Mê "chát chít", hàng loạt quý bà Việt bị nhóm "Tây đen" lừa tiền


Thứ 4, 30/07/2014 | 03:28


Lợi dụng "lòng tham" của các chị em nhẹ nhạ cả tin, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

(ĐSPL) - Nhẹ dạ tin tưởng "bạn Tây" chỉ quen qua mạng, nhiều phụ nữ Việt Nam đã mất hàng trăm triệu đồng cho nhóm đối tượng lừa đảo này.  
Cơ quan CS điều tra Công an TP Hà Nội cho biết đơn vị vừa hoàn tất điều tra, chuyển Viện kiểm sát tiến hành truy tố các đối tượng trong vụ án Nguyễn Minh Thi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào tháng 3/2013 Cơ quan CSĐT đã tiến hành khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Minh Thi (SN 1988, trú tại phường An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Ngày 29/4/2014 vừa qua Cơ quan công an cũng đã tiến hành khởi tố bị can đối với Oshanugor James Anyasi (SN 1980, quốc tịch Nigeria), "cạ cứng" của Thi trong vụ án.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ năm 2012 đến nay các đối tượng trên đã tiến hành lừa đảo trót lọt ít nhất 13 vụ, chiếm đoạt hàng trăm triệu của nhiều chị em phụ nữ từ Bắc vào Nam.
An ninh - Hình sự - Mê 'chát chít', hàng loạt quý bà Việt bị nhóm 'Tây đen' lừa tiền
Nhóm "Tây đen" đã lừa đảo hàng trăm triệu đồng của nhiều phụ nữ Việt nhẹ dạ. (ảnh minh họa)
Tháng 12/2012, Chị Nguyễn Thị Thúy V. (trú tại Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) nhận được một lời đề nghị của một người ngoại quốc tên Herry. Chị V và Herry trước đó đã quen biết nhau qua mạng Internet, nhiều lần chat với nhau. Herry đề nghị gửi hàng hóa gồm quần áo, laptop, điện thoại di động Iphone, trang sức… và tiền cho chị V. thông qua một công ty chuyển phát nhanh. Trị giá của kiện hàng là 50 ngàn bảng Anh.
Sau đó, có một nữ giới tự xưng là Mè Thị Hường, nhân viên chuyển phát nhanh của công ty Global Delivery gọi điện cho chị V yêu cầu thanh toán phí hải quan số tiền 12 triệu 300 ngàn đồng cho kiện hàng trên. Tin tưởng người bạn qua mạng, chị V. mau mắn chạy ra ngân hàng gửi luôn.
Hôm sau, Hường lại gọi cho chị V., bảo rằng vì kiện hàng gửi có cả tiền mặt nên chị V phải gửi thêm 2000 USD để làm thủ tục và “lót tay” cho nhân viên hải quan, hẹn 10 giờ sáng mai sẽ chuyển hàng.
Cho đến chiều hôm sau tiếp theo, Hường lại gọi cho chị V bảo rằng vì số tiền gửi quá nhiều nên hải quan yêu cầu phải nộp thuế 10\% tương ứng với số tiền là 8.000 USD thì mới lấy được hàng. Ngày 14/12/2012 chị V. đã chuyển cho Hường 40 triệu đồng. Ngày 15/12, chị V. gửi tiếp cho Hường 120 triệu đồng nữa. Sau đó chị V. gọi cho Hường nhiều lần yêu cầu Hường giao hàng nhưng không thể liên lạc được. Tổng số tiền chị V. chuyển cho Hường là hơn 172 triệu đồng.
Cũng là nạn nhân của các đối tượng trên, Chị Lương Thị M. (SN 1977 trú tại Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam) nhận được thư điện tử của một đối tượng tên Ryan Bommel (quốc tịch Hà Lan) để hỏi về thông tin du lịch tại Việt Nam. Ngày 13/1/2012, qua chat trên mạng Internet, Ryan thông báo đi công tác tại Đức, không muốn mang nhiều hành lý nên định gửi sang Việt Nam trước, đồng thời nhờ chị M. nhận.
Hai ngày sau, một cô gái xưng là Thi gọi cho chị M, xưng là hải quan Sân bay Nội Bài, thông báo có một kiện hàng gửi đến công ty của chị M. đề nghị chị làm thủ tục nhận. Chị M. đã cẩn thận lên mạng để chat với Ryan, hỏi về số bưu kiện trên. Ryan nhờ chị M nộp giúp 650 USD lệ phí, sau đó sẽ trả lại sau. Ngày 17/1/2013, chị M đã chuyển tiền vào tài khoản như nhân viên hải quan yêu cần. Ít giờ sau chị M nhận được thông báo chiều ngày 18 sẽ nhận được hành lý. Tuy nhiên, khi hành lý chưa đến nơi thì nhân viên hải quan đã lại gọi cho chị M, thông báo kiện hàng đã bị gửi ngược trở lại Hà Nội vì phát hiện có nhiều tiền mặt ở bên trong.
“Chat” với Ryan, chị M. được biết anh chàng người Hà Lan đã “để nhầm” ví tiền có 38 ngàn USD trong hành lý, và tiếp tục nhờ chị M nộp them 2500 USD để được thông quan. Tin tưởng, chị M đã gửi hơn 20 triệu đồng vào tài khoản mà Thi đã cung cấp cho chị. Ngày 22/1/2013, Thi lại tiếp tục gọi điện yêu cầu nộp thêm 1500 USD nữa, nhưng khi đó chị M thấy bị lừa nên không nộp tiếp nữa.
Tài liệu điều tra của cơ quan công an cho thấy quá trình đi du học ở Malaysia từ năm 2010, Thi có quen với các đối tượng quốc tịch Nigieria gồm Oryewhere Christian Karie (tên gọi khác là O.Christ, SN 1982), Oriame Orias Ehis (tên gọi khác là Lucker, SN 1980). Tháng 8/2012, khi Thi về Việt Nam, các đối tượng bàn bạc với Thi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các phụ nữ Việt Nam, dưới hình thức làm quen qua mạng Internet.
Để thực hiện hành vi lừa đảo này, sau khi làm quen, nói chuyện trên mạng Internet lấy được lòng tin của các bị hại, O.Christ và Lucker sẽ thông báo là sẽ gửi cho họ một kiện hàng gồm đồ trang sức, điện thoại, vàng, kim cương… có giá trị lớn. Đồng thời để bị hại tin tưởng bọn chúng cung cấp một đường dẫn (link) http://www.pgl...com vào một website chuyển phát nhanh giả mạo, có đầy đủ thông tin về người nhận hàng, loại hàng hóa cụ thể, thời gian và địa điểm hàng đến nơi…
Khi đến ngày nhận hàng O.Christ và Lucker sẽ gửi thông tin của bị hại cho Thi từ hộp thư điện tử của mình. Sau đó Thi sẽ sử dụng sim rác gọi điện cho bị hại và mạo danh là nhân viên Hải quan sân bay, thông báo là Hải quan đang giữ lại kiện hàng gửi từ nước ngoài về, yêu cầu người nhận phải đóng một khoản tiền từ 550 USD đến 15.000 USD để nộp tiền thuế và “lót tay” cho nhân viên hải quan thì họ mới được nhận hàng. Số tiền lừa đảo được Thi giữ lại 25\%, còn chuyển cho O.Christ và Lucker 75\%.
Tại cơ qua điều tra, Mè Thị Hường (trú tại Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) khai, năm 2009 Hường quen và yêu James Anyasi Oshanugor tại một tỉnh phía Nam. Tháng 5/2010, Hường và James chia tay, Hường quay lại Hà Nội làm nhân viên của một tiệm massage. Tuy vậy cả hai vẫn thỉnh thoảng liên lạc với nhau qua điện thoại. Tháng 11/2012, James gọi cho Hường và bảo thị mở tài khoản tại ngân hàng để nhận tiền cho James. Mỗi lần nhận và gửi tiền hộ James, Hường sẽ được hưởng 5\%.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-chat-chit-hang-loat-quy-ba-viet-bi-nhom-tay-den-lua-tien-a43577.html