Sự thật đau lòng về những bà mẹ bán con từ trứng nước


Thứ 5, 30/10/2014 | 00:16


(ĐSPL) - Nắm bắt nhu cầu có nhiều cặp vợ chồng cưới nhưng không có khả năng sinh con, muốn có một đứa trẻ để nuôi nên các bị can đã cấu kết mua bán trẻ em để lấy tiền tiêu xài. Họ nghĩ rằng, hành vi của mình là kín kẽ sẽ chẳng bao giờ bị phát hiện.

(ĐSPL) - Nắm bắt nhu cầu có nhiều cặp vợ chồng cưới nhưng không có khả năng sinh con, muốn có một đứa trẻ để nuôi nên các bị can đã cấu kết mua bán trẻ em để lấy tiền tiêu xài. Họ nghĩ rằng, hành vi của mình là kín kẽ sẽ chẳng bao giờ bị phát hiện.

Tuy nhiên, Công an TP.HCM đã kết hợp với công an nhiều quận, huyện triệt phá được đường dây mua bán trẻ sơ sinh này.

Bán con từ trứng nước

Ngày 27/10, VKSND TP.HCM cho biết, đã có quyết định truy tố, hoàn tất cáo trạng đối với đường dây mua bán trẻ em gây chấn động TP.HCM thời gian qua. Theo đó, Nguyễn Văn Viễn (44 tuổi, Quảng Ngãi) bị truy tố từ 3 đến 10 năm tù giam, Tưởng Đình Thương (35 tuổi, Hải Phòng), Ngô Thị Lan (44 tuổi, Bình Phước), Trần Ngọc Qùy (44 tuổi, TP.HCM) và Phạm Tuấn Phương (52 tuổi, Nam Định) cùng bị truy tố khung hình phạt cao nhất là chung thân. Cả năm bị can đều có hành vi mua bán trẻ em.

 - Sự thật đau lòng về những bà mẹ bán con từ trứng nước

Các bị can trong vụ án.

Trong vụ án này, một người phụ nữ ban đầu có ý định bán con, nhưng khi giao dịch nửa chừng thì không đồng ý và ba người phụ nữ khác chấp nhận cho con nhưng không biết các bị can là đối tượng chuyên mua bán trẻ em nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, công an đã tìm được bốn đứa trẻ là nạn nhân trong vụ án và các bé đã được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tại quận Gò Vấp để nuôi dưỡng, chờ xử lý.

Theo hồ sơ vụ án, từ khoảng tháng 10/2013, Viễn quen biết và chung sống với Võ Thị Kiều Tr.. Lúc này, Tr. đã có thai hơn bốn tháng và tâm sự với Viễn và lo sợ gia đình mình biết việc có con và không có đủ điều kiện để nuôi con. Viễn bảo Tr. sinh con ra rồi bán cho người khác lấy tiền tiêu xài. Tr. đồng ý. Viễn kể lại sự việc với bạn là Trần Thiện Nhân và được người này hứa tìm người nhận con nuôi khi Tr. sinh nở. Sau đó, Nhân giới thiệu Viễn và Tr. gặp Qùy nhờ giúp. Từ đó, Qùy thường xuyên đến chăm lo cho Tr..

Cuối tháng 2/2014, Tr. sinh được một bé gái nặng 3,1kg tại bệnh viện Từ Dũ. Viễn gọi điện thoại báo cho Qùy biết. Qùy gọi điện cho Lan chào bán đứa trẻ với giá 7 triệu đồng. Qùy đến bệnh viện Từ Dũ gặp Viễn trả giá 7 triệu đồng tiền mua bé gái do Tr. sinh ra. Viễn đồng ý, nhưng Qùy nói để đứa trẻ xuất viện sẽ thực hiện giao dịch.

Ngày 27/2/2014, Tr. xuất viện. Đến khoảng 14h cùng ngày, Qùy đến đường Nguyễn Thị Minh Khai gặp Viễn, Tr. cùng đứa trẻ. Sau đó, Qùy nói ba người đi taxi đến trước cổng bệnh viện Nhi Đồng 1. Khi Tr. đi vào nhà vệ sinh trong bệnh viện, Viễn ôm con của Tr. đứng đợi thì Lan đi xe mô tô đến. Qùy lấy phong bì bên trong có 7 triệu đồng từ tay Lan đưa cho Viễn. Lúc này, Tr. thay đổi ý định, không đồng ý bán con nên đi ra gặp Viễn để nói. Tuy nhiên, lời nói của Tr. đã muộn vì việc giao dịch đã hoàn tất. Qùy bế đứa trẻ cùng giấy tờ xuất viện lên xe để Lan chở đi thì bị công an bắt quả tang.

Những cuộc trao đổi đặc biệt

Quá trình điều tra vụ án, Lan, Qùy còn khai nhận, từ tháng 2/2014, đã cùng Thương, Phương thực hiện ba vụ mua bán trẻ em. Đầu năm 2014, Nguyễn Thị Ngọc Trâm (quận Phú Nhuận) có nhu cầu nhận con nuôi. Trâm lên mạng, vào trang web Mamsong..., biết Thương chuyên môi giới nhận con nuôi. Trâm lấy số điện thoại trên mạng để gọi cho Thương nhờ môi giới cho mình mua một đứa trẻ.

Ngày 15/2/2014, Lan, Phạm Tuấn Phương chạy xe ôm tại khu vực bến xe Từ Dũ gọi điện thoại báo cho Thương có sản phụ tên Lý Thủy N. vừa sinh một bé trai tại bệnh viện Từ Dũ cần cho con. Thương gọi điện thoại báo cho Trâm biết và báo giá 25 triệu đồng. Trâm đồng ý nên Thương cho Trâm số điện thoại của Phương để liên lạc xem mặt đứa trẻ.

Trâm nhờ Huỳnh Thị Thắm chở đến nơi hẹn. Phương điều khiển mô tô dẫn hai người đến một quán cà phê ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để gặp Lan, Qùy và đứa trẻ. Trâm xem mặt, thấy đứa trẻ khôi ngô nên đồng ý nhận nuôi và giao tiền.

Lúc này, Thương cho biết, nếu muốn làm giấy chứng sinh cho đứa trẻ thì liên hệ với một người tên Châu, rồi đọc số điện thoại của Châu. Chiều cùng ngày, Trâm gọi điện cho Châu và được hẹn tại đường Hai Bà Trưng. Khi gặp, Trâm đưa giấy chứng sinh của đứa trẻ cùng chứng minh nhân dân, hộ khẩu phô tô của mình để làm giấy chứng sinh mới cho bé, tên mẹ là Trâm với giá 10 triệu đồng.

Ngày 16/2/2014, Châu đến gần nhà gọi Trâm ra nhận giấy chứng sinh. Khi gặp, Châu nói có sản phụ tên Nguyễn Thị Tuyết T. cần cho một bé gái vì không có điều kiện nuôi, nếu Trâm nhận thì bồi dưỡng 23 triệu đồng. Không cần suy nghĩ, Trâm gật đầu đồng ý và rủ Thắm đến chỗ hẹn. Châu hẹn Trâm đến một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12). Châu rủ thêm Lan cùng đi.

Lúc gặp mặt, Châu gọi điện thoại cho T. bế đứa trẻ đến quán cà phê để Trâm và Thắm xem mặt đứa trẻ. Sau khi bồng đứa bé, Thắm đồng ý nhận đứa trẻ rồi tiếp tục hẹn Châu và Lan về ngã tư Phú Nhuận nhận tiền. Trong vụ này, Lan được 4 triệu đồng, T. được 9 triệu đồng gọi là bồi dưỡng và viện phí.

Sau đó, Trâm lại nhờ Châu làm lại giấy chứng sinh với giá cũ. Khi làm xong, Châu đến đưa giấy chứng sinh nhưng kiểm tra Trâm phát hiện giấy chứng sinh bị sửa nhiều nên yêu cầu làm lại. Châu yêu cầu Trâm đến nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc (quận 1) nhờ làm lại.

Đến ngày 19/2/2014, Phương biết có sản phụ Nguyễn Hạ Th. chuẩn bị sinh và có nhu cầu cho con. Phương liên lạc với Qùy và Lan. Lan gọi điện thoại cho Thương tìm người cần mua đứa trẻ và ra giá 18 triệu đồng. Thương gọi cho hai vợ chồng hiếm muộn ra giá bán đứa trẻ 35 triệu đồng. Sau khi nhận được thông tin, Lan thuê một người phụ nữ tên Hai vào bệnh viện chăm sóc cho Th. trong thời gian sinh.

Ngày 24/2/2014, Th. xuất viện ở bệnh viện Nhân dân Gia Định, giao con cho Lan và Qùy. Lan và Hai cùng đứa trẻ đón xe taxi đến huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh để giao đứa trẻ cho cặp vợ chồng này rồi nhận 30 triệu đồng. Còn 5 triệu đồng, cặp vợ chồng này hứa sẽ trả sau khi Thương làm thủ tục hồ sơ đứa trẻ và đưa lại giấy chứng sinh cho Lan. Về đến nơi, Lan chia cho Phương 2,5 triệu đồng, Qùy 1 triệu đồng, Th. 6 triệu đồng, Hai 2 triệu đồng và giữ lại 10 triệu đồng.

Tại Cơ quan điều tra, Thương còn khai, năm 2013, Nguyễn Văn Thành (quận 1) có giới thiệu mình môi giới cho nhận hai đứa trẻ khác làm con nuôi. Tuy nhiên, Thương không biết người cho và người nhận nuôi hai đứa trẻ đó tên gì, ở đâu. Riêng Thành khai, do chạy xe ôm trước cổng bệnh viện Từ Dũ nên khi có người hỏi thăm muốn cho con thì giới thiệu Thương chứ không hề biết họ tên người cho con. Thành hưởng lợi được 500 ngàn đồng từ hai lần giới thiệu.

Đề nghị xử phạt nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc

Cơ quan điều tra xác định, nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc có nhận làm hai giấy chứng sinh đề tên của Trâm với giá 2 triệu đồng/giấy. Tuy nhiên, phía nhà sanh cho rằng họ thực hiện với mực đích muốn giúp đứa trẻ sau này có lai lịch rõ ràng và không bị thiệt thòi so với những đứa trẻ khác chứ không có ý định gì. Hai giấy chứng sinh không thu hồi được nên không có đủ cơ sở để tiếp tục điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra đã có văn bản đề nghị ủy ban Nhân dân quận 1 xử phạt vi phạm hành chính của nhà bảo sanh Thiên Hồng Ngọc.

Video có thể bạn quan tâm: 

Phát hiện căn nhà trọ chứa nhiều trẻ em bị bắt cóc

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-dau-long-ve-nhung-ba-me-ban-con-tu-trung-nuoc-a66440.html