Không thể kiện hành chính Bảo hiểm Xã hội?


Thứ 4, 09/04/2014 | 05:42


(ĐSPL) - Tòa trả đơn của người lao động kiện hành chính quyết định của công ty BHXH, vì cho rằng đơn vị này không phải cơ quan hành chính sự nghiệp. Trong khi đó trước kia tòa vẫn xử các vụ kiện hành chính quyết định của BHXH tương tự.

(ĐSPL) - Tòa trả đơn của người lao động kiện hành chính quyết định của công ty BHXH, vì cho rằng đơn vị này không phải cơ quan hành chính sự nghiệp. Trong khi đó trước kia tòa vẫn xử các vụ kiện hành chính quyết định của BHXH tương tự.
Ngày 03/3, TAND tỉnh Đăk Lăk đã trả đơn khởi kiện của ông Thân Văn Hạnh. Ông Hạnh khởi kiện hành chính quyết định số 196 ngày 08/02/2014 của giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đăk Lăk. Đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp này, bởi trước đó các vụ kiện hành chính đối với các quyết định của BHXH đều được các tòa chấp nhận, thụ lý và xét xử.
 - Không thể kiện hành chính Bảo hiểm Xã hội?
Luật Tố tụng hành chính quy định: Ngoài cơ quan Nhà nước, thì các cơ quan, đơn vị khác ban hành quyết định về một việc cụ thể cũng được xem là quyết định hành chính.

Bỗng dưng mất đứt 10 năm đóng bảo hiểm
Theo đơn khởi kiện của ông Thân Văn Hạnh (thường trú số 188 Chu Văn An, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đưk Lăk), từ tháng 10/1984 ông đã làm việc (trong biên chế) tại Đội Vệ sinh dịch tễ huyện Krông Bông. Đến tháng 3/1995 ông chuyển công tác đến làm việc tại Công ty Vật tư tổng hợp tỉnh Đăk Lăk. Thời điểm năm 1995 cả nước thực hiện việc làm sổ bảo hiểm, Công ty Vật tư tổng hợp Đăk Lăk lập sổ BHXH cho ông Hạnh, ghi thời điểm đóng bảo hiểm từ tháng 3/1995 trở về sau.

Mới đây ông Hạnh phát hiện thời gian làm việc từ tháng 2/1993 trở về trước của ông không được ghi vào sổ BHXH để tính thời gian đóng BHXH, nên ông làm đơn đề nghị BHXH Đăk Lăk bổ sung.
Tại quyết định số 196 ngày 08/02/2014, Giám đốc BHXH tỉnh Đăk Lăk kết luận rằng đến tháng 4/1995 ông Hạnh nộp đơn xin nghỉ việc tại TTYT huyện rồi nghỉ luôn, và “chưa nhận quyết định cho thôi việc và chưa nhận trợ cấp thôi việc”. Từ đó, BHXH tỉnh Đăk Lăk cho rằng, 10 năm công tác từ 1984 đến 1994 của ông Hạnh không được tính hưởng BHXH.
Ông Hạnh cho rằng, ông không có thời gian nghỉ việc đứt quãng như kết luận của Giám đốc BHXH Đăk Lăk. Và ông khởi kiện quyết định 196 ra tòa hành chính TAND tỉnh này.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Đăk Lăk đã không thụ lý đơn kiện. Lý do tòa đưa ra là “BHXH các cấp là tổ chức sự nghiệp, không phải là cơ quan hành chính Nhà nước, nên các quyết định, hành vi của tổ chức BHXH không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”.
Chỉ vì một bản tham luận?
Trước đây là các vụ án người lao động kiện BHXH đều được tòa án thụ lý và xét xử, nhưng lần này lại trả đơn của ông. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Chuông, ngụ phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột khởi kiện quyết định hành chính Cty BHXH Đăk Lăk về việc không cộng dồn thời gian đóng BHXH từ tháng 12/1975 đến 12/1992 và thời gian từ 1998 đến  2013. Tại bản án HCPT số 38 ngày 28/8/2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Chuông. Hủy quyết định số 1923 ngày 12/7/2012 của BHXH tỉnh Đăk Lăk về việc giải quyết khiếu nại của bà Chuông. Thời gian công tác của bà Nguyễn Thị Chuông từ tháng 12/1975 đến tháng 12/1992 được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.
Kể cả các địa phương khác, TAND các tỉnh cũng đã từng thụ lý đơn khởi kiện hành chính đối với các quyết định của BHXH”. Ngày 24/02/2009, bà Ngô Thị Hà khởi kiện quyết định hành chính Công ty Bảo hiểm xã hội (BHXH) Khánh Hòa lên TAND tỉnh Khánh Hòa, về việc BHXH  Khánh Hòa không cộng dồn thời gian  của 2 giai đoạn đóng BHXH của bà. Ở tòa sơ thẩm bà bị bác đơn. Còn tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hà.
Như vậy, việc TAND tỉnh Đăk Lăk không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hạnh là do đâu?

Quyết định hành chínhlà văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể (Điều 3 Luật Tố tụng hành chính).                                                                                 
Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án Việt Nam, Tòa Hành chính TAND tối cao đã có bài Tham luận cho rằng: “Quyết định của cơ quan BHXH các cấp có phải là “quyết định hành chính” thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?”.
Theo đó, tham luận viện dẫn điều 131 luật BHXH để cho rằng: “BHXH các cấp là Tổ chức sự nghiệp, không phải là cơ quan hành chính Nhà nước. Khi các tổ chức này có các quyết định, hành vi về một vấn đề cụ thể để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình thì các quyết định, hành vi này không phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính. Do vậy, các quyết định, hành vi của Tổ chức BHXH không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”.
Không rõ có phải do ảnh hưởng từ tham luận nói trên của Tòa Hành chính TAND Tối cao hay không, nhưng theo chúng tôi, tham luận nói trên chỉ là ý kiến cá nhân, không phải là hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên không có căn cứ áp dụng. Hơn nữa, bản tham luận này dường như đã hiểu sai các quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành”.
Như vậy, quyết định hành chính thuộc đối tượng bị kiện theo thủ tục hành chính không chỉ là các quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước. Nó còn bao gồm cả quyết định hành chính của các cơ quan, tổ chức khác, nếu quyết định đó hội đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 02 ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Hiện nay, việc khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc lĩnh vực BHXH, nhất là cách tính thời gian đóng BHXH để tính chế độ nghỉ hưu đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Nếu tòa án không thụ lý thì người dân phải làm đơn khiếu nại, mà như vậy thì sẽ càng nhiêu khê, mất thời gian công sức của nhiều người. Vì vậy, nên chăng TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn cho tòa án địa phương để công tác thụ lý giải quyết án hành chính bảo đảm sự nhất quán.
                                                                                   Luật sư PHAN NGỌC NHÀN 
Nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ tỉnh Đăk Lăk

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-the-kien-hanh-chinh-bao-hiem-xa-hoi-a28232.html