+Aa-
    Zalo

    Phép thử với Tổng thống Biden từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

    • DSPL
    ĐS&PL Khi cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực đảm bảo với công chúng rằng ngành ngân hàng vẫn an toàn và tiền gửi của họ được đảm bảo.

    Năm 2016, khi còn là phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama, ông Joe Biden đã cảnh báo về những nỗ lực nhằm chống lại sự điều chỉnh các quy định của ngành ngân hàng. Sự điều chỉnh này là nỗ lực của đảng Dân chủ khi ấy sau cuộc khủng hoảng tài chính của quốc gia. 

    Sau đó, chính quyền mới nổi của cựu Tổng thống Donald Trump cũng tỏ ý muốn nới lỏng các quy định ngân hàng nghiêm ngặt nói trên. 

    Thời điểm ấy, ông Biden lập luận rằng nếu không có cuộc đại tu ngân hàng năm 2010, được gọi là Dodd-Frank, các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục hành động liều lĩnh với số tiền gửi của người dân và cuối cùng, tầng lớp trung lưu sẽ chịu tổn hại. 

    Phát biểu tại Đại học Georgetown trong những ngày cuối nhiệm kỳ cựu Tổng thống Obama, ông Biden nhấn mạnh: "Chúng ta không thể trở lại giai đoạn các tập đoàn tài chính chấp nhận rủi ro vì biết rằng khi họ gặp khó, sẽ có các gói hỗ trợ được chi trả bằng tiền thuế của người dân".

    khung hoang ngan hang my 1
    Tổng thống Biden sẽ cần thể hiện bản lĩnh của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng. Ảnh: AP 

    Giờ đây, một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông, bắt đầu với sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn Silicon Valley (SVB) và Signature Bank. Với tư cách người đứng đầu đất nước, ông Biden đang nỗ lực đảm bảo rằng ngành ngân hàng vẫn an toàn, những nhà quản lý yếu kém sẽ bị sa thải và các khoản tiền gửi của người dân vẫn được đảm bảo. Đây là các biện pháp được đưa ra để xoa dịu tình trạng hỗn loạn của thị trường.

    Trong khi ông Biden đang cân nhắc về một nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, năng lực xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ được coi là lời kiểm chứng về lập luận trước đó rằng chính quyền của ông đại diện cho sự ổn định, trái ngược so với người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Trump.

    Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông về việc thắt chặt các quy định ngân hàng nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối từ Hạ viện do đảng Cộng hoà kiểm soát và cả một số nghị sĩ Dân chủ ôn hoà, những người từng cùng đảng Cộng hoà nới lỏng quy định vào năm 2018. Đối với các nghị sĩ Cộng hoà, họ coi những gói cứu trợ của ông Biden chỉ là gói chi tiêu với cái tên khác.

    khung hoang ngan hang my 2
    Sự sụp đổ của ngân hàng Sillicon Valley đã giáng đòn mạnh vào hệ thống ngân hàng Mỹ. Ảnh: AP 

    Tổng thống Biden khẳng định sự can thiệp của chính phủ lần này sẽ khác so với những gì đã xảy ra vào năm 2008, khi Quốc hội cho phép chi hàng tỷ USD cứu trợ các tổ chức tài chính có nguy cơ phá sản. Các quan chức chính quyền cũng tin rằng lần này họ cần phải đưa ra hành động để giải quyết những sai lầm của các giám đốc điều hành ngân hàng trong bối cảnh rủi ro kinh tế và tác động tiềm ẩn đối với những khách hàng.

    Một quan chức giấu tên tiết lộ với AP, khác với những gì xảy ra năm 2008, ông chủ Nhà Trắng kiên quyết sẽ xử lý những giám đốc điều hành phạm sai lầm, dẫn tới sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn và nguy cơ khủng hoảng lan rộng trong ngành ngân hàng.

    Ngày 20/3 (giờ địa phương), Tổng thống Biden tuyên bố: "Những người quản lý của các ngân hàng này sẽ bị sa thải".

    Theo ông chủ Nhà Trắng, nếu các ngân hàng này được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản, "những người điều hành ngân hàng không nên làm việc ở đó nữa". Ông Biden cũng lưu ý rằng những người gửi tiền sẽ không phải chi trả các khoản tiền phạt đối với 2 ngân hàng SVB và Signature Bank. Ông cũng lưu ý thêm rằng khoản tiền gửi của khách hàng và doanh nghiệp nhỏ gửi vào ngân hàng sẽ được bảo đảm. Nhưng sự bảo đảm này không được áp dụng với các nhà đầu tư.

    Ông Biden nói: "Họ chấp nhận rủi ro và khi rủi ro xảy ra, các nhà đầu tư sẽ mất số tiền gửi của họ. Đó là cách chủ nghĩa tư bản hoạt động".

    khung hoang ngan hang my 3
    Các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý Mỹ đang nỗ lực để ngăn cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng. Ảnh: AP 

    Hạ nghị sĩ California Maxine Waters, đảng viên Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, cho biết Tổng thống Biden, giống như những người khác, không thể bỏ qua những bài học về sự sụp đổ tài chính năm 2008. Bà Waters lưu ý, khi đã trực tiếp trải qua cuộc khủng hoảng đó, tổng thống nhận thức rất rõ về những rủi ro. Trong các cuộc trò chuyện vào cuối tuần qua, Nhà Trắng đảm bảo rằng ông sẽ dẫn đầu những nỗ lực xử lý khủng hoảng.

    Bà Wataers chia sẻ: "Tôi nghĩ một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông ấy là làm thế nào để bảo vệ người gửi tiền và tránh để cuộc khủng hoảng này lan rộng, làm gián đoạn hệ thống ngân hàng của chúng ta".

    SVB đã được đặt dưới quyền kiểm soát của FDIC từ chiều 17/3 sau khi những khách hàng đổ xô đi rút tiền gửi. Khi ấy, các quan chức chính quyền hàng đầu bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh rằng họ đang theo sát tình hình.

    Tới tối 19/3, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và FDIC đã thông báo rằng tất cả các khách hàng của SVB sẽ có thể tiếp cận số tiền gửi của họ, cũng như những người gửi tiền tại Signature Bank ở New York. Theo Nhà Trắng, khi các quan chức chính quyền làm việc để giải quyết khủng hoảng, ông Biden thường xuyên được Chánh văn phòng Jeff Zients, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard và bà Yellen thông báo tóm tắt về quá trình này trong suốt 2 ngày cuối tuần.

    Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ Cộng hoà đã bày tỏ mối lo ngại rằng cách giải cứu SVB thể gây hại cho các ngân hàng khác. Bởi vì các ngân hàng này sẽ được đánh giá các khoản phí mới để bổ sung vào quỹ bảo hiểm mà chính quyền ông Biden đã khai thác để hỗ trợ 2 ngân hàng sụp đổ. 

    Theo AP, cái bóng "chính trị" sẽ còn bao trùm 2 từ "cứu trợ". Các đảng viên Cộng hòa đang tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đã lập luận rằng những khách hàng cuối cùng sẽ chịu chi phí cho các hành động của chính phủ ngay cả họ không sử dụng trực tiếp các khoản đóng thuế cho những gói cứu trợ. Một số nhà kinh tế tin rằng nhiều khoản phí mà ngân hàng phải sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, chẳng hạn như các vấn đề tăng lãi suất cho các khoản vay.

    Nhà Trắng và các quan chức chính quyền khác khẳng định hành động của họ không phải là một gói cứu trợ. Tuy nhiên, nhà kinh tế Kenneth Rogoff, đến từ Đại học Harvard, cho biết trong ông đồng ý rằng chính phủ đang bảo vệ đúng đắn những người gửi tiền của hai ngân hàng. Nhưng theo ông Rogoff, số tiền chi ra để giải cứu các ngân hàng chắc chắn là "một gói cứu trợ".

    Minh Hạnh (Theo AP) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phep-thu-voi-tong-thong-biden-tu-cuoc-khung-hoang-ngan-hang-a569491.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan