Khổ vì tung ảnh “tự sướng” lên mạng


Thứ 5, 05/02/2015 | 13:00


(ĐSPL) - Thời gian gần đây, báo chí đăng tải nhiều vụ liên quan đến các hot girl đưa ảnh “tự sướng” khoe thân thể của mình lên facebook cá nhân cho mọi người chiêm ngưỡng

(ĐSPL) - Thời gian gần đây, báo chí đăng tải nhiều vụ liên quan đến các hot girl đưa ảnh “tự sướng” khoe thân thể của mình lên facebook cá nhân cho mọi người chiêm ngưỡng.

Một ngày đẹp trời, các cô gái trẻ giật mình, không hiểu vì sao những hình ảnh ăn mặc mát mẻ khoe đường cong tuyệt vời của tạo hóa, của tuổi xuân hiện lên trong một trang web đồi trụy. Nhìn vào đó, bạn bè, người thân có thể hiểu, người trong ảnh đang có điều mờ ám liên quan đến hoạt động mại dâm hay phóng túng của một bộ phận thanh niên trẻ có lối sống lệch lạc về tình dục.

Ảnh chỉ có giá trị minh họa.

Câu chuyện của nữ sinh viên tên Tú, đang học tại một trường đại học danh tiếng là một ví dụ điển hình. Vốn là cô gái trẻ học năm thứ hai, được trời phú cho một thân hình cao ráo, đầy đặn với ba vòng khá chuẩn. Tuy là con nhà lành, nhưng gia đình có điều kiện, Tú ăn mặc sành điệu, trang điểm sexy như nhiều hot girl khác. Ngặt nỗi, cô sinh viên 19 tuổi này có thói quen chụp ảnh “tự sướng”, khoe “hàng”, rồi post hết lên facebook cá nhân.

Thời gian gần đây, không hiểu kẻ xấu nào đó đã lấy ảnh “tự sướng” tươi mát của Tú, đưa vào một web sex. Với lời giới thiệu ở đó, người xem có thể hiểu Tú là cô gái quảng cáo cho một bộ phim sex. Thậm chí, một số bức ảnh “tự sướng” của cô còn bị cắt dán để thân thể hở hang thêm, khiến những bộ phận nhạy cảm của cô phơi bày một cách dung tục, khó chấp nhận ở một nữ sinh viên 19 tuổi.

Thậm chí, có người nghĩ Tú đóng phim sex trên trang web đó. Giờ đây, cô sinh viên 19 tuổi rất lo sợ bố mẹ, nhà trường và bạn bè hiểu lầm cô. Qua sự cố gây chấn động tâm lý này, thói quen đưa hình ảnh nhạy cảm lên facebook của Tú đã tiêu tan, giờ cô đã hiểu rõ mặt trái của mạng xã hội facebook. Song, cô vẫn mong cơ quan pháp luật tìm ra kẻ đã làm hại cô và trừng trị thích đáng theo đúng quy định pháp luật.

Công nghệ thông tin phát triển, đem lại nhiều tiện ích cho mọi người, nhất là giới trẻ. Cùng với lợi ích mà nó đem lại, kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường. Cư dân mạng từng chấn động khi xem những clip quan hệ nam nữ được kẻ xấu tung lên mạng internet và các trang web đen.

Khỏi phải nói, cuộc sống của cô gái trong clip sẽ bị xáo trộn thế nào khi bị dư luận lên án, mổ xẻ, bình phẩm. Khi tự quay cảnh ái ân để làm kỷ niệm, những người trong cuộc cũng không thể ngờ rằng sẽ có ngày bị kẻ xấu lấy trộm và phát tán lên mạng cho mọi người xem.

Liên tiếp những vụ xì-căng-đan về clip sex bị tung lên mạng một cách trái pháp luật qua đi, thì nay lại có một loại xì-căng-đan mới là tung ảnh nóng, ảnh “tự sướng” của các hot girl lên trang web đen. Chúng ta rất khó đánh giá mức độ thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của các cô gái bị xâm hại về hình ảnh nhiều hơn các cô gái là “diễn viên” trong clip sex.

Chỉ biết rằng, họ đã rất sơ sẩy trong cuộc sống thường nhật, để kẻ gian lợi dụng hình ảnh riêng tư cá nhân, ra đòn hãm hại. Có hot girl bị đưa ảnh nóng lên web đen, theo ý đồ xấu của người post ảnh lên mạng đã mắc bệnh trầm cảm trong một thời gian dài, không dám giao tiếp với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của những cô gái này bị xáo trộn theo hướng tiêu cực, chuyện học hành theo đó bị giảm sút trầm trọng.

Nguồn gốc sâu xa cũng bắt nguồn từ thói quen post hình ảnh lên mạng facebook cá nhân. Ngặt nỗi, khổ chủ muốn khắc phục hậu quả càng nhanh càng tốt (gỡ hình ảnh xuống) là điều không hề đơn giản chút nào. Bởi vì hầu hết các trang web đen đều có sever ở nước ngoài, muốn gỡ hình ảnh gặp rất nhiều khó khăn, nếu như muốn nói là không thể đối với từng cá nhân. Muốn khắc phục hậu quả, bị hại phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan hữu quan khác.

Báo Đời Sống và Pháp luật xin giới thiệu bài viết của tác giả Thiên Long nêu quan điểm, nạn nhân có quyền khởi kiện ra TAND.

Bị hại có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại

Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Trong điều luật này, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Áp dụng vào vụ việc của cô sinh viên tên Tú nói trên, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rồi đây hành tung của kẻ vô đạo đưa ảnh “tự sướng” lên trang web sex sẽ bị đưa ra ánh sáng.

Đến lúc đó, bị hại hoàn toàn có quyền làm đơn khởi kiện dân sự kẻ xâm phạm đời tư ra TAND nơi hắn sinh sống, yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín và những thiệt hại khác do hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư gây ra.

Theo Điều 611 Bộ luật Dân sự, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm hại bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Thực tế cho thấy, có nhiều sinh viên khi đang ngồi trên ghế nhà trường vẫn kiếm việc làm thêm. Giả sử cô sinh viên Tú chứng minh được mình đang làm gia sư dạy học, vì chuyện kẻ xấu post ảnh mát mẻ của cô lên web đen đã làm cô mất việc dạy học hoặc ảnh hưởng đến việc dạy học, thì trong trường hợp này vẫn được tính bồi thường thu nhập bị mất đó.

Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại có thể được hiểu là tiền thuốc thang, tiền chữa bệnh (trầm cảm) do hình ảnh cá nhân bị xâm phạm gây nên, tiền nhờ cơ quan chức năng, pháp nhân xóa những hình ảnh nhạy cảm trên mạng internet hoặc giải thích cho mọi người hiểu rõ sự thật khách quan của sự vụ...

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định rõ trong Điều 604 Bộ luật Dân sự: Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

Vì vậy, trong vụ việc trên, kẻ xâm phạm quyền bí mật đời tư (xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín) của nữ sinh này sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định người vi phạm (bị đơn) phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Mức lương tối thiểu hiện tại là 1.150.000 đồng, tính ra mức bồi thường không quá 11.500.000 đồng.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận hình thức bồi thường bằng tiền mặt, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kho-vi-tung-anh-tu-suong-len-mang-a82446.html