Vụ hoa hậu Phương Nga: Phản cung, thông cung và vấn đề bảo vệ nhân chứng


Thứ 5, 29/06/2017 | 02:59


Cùng sự kiện

Vụ án xét xử hoa hậu Phương Nga tại TAND TP Hồ Chí Minh đang được dư luận rất quan tâm không phải bởi câu chuyện tình - tiền, đại gia hay chân dài...

Vụ án xét xử hoa hậu Phương Nga tại TAND TP Hồ Chí Minh đang được dư luận rất quan tâm không phải bởi câu chuyện tình - tiền, đại gia hay chân dài thường tình nhàm lặp trong đời sống hiện đại, mà câu chuyện pháp lý từ vụ án với những vấn đề rất đáng quan tâm về tố tụng đã được công khai trong các phiên xử tại Tòa.

Sau vấn đề quyền im lặng, mối quan hệ giữa mạng xã hội với hoạt động tố tụng, chúng tôi tiếp tục trao đổi với luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) về vấn đề pháp lý khác, đó là chuyện phản cung, thông cung hay vấn đề bảo vệ nhân chứng tại Tòa.

- Thưa ông, các lời khai là chứng cứ của vụ án, tuy nhiên khác với các lời khai trong quá trình điều tra, nay các bị cáo, nhân chứng lại phản cung, khai ngược lại nội dung đã khai thì Tòa sẽ sử dụng lời khai trước hay lời khai bây giờ để giải quyết vụ án?

Hiện nay pháp luật tố tụng chúng ta không có quy định rằng khi có phản cung thì Tòa án sẽ ưu tiên sử dụng lời khai vào thời điểm xét xử công khai hay lời khai trong giai đoạn điều tra để giải quyết vụ án. Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành (Bộ luật tố tụng hình sự 2003) cũng khẳng định rõ rằng lời nhận tội của bị can, bị cáo có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Đối với người làm chứng thì luật quy định rõ không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Theo đó thực thi Điều 19 Bộ luật tố tụng hình sự , trước Tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự … đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Trương Hồ Phương Nga và Cao Toàn Mỹ trong một phiên xử - Ảnh: báo Gia đình Việt Nam

Khi bị cáo hay người làm chứng “phản cung” tại phiên tòa công khai thì Hội đồng xét xử không chỉ vì như vậy mà cân nhắc lựa chọn lời khai vào thời điểm nào để quyết định vụ án. Bởi lẽ, lời khai chỉ là một nguồn chứng cứ, không bao giờ là chứng cứ duy nhất để quyết định được một vụ án. Thông qua, các lời khai, thông qua việc đối chất, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ phải căn cứ vào các nội dung đó để soi chiếu, đánh giá cùng với các chứng cứ khác của vụ án để có thể đưa ra kết luận của mình đối với vụ án.

- Ông đánh giá như thế nào về việc điều tra, bởi lẽ hầu như các kết luận điều tra hay nội dung cáo trạng truy tố hiện nay giờ bị các bị cáo và người làm chứng phản cung lại, không thừa nhận nội dung họ đã khai?

Việc các bị cáo, người làm chứng phản cung đã cung cấp thêm cho chúng ta nhiều thông tin về vụ án, trong đó có các lời khai được hỗ trợ thêm bởi các chứng cứ khác để minh chứng. Tại thời điểm này, khi mà vụ án đã bị trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần, đã được điều tra lại nhưng nay trong phiên Tòa, qua nội dung phản cung của bị cáo và người làm chứng hoặc thông qua chứng cứ khác mà các bên chưa yên tâm cung cấp cho cơ quan điều tra ở giai đoạn trước đó, dường như chúng ta chưa thấy được sự thuyết phục của việc truy tố các nghi can.

- Thưa luật sư, tại Tòa, chứng cứ về các bản khai của bị hại và bị cáo giống nhau đến kỳ lạ điều đó có là dấu hiệu vi phạm pháp luật trong điều tra?

Việc copy lời khai người này để sang bản đánh máy cho lời khai người kia có thể xảy ra khi điều tra và chúng tôi cho rằng trước hết đó phải là sự bất cẩn và cẩu thả trong nghiệp vụ. Còn về nội dung, bây giờ có phản cung, bị cáo cho rằng không khai lời khai đó mà có sự áp đặt thì phải xem xét lại tất cả để đối sánh với các chứng cứ khác của vụ án để xem hai bản khai đó có thể được xem là chứng cứ của vụ án hay không. Nếu xác định được có sự cố tính cắt dán sao chép các lời khai để tạo chứng cứ và đối chiếu với các chứng cứ khác thì có thể không công nhận đó là chứng cứ được thu thập hợp pháp và vì vậy không thể dùng nó để kết tội bị cáo.

- Trước tòa, người làm chứng có cung cấp các chứng cứ cho thấy có sự thông cung giữa bị can và người làm chứng trong quá trình điều tra, vậy những lời khai mà có sự thông cung này có giá trị như thế nào? 

Nếu có sự thông cung để khai với cơ quan điều tra không đúng sự thật về các vấn đề của vụ án thì cần phải xem xét để xác định các lời khai không đúng sự thật đó không thể là chứng cứ hợp pháp để buộc tội. Về nguyên tắc các chứng cứ buộc tội phải đảm bảo là chứng cứ được thu thập hợp pháp và phải là sự thật khách quan, có sự liên quan phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Cũng cần phải lưu ý lại là, có hay không có thông cung nhưng vấn đề là cái gì mới là sự thật của vụ án, có liên quan đến vụ án và chứng minh được sự có tội hay không có tội của nghi can một cách khách quan thì mới có thể là nguồn chứng cứ của vụ án.

- Quay trở lại vấn đề phản cung trong tố tụng hình sự, nếu các vụ án các bị can trước khai thế này, đến tòa lại khai thế kia thì thành ra các bản khai trước đó là vô nghĩa vì bị phủ nhận?

Về nguyên tắc lời khai chỉ là một nguồn chứng cứ, nghiệp vụ điều tra không chỉ dựa vào lời khai hay các bản khai để buộc tội. Hiện nay, pháp luật hầu hết các quốc gia người ta áp dụng triệt để quyền im lặng vì thế thậm chí các nghi can họ không khai gì cả, vì họ đâu có nghĩa vụ phải nhận tội hay chứng minh mình có tội hay không. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể chứng minh được tội phạm, không thể lôi tội ác ra ánh sáng. Bởi lẽ, cơ quan điều tra họ lùng khắp đủ nơi, tìm kiếm đủ chứng cứ, thu thập đủ nguồn chứng minh chứ không bị phụ thuộc vào lời khai. Ở Việt Nam thì hiện tượng trọng cung hơn trọng chứng còn khá phổ biến. Các hồ sơ các vụ án hình sự nhiều khi toàn thấy biên bản lấy lời khai, thậm chí có nhiều vụ án đình đám mà hồ sơ loanh quanh chỉ là đơn tố cáo với hồ sơ của người tố cáo gửi, sau đó là các biên bản lấy lời khai, còn lại rất ít các vật chứng, kết quả giám định, kết quả thực nghiệm hiện trường…  

- Theo ông, không chỉ trong vụ án này, mà trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, để hạn chế việc phản cung thì công tác điều tra cần những biện pháp nào?

Chuyện ghi âm, ghi hình đã được quy định tại Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018) sẽ là một giải pháp để đảm bảo việc hỏi cung các nghi can được thực hiện một cách hợp pháp. Khi có ghi âm, ghi hình các buổi lấy lời khai tại các cơ sở giam giữ, sẽ làm cho việc hỏi cung thực sự bí mật nhưng minh bạch, nếu có phản cung thì cơ quan điều tra phải là bên chứng minh bằng các hình ảnh, âm thanh của việc hỏi cung và xác nhận không có các hành vi mớm cung, dụ cung, bức cung nhục hình. Tôi nghĩ, khi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực, quyền của các nghi can sẽ được bảo vệ tốt hơn, qua đó cũng là cơ hội để chơ quan điều tra chứng minh được mình luôn làm việc hợp pháp và chuyện phản cung cũng sẽ bị hạn chế.

Ngoài ra, theo lộ trình thì pháp luật đang tăng lên các trường hợp nghi can buộc phải có người bào chữa trong quá trình tố tụng hình sự, việc xuất hiện nhiều hơn các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong quá trình điều tra sẽ đảm bảo khi hỏi cung nghi can thì những người bào chữa có mặt và việc bức cung, nhục hình sẽ không thể xảy ra. Chính điều này là cơ sở để bảo vệ quyền của các nghi can tốt hơn và hiện tượng phản cung vì thế cũng sẽ bị hạn chế dần. Tất nhiên, trong việc khai nhận tội, có nhiều nghi can vì những lý do nào đó, ngay cả khi có không bị bức cung, mớm cung, nhục hình họ vẫn khai một kiểu, để chờ ra phiên Tòa công khai khai một kiểu mà họ cho là sự thật duy nhất, thì đó nằm trong quyền của họ. Bởi lẽ, như đã nói nghi can không có nghĩa vụ phải khai theo hướng buộc tội chính mình và họ có thể thay đổi lời khai là tùy ở họ, sự thật vụ án phải được đánh giá dựa trên nhiều chứng cứ liên quan khác, không được phép sử dụng lời khai như là chứng cứ duy nhất.

- Tại sao khi có các ý kiến phản cung cho rằng có sự tác động của điều tra viên lên các bản cung khai, nhưng Tòa không triệu tập Điều tra viên của vụ án để làm rõ những nội dung này?

Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đang được sử dụng chưa có quy định cụ thể đối với việc Tòa án có thẩm quyền triệu tập Điều tra viên để làm rõ các nội dung phản cung của nghi can nên rất khó để thực hiện. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung quyền triệu tập Điều tra viên cho Tòa án tại Điều 296 sẽ là nút thắt cho vấn đề nghi can tố các hành vi điều tra bất hợp pháp. Khi luật đã quy định thì nếu được triệu tập, Điều tra viên buộc phải có mặt và vì thế vụ án sẽ được làm sáng tỏ hơn liên quan đến các vấn đề phản cung của nghi can.

- Tại phiên tòa, có một vấn đề rất đáng quan tâm là nhân chứng Mai Phương được ngồi phòng riêng để trả lời xét hỏi, liệu điều này có cần thiết và hợp pháp?

Hiện nay, vấn đề bảo vệ nhân chứng đã được quy định tại khoản 5, Điều 211 Bộ luật hình sự 2015, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC. Theo đó, trong những trường hợp khi có căn cứ về việc nhân chứng đã hoặc sẽ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do việc người làm chứng cung cấp chứng cứ, vật chứng, thông tin, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội trong vụ việc, vụ án hình sự. Căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại được hiểu là đã bị xâm hại hoặc có sự đe dọa xâm hại ở mức độ nguy hiểm đáng kể hoặc căn cứ vào tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm và vai trò quan trọng của người làm chứng trong tố tụng hình sự cần phải có biện pháp bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người được bảo vệ và yêu cầu hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp có căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại vì những lí do khác không phải do việc họ cung cấp chứng cứ, vật chứng, thông tin, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội trong tố tụng hình sự thì không thuộc phạm vi bảo vệ nhân chứng.

Như vậy, trường hợp nhân chứng Mai Phương nếu có căn cứ của việc đã hoặc sẽ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tính mạng do việc làm chứng thì nhân chứng này cũng có thể được sử dụng các biện pháp bảo vệ, trong đó có biện pháp cách ly, hỏi kín đối với nhân chứng. Tuy nhiên, nếu thực tế nhân chứng không nằm trong điều kiện hoàn cảnh được pháp luật quy định như trên thì không cần thiết phải sử dụng biện pháp bảo vệ nhân chứng một cách đặc biệt khác với các nhân chứng khác tại phiên tòa.

Xác định việc có áp dụng biện pháp bảo vệ nhân chứng hay không phải dựa trên cơ sở có căn cứ để áp dụng biện pháp đó hay không chứ không chỉ dựa trên yêu cầu của nhân chứng. Bởi lẽ, nếu tùy tiện áp dụng biện pháp bảo vệ nhân chứng theo hướng phân biệt, sẽ dẫn đến nguyên tắc xét xử công khai, bình đẳng giữa các bên sẽ bị xâm phạm. Không thể có đặc quyền cho các nhân chứng khác nhau trong câu chuyện thực hiện công khai việc xét hỏi tại tòa. Nếu sử dụng biện pháp này chỉ dựa trên mong muốn và yêu cầu của những người tham gia tố tụng, Tòa án sẽ bị chi phối bởi các mong muốn chủ quan của họ và các nguyên tắc xét xử khác sẽ bị xâm hại. Cần phải tránh tiền lệ ưu ái cho các chủ thể công dân khác nhau khi thực hiện các nghĩa vụ của mình trước pháp luật. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-hoa-hau-phuong-nga-phan-cung-thong-cung-va-van-de-bao-ve-nhan-chung-a194710.html