Thủ tục để truất quyền thừa kế của một người?


Chủ nhật, 27/09/2015 | 23:00


(ĐSPL) - Quyền “truất” quyền thừa kế người khác của người lập di chúc được pháp luật bảo vệ nhưng chỉ có hiện lực khi việc định đoạt thỏa mãn các điều kiện của pháp luật.

(ĐSPL) - Quyền “truất” quyền thừa kế người khác của người lập di chúc được pháp luật bảo vệ nhưng chỉ có hiện lực khi việc định đoạt thỏa mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp.

Pháp luật luôn tôn trọng quyền quyết định của người lập di chúc, cho phép họ chỉ định người khác không phụ thuộc vào các mối quan hệ đối với người lập di chúc hoặc có thể lập di chúc cho cơ quan, tổ chức hưởng di sản. Ngoài ra quyền định đoạt của người lập di chúc còn được thể hiện thông qua việc truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật (như: cha, mẹ vợ, chồng, con anh, chị, em ruột,…) mà không bắt buộc phải nêu lí do. Người để lại di chúc có quyền truất quyền thừa kế của bất cứ người thừa kế nào mà không cần phải thông qua một thủ tục pháp lý tại bất kỳ cơ quan nào.Việc truất quyền thừa kế có thể ghi rõ trong di chúc là truất quyền thừa kế hoặc không cho hưởng di sản.

Cần phân biệt người bị truất quyền thừa kế và người thừa kế không được chỉ định trong di chúc. Khi bị truất quyền thừa kế, thì người thừa kế không còn quyền hưởng di sản theo di chúc và theo pháp luật, nghĩa là không được hưởng di sản của người để lại thừa kế. Trường hợp do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan mà người lập di chúc chỉ định người khác hưởng di sản, thì người thừa kế theo pháp luật là người không được chỉ định trong di chúc. Nếu di chúc không có hiệu lực hoặc vô hiệu thì người thừa kế theo pháp luật sẽ được hưởng di sản đó.

Trong một số trường hợp, pháp luật quy định quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, các đối tượng được thừa kế tài sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Đó là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên không có khả năng lao động. Quy định này của pháp luật là nhằm bảo vệ quyền lợi của những người có quan hệ gần gũi, huyết thống với người để lại di sản, dù bị truất quyền họ vẫn đáng được hưởng một phần di sản do người chết để lại.

Thủ tục để truất quyền thừa kế của một người?

Cở sở pháp lý

Điều 648 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. 

Điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2005:

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Theo đó, để đảm bảo chắc chắn nhất di chúc được coi là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật, thủ tục lập di chúc bằng văn bản tại Cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự:

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;

 2. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Ngoài ra có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc theo thủ tục như trên (Điều 661 Bộ luật dân sự).

Luật gia Đồng Xuân Thuận

[mecloud]HTMlMo7ER5[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuc-de-truat-quyen-thua-ke-cua-mot-nguoi-a112449.html