Tốc độ tối đa xe chạy trong khu vực đông dân cư sẽ tăng 10km/h?


Thứ 3, 27/10/2015 | 21:05


(ĐSPL) - Đối với ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg, tốc độc tối đa là 50 km/h.

(ĐSPL) - Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nhằm thay thế Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT. Trong đó đề xuất những thay đổi về tốc độ xe tham gia giao thông trên đường bộ.

Theo Thông tư 13/2009/TT-BGTVT, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư được quy định theo loại xe cơ giới. Cụ thể, đối với ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg, tốc độc tối đa là 50 km/h. Đối với ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; ô tô sơ mi rơ moóc; ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô chuyên dùng; xe mô tô; xe gắn máy tốc độ tối đa là 40 km/h.

Theo Thông tư 13/2009/TT-BGTVT, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư từ 50 – 80 km/h tùy loại phương tiện.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 6 năm thực hiện thông tư 13 đã nảy sinh một số bất cập. Đó là chưa quy định rõ ràng tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại đường, đặc biệt là cao tốc, đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều. Hiện đường sá đã được cải tạo, chất lượng mặt đường tốt hơn; phương tiện tham gia giao thông có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hệ thống an toàn, hệ thống phanh, điều khiển hiện đại hơn... nên cần điều chỉnh tốc độ phương tiện.


Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi theo hướng quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư theo loại đường bộ: Đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa là 60 km/h; đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới tốc độ tối đa là 50 km/h.

Mức điều chỉnh này không áp dụng cho các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Đối với các loại xe cơ giới khác như máy kéo, các loại xe tương tự, xe máy chuyên dùng hiện đang được phép hoạt động và xe đạp máy thì tốc độ tối đa không quá 40 km/h trên mọi đoạn đường kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 40km/h.

Với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ được xác định theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phương pháp xác định tốc độ hạn chế trên đường bộ.

Riêng đối với xe ô tô trên 30 chỗ ngồi, ô tô buýt, ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn, ô tô đầu kéo sơ mi rơ-moóc, ô tô chuyên dùng, ô tô kéo rơ-moóc, ô tô kéo xe khác không được phép chạy quá 100km/h kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 100km/h.

Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120km/h. Trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc được thực hiện theo điều 5, điều 6, điều 7 Thông tư này và cắm các biển cảnh báo hoặc biển hạn chế tốc độ nhưng không nên dưới 50km/h (trường hợp khuất tầm nhìn, có thể tính toán xác định giá trị nhỏ hơn).

Cũng theo dự thảo Thông tư này, các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường (trong trường hợp mặt đường khô ráo) phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu như sau, xe có tốc độ 60km/h phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 30m, từ 60 đến 80km/h khoảng cách an toàn tối thiểu là 50m; từ 80-100km/h có khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m và từ 100-120km/h phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 90m.

Trong điều kiện trời mưa, sương mù, mặt đường trơn trượt hay cung đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người điều khiển phương tiện phải điều chỉnh khoảng cách an toàn lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu nêu trên.

HUY LÂM

[mecloud]CLMMHw0Wx1[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toc-do-toi-da-xe-chay-trong-khu-vuc-dong-dan-cu-se-tang-10kmh-a116327.html