quận 7 mai phục trước cổng BV Nhi đồng 1 bắt quả tang 4 đối tượng đang thực hiện hành vi mua bán một trẻ sơ sinh nặng 3,1kg với giá 7 triệu đồng, gồm Lan, Quỳ, Viễn và Trang (trong đó, Viễn và Trang chính là cha mẹ của em bé sơ sinh bị mang ra mua bán).
 - Những vụ mua bán trẻ em chấn động dư luận (Hình 2).
Bệnh viện Nhi Đồng.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khai nhận, Trang và Viễn là những đối tượng sống lang thang rồi gặp nhau chung sống như vợ chồng tại khu vực công viên Phạm Viết Chánh, quận 1. Khi mang thai con gái, vì không có tiền tiêu xài và không có khả năng nuôi con nên cả hai vợ chồng Trang bàn bạc sinh con xong sẽ đem bán.
Do hằng ngày hành nghề cắt móng tay móng chân dạo ở BV Từ Dũ nên Quỳ đã "ngửi" được thông tin này và nhanh chóng nói lại cho Lan biết… Sau khi đồng ý giá 7 triệu đồng, vào lúc 17h ngày 27/2, Lan hẹn gặp Trang trước cổng BV Nhi đồng 1 để giao con thì các trinh sát ập tới bắt quả tang.
Mẹ mìn bắt cóc trẻ ở BV quận 7
Đầu tháng 1/2014, dư luận cả nước rúng động bởi vụ bắt cóc xảy ra tại bệnh viện quận 7 (TP.HCM). Trâm chính là thủ phạm gây ra vụ bắt cháu bé Trương Văn Hoài là con của vợ chồng anh Trương Văn Hên (SN 1983) và chị Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1977, ngụ quận 7).
Theo thượng tá Nguyễn Văn Thanh – đội trưởng đội cảnh sát hình sự, Công an quận 7, sau gần 3 tháng tạm giam hình sự phục vụ quá trình điều tra, đến nay Trâm mới chịu thừa nhận là mắt xích quan trọng trong băng nhóm mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới.
 - Những vụ mua bán trẻ em chấn động dư luận (Hình 3).
‘Mẹ mìn’ bắt cóc trẻ tại BV quận 7, Bích Trâm tại cơ quan công an điều tra quận 7.
Ngày 9/1, Trâm lẻn vào Khoa hậu sản Bệnh viện quận 7 tiếp cận với sản phụ Tâm. Khi chị Tâm đang đi rửa bình pha sữa thì Trâm bế cháu Hoài ra khỏi bệnh viện. Để cắt đuôi lực lượng chức năng và xóa dấu vết, Trâm thuê 4 cuốc xe ôm đưa cháu bé về huyện Bình Chánh và nói với gia đình là Trâm mới sinh con.
Ngay khi nhận được tin báo của gia đình sản phụ Tâm, lực lượng công an quận 7 đã phối hợp với gia đình để nhận dạng hung thủ và tổ chức vây bắt ‘mẹ mìn’.
Quá trình điều tra, Công an quận 7 đã mời họa sĩ phác họa chân dung, đồng thời thông báo tới công an 23 quận huyện vào cuộc truy bắt thủ phạm. Gần 4 ngày vào cuộc, lực lượng công an bắt giữ Trâm, giải cứu cháu bé trao lại cho vợ chồng chị Tâm – anh Hên.
Tại cơ quan công an, Trâm khóc nức nở và liên tục chối tội lỗi do ả gây ra. Trâm khai nhận là nhân viên điều hành xe buýt của một HTX ở huyện Nhà Bè. Cách đây hơn 1 năm, Trâm chung sống không hôn thú với anh V.T.L (SN 1987, trú huyện Bình Chánh), sau đó có thai.
Từ khi mang bầu, Trâm được gia đình chồng yêu thương chiều chuộng hết mực. Chồng Trâm cũng hứa sẽ sớm tổ chức đám cưới. Thế nhưng, đến thời điểm gần sinh, Trâm bị sẩy thai. Để giấu giếm gia đình chồng, Trâm không nói gì mà âm thầm thực hiện kế hoạch bắt cóc trẻ sơ sinh để thế vào.
Tuy nhiên lời khai của Trâm đã có những mâu thuẫn. Cụ thể, theo thượng tá Thanh, thời điểm các trinh sát Công an quận 7 được lệnh tỏa đi khắp nơi điều tra thì được biết, sau khi chiếm đoạt cháu bé, Trâm mang đến một bệnh viện lớn ở TP.HCM để rao bán, nhưng sau đó sợ bị lộ nên bế cháu về huyện Bình Chánh thì bị bắt giữ.
Từ những chứng cứ không thể chối cãi được, cuối cùng Trâm mới cúi đầu nhận tội và thành khẩn khai báo hành vi “Chiếm đoạt trẻ em”. Cũng chính từ lời khai của Trâm đã hé lộ ra đường dây buôn bán trẻ sơ sinh được xem là lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Tóm gọn cả ổ buôn người
Đối mặt với cơ quan điều tra, Trâm khai nhận do đang trong cảnh thất nghiệp, cộng thêm người chồng đang nợ 10 triệu đồng không có khả năng chi trả, Trâm đồng ý tham gia và gây ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh táo tợn tại Bệnh viện quận 7. Qua đó, Trâm cho biết Phạm Tuấn Phương (SN 1962, quê tỉnh Đắc Nông) chính là người dụ dỗ Trâm tham gia vào đường dây mua bán trẻ em và hứa sẽ trả thù lao hậu hĩnh cho Trâm.
Từ lời khai của Trâm, công an quận 7 xác định, Phạm Tuấn Phương là mắt xích rất quan trọng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh. Các trinh sát đã đeo bám, tiếp cận đối tượng này. Trinh sát đã hóa trang, đóng giả vai có người nhà sắp sinh con và muốn bán để tiếp cận Phương.
Từ đó, trinh sát phát hiện Phương thường tiếp xúc với Trần Ngọc Quỳ (tự Phóng, 44 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và Ngô Thị Lan (tự Hồng, 44 tuổi, ngụ quận 1).
 - Những vụ mua bán trẻ em chấn động dư luận (Hình 4).
Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ  em.

Theo một nguồn tin mật báo cho biết, chiều 27/2, các đối tượng Quỳ, Lan sẽ thực hiện một vụ mua bán trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, quận 10. Các trinh sát của công an quận 7 phối hợp cùng trinh sát PC45 đã phục kích tại đây.

Lúc 17h00 chiều 27/2, hai đối tượng Võ Thị Kiều Trang (26 tuổi, quê Quảng Ngãi) và Võ Văn Viễn (44 tuổi, ở quận Gò Vấp) đang thực hiện giao dịch bán con của mình cho Lan và Quỳ thì bị các trinh sát ập vào bắt giữ.

Lần lượt 3 đối tượng khác là Tưởng Đình Thương (35 tuổi, tạm trú quận 10), Phạm Tuấn Phương (52 tuổi, tạm trú quận Tân Phú) và Trần Thiện Nhân (44 tuổi, sống lang thang ở quận 1) đều bị bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã mua bán trót lọt 20 trẻ sơ sinh trên địa bàn TP.HCM. Thủ đoạn của bọn chúng là, tiếp cận những cặp nam nữ sống thử có con ngoài ý muốn, hoặc những đôi vợ chồng không có điều kiện nuôi con để mua trẻ sơ sinh rồi bán lại cho Lan và Thương.

Còn Lan và Thương, sau khi tiếp nhận những trẻ sơ sinh từ Phương, Viễn, Nhân, Quỳ… sẽ bán lại cho những cặp vợ chồng hiếm muộn khắp các tỉnh để nhận số tiền lớn hơn gấp 2-3 lần. Thậm chí Lan và Thương còn giao các cháu bé cho Hằng để đối tượng này chuyển về tỉnh Quảng Ninh, cùng một số đối tượng khác mang sang Trung Quốc để bán.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-vu-mua-ban-tre-em-chan-dong-du-luan-a44819.html