Từ vụ bé trai 2 tuổi mất tích ở Bắc Ninh, luật sư nói gì về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi?


Thứ 2, 31/08/2020 | 00:17


Cùng sự kiện

Luật sư Nguyễn Quang Bá cho biết, tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là một tội danh mới được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Nguyễn Quang Bá cho biết, tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là một tội danh mới được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự 2015 có khung hình phạt cao nhất từ 10 đến 15 năm tù.

Mới đây, vụ án bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị người phụ nữ bắt cóc, đưa lên tân Tuyên Quang gây xôn xao dư luận cả nước.

Trong diễn biến mới nhất về vụ việc, ngày 25/8, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp với nghi phạm là Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê quán TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Theo đó, Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là tội danh mới được quy định trong Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Vũ Quang Bá – Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội có bình luận về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi như sau: Theo quy định Luật trẻ em, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Hành vi chiếm đoạt trẻ em được xem là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi không phải là một tội danh mới.

Trước đó, đã được ghi nhận tại Điều 149 Bộ luật hình sự năm 1985 dưới tội danh bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em. Sau đó, Bộ Luật hình sự năm 1999 có sửa đổi, bổ sung thay thế thuật ngữ “bắt trộm” thành “chiếm đoạt” và ghi nhận tại Điều 120 dưới tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.

Bộ luật hình sự 2015 ra đời tiếp tục kế thừa và có những sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015 đã tách tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thành 3 tội danh riêng biệt. Trong đó, tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 153.

Tình huống pháp luật - Từ vụ bé trai 2 tuổi mất tích ở Bắc Ninh, luật sư nói gì về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi?

Luật sư Vũ Quang Bá – Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội. Ảnh: NVCC

Về định nghĩa hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có thể được hiểu là việc người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực như: dùng dao, kiếm, gậy…để đâm, chém hoặc đe dọa sẽ đâm, chém người đang chăm sóc, nuôi dưỡng, trông coi trẻ em hoặc thủ đoạn khác như: bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em…nhằm mục đích chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi.

Vụ án chiếm đoạt bé trai 2 tuổi gần đây tại TP.Bắc Ninh là một điển hình, khi đối tượng lợi dụng sự sơ hở, thiếu cảnh giác của bố cháu bé khi trông con nên đã bắt trộm cháu bé mang đi. Qua quá trình điều tra ban đầu, do đối tượng có mục đích mang cháu bé đi để về nuôi dưỡng nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi với mục đích khác thì có thể bị tuy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh khác như: nếu có mục đích bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự;

Trường hợp có mục đích giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác từ người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự.

Hiện nay, theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015 với tội danh chiếm đoạt người dưới 16 tuổi khung hình phạt thấp nhất đối là phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Đối với người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội khi đang công tác hoặc làm công việc liên quan đến trẻ em như giáo viên, hoặc làm tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến trẻ em…thì có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Thủy Tiên

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-be-trai-2-tuoi-mat-tich-o-bac-ninh-luat-su-noi-gi-ve-toi-chiem-doat-nguoi-duoi-16-tuoi-a336985.html