Trăn trở của nữ luật sư sau bản án bé gái bị “yêu râu xanh” xâm hại


Chủ nhật, 26/04/2020 | 12:14


Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh luôn tâm niệm một điều, dù tham gia vào bất kỳ vụ án nào, luật sư cũng phải đặt hết tâm trí vào công việc.

Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh luôn tâm niệm một điều, dù tham gia vào bất kỳ vụ án nào, luật sư cũng phải đặt hết tâm trí vào công việc. Và quan trọng hơn hết thảy khi làm nghề này là phải có chữ “tâm”.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Trọng Trình.

“Luật sư chỉ định, áp lực càng lớn”

Nữ luật sư Đặng Thị Vân Thịnh, văn phòng Luật sư Kết nối (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) là người hiền hòa, dễ gần, song cũng rất mạnh mẽ, quyết liệt trong việc đấu tranh, bảo vệ công lý tới cùng.

Chị cười hiền chia sẻ, cơ duyên đưa chị đến với nghề “thầy cãi” cũng hết sức giản dị, trong trẻo như bao cô, cậu sinh viên khác. Không biết từ bao giờ, hình ảnh những người luật sư mà chị bắt gặp trên phim ảnh lại khiến chị đam mê và ngưỡng mộ đến vậy. Thứ mà họ hướng tới đó là hai từ “công lý”.

Luật sư Vân Thịnh cho biết, ngoài hành nghề với tư cách là luật sư được mời, chị cũng tham gia với tư cách là luật sư chỉ định. Theo chị, hai hình thức này không có gì khác nhau, kỹ năng hành nghề đều như nhau. Có khác là án chỉ định thì bị can, bị cáo phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất, án tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình nên luật sư càng cần phải tự tạo cho mình áp lực lớn hơn để làm sao tìm ra căn cứ xác đáng, thuyết phục giúp thân chủ có cơ hội tiếp tục được sống. Tham gia những vụ án với mức hình phạt nhẹ thì bản thân chị cũng đỡ áp lực hơn.

Luật sư Vân Thịnh cho rằng, đối với một người luật sư, ngoài có chuyên môn, kỹ năng tốt thì điều quan trọng nhất phải là có “tâm” dù bất cứ tham gia bào chữa dưới bất kỳ hình thức nào.

“Có những bị cáo khi đi thi hành án về, người đầu tiên họ gọi đó là luật sư. Họ gọi chỉ để nói lời cảm ơn, thông báo họ đã trả án xong và trở về làm lại cuộc đời”, luật sư Thịnh tâm sự.

Nhìn đôi mắt nữ luật sư ánh lên niềm tự hào, tôi hiểu đây chính là niềm hạnh phúc, là động lực lớn lao nhất để giúp chị vững bước trên con đường mà mình đã lựa chọn.

Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh – Văn phòng luật sư Kết Nối (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Hô biến văn phòng luật sư thành... nhà trẻ

Là một người mẹ, chị thấu hiểu hơn ai hết sự thiệt thòi, đau đớn của những cháu bé bị xâm hại tình dục cũng như nỗi đau của những bậc làm cha, làm mẹ. Chính vì lẽ đó, chị luôn đấu tranh tới cùng, bằng trọng trách, lương tâm nghề nghiệp, chị đã đưa nhiều tên “yêu râu xanh” ra trừng trị trước pháp luật.

Vụ án cháu bé 9 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị đối tượng Nguyễn Trọng Trình (SN 1988, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xâm hại khiến luật sư Vân Thịnh vô cùng trăn trở. Chị là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé gái.

Ban đầu, cơ quan tố tụng huyện Chương Mỹ chỉ khởi tố Trình về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi. Song, cho rằng tội danh này không thỏa đáng với hành vi bỉ ổi mà đối tượng gây ra cho cháu bé, luật sư Vân Thịnh cùng các đồng nghiệp đã kiên quyết đấu tranh với các cơ quan pháp luật nhằm buộc xử lý đúng người, đúng tội với loại tội phạm nguy hiểm này.

Kết quả, VKSND TP.Hà Nội đã phê chuẩn quyết định chuyển tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi do Công an huyện Chương Mỹ khởi tố, sang tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi đối với bị can Nguyễn Trọng Trình. Trải qua hai cấp tòa sơ và phúc thẩm, bị cáo Trình đã phải nhận mức án chung thân.

Luật sư Thịnh nhớ lại, quá trình lấy lời khai của cháu bé, khi tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là khi nhìn thấy bóng dáng của nam giới là cháu khóc thét lên. Bằng kinh nghiệm của một người mẹ có con trong độ tuổi này, luật sư Thịnh ân cần, trìu mến khiến cháu mở lòng chia sẻ.

“Ban đầu, tôi chỉ hỏi cháu rằng con học thế nào, bình thường con thích chơi trò gì... sau thấy cháu cởi mở hơn, tôi mới dần hỏi vào sự việc. Nghe cháu kể nhát gừng từng câu mà nước mắt tôi (và cả mẹ cháu) cùng ứa ra. Thương cháu quá... Nếu phải là con mình chắc tôi cũng không chịu nổi”, luật sư Thịnh nghẹn ngào nhớ lại.
Tuy nhiên, quá trình điều tra tại Công an TP.Hà Nội, việc lấy lời khai của cháu rất khó vì lúc này cháu bắt đầu điều trị tâm lý nên nhất quyết không nói gì thêm nữa. Khi điều tra viên trao đổi về vấn đề này, chị đề nghị cho cháu lấy lời khai tại văn phòng luật sư.
Luật sư Thịnh kể tiếp: “Vì muốn tạo một môi trường thân thiện cho cháu, con tôi và con một số nhân viên được huy động đến văn phòng vào Thứ Bảy, mang theo đồ chơi... Khi đó, nhìn văn phòng như cái nhà trẻ. Điều tra và và kiểm sát viên đến văn phòng cũng mặc thường phục và tất nhiên, các luật sư cũng vậy”.

Sau rất nhiều nỗ lực cùng với sự tham gia của giáo viên tâm lý, phân tích, nói chuyện... cuối cùng, cháu bé cũng đã có bản tự khai, vạch tội tên “yêu râu xanh” nguy hiểm ra trước ánh sáng.
Luật sư Thịnh cho biết, sau vụ án khép lại, thi thoảng cháu bé vẫn gửi cho chị vài bức ảnh tự chụp bằng điện thoại rất ngộ nghĩnh, kèm theo dòng chữ hỏi: “Cô ơi, con có xinh không?”...

Tư Viễn

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (65)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-tro-cua-nu-luat-su-sau-ban-an-be-gai-bi-yeu-rau-xanh-xam-hai-a321030.html