Vì đất nhẹ tình thân


Thứ 2, 30/01/2017 | 00:12


(ĐSPL) - Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai càng có giá trị lớn thì mâu thuẫn giữa các quyền và nghĩa vụ nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các tranh chấp.

(ĐSPL) - Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai càng có giá trị lớn thì mâu thuẫn giữa các quyền và nghĩa vụ nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các tranh chấp. Đặc biệt là tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình gây mất đoàn kết, thậm chí lôi nhau ra tòa làm đảo lộn các giá trị truyền thống... Luật sư Huỳnh Mỹ Long đã chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người suy ngẫm.

Khoảng tháng 12/2011, luật sư Huỳnh Mỹ Long có buổi tư vấn pháp luật cho ông P.V.H tại nhà riêng ông H ở làng C.A, xã H.V.T, huyện C.M thành phố Hà Nội thì có bà D.T.H đến để nhờ tư vấn pháp luật. Bà H. biết luật sư đang cùng ông H. trong vụ việc tố cáo quan chức địa phương vi phạm quy định về quản lý đất đai nên lặn lội từ quê lên. Bà H. quê ở thôn T.D, xã H.D, huyện T.O thành phố Hà Nội.

Với vẻ mặt đau khổ, bà H. chấm nước mắt rồi nói: “Luật sư ạ, tôi không ngờ con gái tôi vì 200 mét đất mà kiện tôi. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng làng xóm bây giờ đều bàn tán xôn xao vì từ xưa đến nay, ở vùng quê tôi chưa bao giờ có chuyện như thế”.

Luật sư cầm chén nước trà nóng đưa đến tay bà H. rồi nhẹ nhàng: “Bác cứ bình tĩnh trình bày về vụ việc, để tìm cách giải quyết có tình, có lý”.

Bà H. chậm rãi trình bày nhưng lộn xộn và khó hiểu hết được diễn biến của sự việc. Với cách gợi hỏi và để bà H. trả lời ngắn gọn thì vụ việc dần dần được rõ nét:

Bố mẹ nuôi của ông P.V.C là cụ N.H.Đ và cụ Đ.T.L nhận nuôi ông C. từ năm 1950, khi đó ông C. mới 03 tuổi vì bố mẹ đẻ của ông C. là cụ P.V.T và cụ D.T.T đều đã chết. Khi chết đã để lại cho ông C. tài sản là đất ở, tuy vậy do ông C. còn nhỏ, ở tại nhà bố mẹ nuôi nên đất bỏ hoang không ai trông nom sử dụng.

Năm 1966 bà H. kết hôn với ông P.V. C rồi theo chồng về sinh sống tại nhà của bố mẹ nuôi của ông C.: Tại thôn T.D, xã H.D, huyện T.O, tỉnh H.S.B.

Luật sư Huỳnh Mỹ Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Năm 1967, ông C. nhập ngũ. Đến năm 1968 bà H. sinh cháu P.T.Y là con chung của bà H. và ông C. Năm 1969 ông C. hy sinh.

Khoảng cuối năm 1969, đầu năm 1970, bà H. xin cụ N.H.Đ đưa con về đất của ông C. cũng tại thôn T.D, xã H.D, huyện T.O, tỉnh H.S.B (nay là H.N), lúc đó là đất vườn bỏ hoang (không có ai quản lý và sử dụng suốt 20 năm) để dựng nhà ở và nuôi con. Bà H. biết mảnh vườn này trước kia cụ P.V.T và cụ D.T.T là bố mẹ đẻ của ông P.V.C chết đi và để lại cho ông C. thừa kế.

Năm 1971 bà H. kết hôn với ông P.V.V. Suốt thời gian chung sống, từ năm 1971 đến 1987, bà H. và ông Việt có sinh được 5 người con chung, P.T.Y cũng ở tại mảnh đất này cùng mẹ đẻ và bố dượng đến năm 1986.

Từ năm 1970 bà H. (sau này cùng ông V. và các con) cư trú, tôn tạo, cải tạo bồi đắp, nộp thuế hàng năm, dựng nhà gỗ trên mảnh đất mà nay được gọi là thửa 258 tờ bản đồ số 3 có diện tích 206 m2.

Năm 1986 P.T.Y kết hôn, ở riêng và cắt chuyển hộ khẩu về gia đình chồng. Nơi ở của Y. liền kề với đất của mẹ đẻ.

Năm 1995 bà H., bà H. kê khai vào sổ mục kê theo đúng thủ tục và đúng là đối tượng đang sử dụng mảnh đất này.

Năm 1999 bà H. có làm thủ tục kê khai nhà, đất ở theo đúng quy định của pháp luật đối với thửa đất 258 tờ bản đồ số 3.

Đến năm 2001, bà H. cùng với các hộ dân ở địa phương được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt đối với các diện tích đất đang sử dụng ổn định theo đúng quy định của nhà nước. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đã được thông báo công khai và trong suốt thời gian làm thủ tục không có bất kỳ ai tranh chấp hay khiếu nại đối với việc Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà H..

Tháng 7 năm 2011, bà H. xây dựng nhà mới trên trên đất ở đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì P.T.Y không đồng ý và ngăn cản với lý do: “P.T.Y là con đẻ của ông C. nên có quyền đòi lại mảnh đất có nguồn gốc là của dòng họ P., bà H. đã tái giá, lấy chồng khác nên không có quyền sở hữu mảnh đất này nữa và bà H. phải. trả lại mảnh đất đó cho Y.”. Bà H. không đồng ý vì nhà mới xây nằm chính giữa mảnh đất con đang đòi chia nhưng bà đồng ý chia 1/3 và nếu con đòi cả mảnh đất thì nhà đã xây rồi, không lẽ lại đập bỏ nhà mới xây xong?.

Không đồng ý nên đến tháng 11 năm 2011, P.T.Y đã làm đơn khởi kiện cho rằng phần đất bà H. đang sử dụng là di sản thừa kế của ông P.V.C. nên yêu cầu chia “phần tài sản chung chưa chia là mảnh đất” hiện nay mang tên bà H. là thửa đất 258 tờ bản đồ số 3 có diện tích 206 m2 tại thôn H.D, xã T.D, huyện T.O, thành phố Hà Nội.

Nội dung do bà H. trình bày được luật sư ghi chép tỷ mỷ, qua đó luật sư tư vấn cho bà về quan hệ pháp luật trong tranh chấp. Đồng thời luật sư đánh giá việc Y. đòi lại toàn bộ mảnh đất đó là không có sơ sở nên bà H. yên tâm vì trước đó có cán bộ xã đã nói với bà: Nếu Y. đòi được đất là có quyền đập bỏ ngôi nhà bà đã xây “trái phép” trên đất của người khác!

Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bảo vệ cho nguyên đơn (P.T.Y) đã xuất trình tài liệu “trích lục sổ mục kê” thể hiện: P.T.Y đã đăng ký chủ sử dụng trong sổ mục kê từ năm 1978.  Đồng thời P.T.Y đã khai trước Hội đồng xét xử là ông chú là N.H.Đ đã thay mặt họ P. đứng ra đăng ký kê khai cho cháu Y. để giữ đất.

Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn đã đưa ra quan điểm: Đất tranh chấp là đất đai của dòng họ P. đã cử đại diện đăng ký đất đai cho Y. từ năm 1978. Từ năm 1978 đến năm 1995 bà H. cũng đăng ký kê khai mà không có giao dịch chuyển nhượng nào cho bà H. nên việc bà H. đăng ký năm 1995 là không có giá trị pháp luật và sổ đỏ phải bị hủy. Đồng thời, nếu coi đất đang tranh chấp là tài sản của ông C. thì không coi là tài sản chung vợ chồng vì chưa có văn bản nào thể hiện ông C. đồng ý góp tài sản riêng thành tài sản chung. Cho nên nguyên đơn là người thừa kế toàn bộ đất đai của ông C. và đã đăng ký trong sổ mục kê thì yêu cầu của nguyên đơn đòi toàn bộ thửa đất tranh chấp là có căn cứ.

Luật sư Huỳnh Mỹ Long bảo vệ cho bà H. là bị đơn có quan điểm và đối đáp tranh luận: Theo quy định pháp luật về đất đai năm 1953 thì đất đang tranh chấp thuộc sở hữu của ông C. do ông C là thừa kế duy nhất được hưởng. Theo Luật hôn nhân gia đình năm 1959 thì không phân biệt tài sản riêng của vợ chồng sau khi kết hôn nên đất tranh chấp là tài sản chung vợ chồng. Năm 1969, khi ông C. nhập ngũ rồi hy sinh, Sắc lệnh số 57 năm 1950 quy định về sở hữu tài sản nên Y. còn nhỏ, chưa thành niên, không được chia di sản khi di sản đó được bà H. là mẹ đẻ của Y. đang quản lý sử dụng. Ngoài ra, việc ông Đ. thay mặt bà H. kê khai đăng ký đất đai cho Y. là không đúng pháp luật vì bà H. là mẹ đẻ, là người giám hộ cho Y. lúc đó còn nhỏ tuổi, bà H. không ủy quyền cho ông Đ. thực hiện thủ tục hành chính đó. Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu của nguyên đơn.

Hội đồng xét xử đã lắng nghe quan điểm, tranh luận của các luật sư và tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên bản án sau 5 ngày kể từ ngày xét xử.

Bản án được tuyên “bác yêu cầu của nguyên đơn”, bà H. khóc. Trong lòng vừa vui vừa buồn. Lòng mẹ là như thế, buồn khi con chẳng muốn nói về tình, chỉ muốn việc giữa hai mẹ con phải được giải quyết tại “công đường”.

Luật sư chia sẻ với bà H: Bác à, vụ việc được giải quyết đúng quy định pháp luật, nhưng cái lý là thế, còn cái tình… Trước bác vẫn có ý định chia cho con gái lớn thì… Bà H. cũng bộc bạch: Tôi vẫn có ý đó, nhưng tôi cũng muốn xin ý kiến của các cụ cao niên hai họ xem giải quyết thế nào cho phải lẽ, luật sư à. Tôi vô cùng cảm ơn luật sư đã không quản đường xá xa xôi, giúp tôi là diện gia đình chính sách, thờ cúng liệt sỹ mà không tính thù lao. Tôi già rồi mà chẳng dạy dỗ được con cái nhưng giận nó đến đâu thì giận, nó mãi mãi vẫn là con tôi.

Luật sư Huỳnh Mỹ Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-dat-nhe-tinh-than-a179010.html