+Aa-
    Zalo

    Phí ATM: Cấm ngân hàng thu ngoài biểu ban hành

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Các loại phí phát hành, thường niên, giao dịch ATM phải nằm trong khung quy định của Thông tư 35.

    (ĐSPL) - Các loại phí phát hành, thường niên, giao dịch ATM phải nằm trong khung quy định của Thông tư 35.

    Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ phải rà soát lại mức phí của thẻ ghi nợ nội địa và công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến phí.

    Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng rà soát lại các loại phí, mức phí thẻ ghi nợ nội địa đang được áp dụng. Một lần nữa, đại diện Vụ Thanh toán nhắc lại các quy định liên quan đến phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa.

    Cụ thể, các ngân hàng chỉ được thu theo biểu phí do chính những đơn vị này quy định, không thu thêm phí ngoài biểu đã ban hành. Các loại phí phát hành, thường niên, giao dịch ATM phải nằm trong khung quy định của Thông tư 35.

    Các ngân hàng cũng có nghĩa vụ niêm yết công khai biểu phí của thẻ ghi nợ nội địa, chủ động giải thích, minh bạch phí khi làm hợp đồng mở thẻ với khách hàng. Khi có thay đổi các mức phí, ngân hàng phải thông báo. Các đơn vị phát hành thẻ cũng được yêu cầu hỗ trợ phù hợp với sinh viên nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

    Ngoài minh bạch các vấn đề liên quan đến thu phí, Vụ Thanh toán cũng yêu cầu các ngân hàng niêm yết lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng một cách công khai.

    Các ngân hàng chỉ được thu phí ATM theo biểu phí do chính những đơn vị này quy định, không thu thêm phí ngoài biểu đã ban hành.

    Trước đó, nhiều khách hàng phản ánh về tình trạng "quá tải" các loại phí khi dùng thẻ ATM của ngân hàng.

    Thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, không ít khách hàng bức xúc cho rằng NH, tức bên cung ứng dịch vụ, thông thường muốn thu phí thì cứ đơn phương thông báo rồi tiến hành thu, lạm dụng quyền được thu và áp dụng những loại phí quá cao hoặc không phù hợp. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ ATM lại có vấn đề. Ví dụ như hết tiền, ngưng cung cấp do nghẽn mạng, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Thế nhưng phí ATM lại liên tục tăng.

    TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, phân tích có nhiều nguyên nhân khiến NH thu phí hoặc tăng phí ATM. Ví dụ: Những năm qua NH chủ yếu chú trọng vào dịch vụ cho vay mà không quan tâm nhiều đến phát triển bán lẻ. Lợi nhuận của NH trước đây lớn nên họ sẵn sàng miễn phí dịch vụ. Song hiện nay kinh doanh ngày càng khó khăn, nguồn thu từ tín dụng giảm sút, khiến các NH tăng cường thu phí, trong đó có phí sử dụng thẻ và phí giao dịch trên ATM.

    “Gắn với chiếc thẻ ATM có quá nhiều loại phí, khác hẳn với ở nước ngoài hầu như không tính phí ATM. Nhưng việc sử dụng thẻ ATM ở Mỹ khác hẳn với ở Việt Nam…”, ông Hiếu nói.

    Lãnh đạo một NH tại TP HCM lý giải, đầu tư cho một máy ATM hơn 300 triệu đồng. Đầu tư hệ thống dữ liệu phần mềm, bản quyền… khoảng 450 triệu đồng.

    “Nếu thời gian khấu hao là 8 năm thì NH sẽ mất đi khoảng 1 tỷ đồng/máy. Như vậy với một NH có khoảng 300-500 máy sẽ ngốn vài chục tỷ đồng/năm. Số tiền này chưa tính đến các loại phí như thuê mặt bằng, đường truyền… Thế nên dù có tăng phí đi chăng nữa cũng không bù đắp được chi phí mà NH đã bỏ ra”, vị này nói.

    Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng, việc NH tăng các loại phí đối với thẻ ATM gây bất lợi cho người dùng thẻ ATM. Tuy việc này phần lớn dựa trên cơ sở giá cả thị trường, nhưng khi các NH đều tăng phí ATM thì khách hàng vẫn phải chấp nhận vì ít có lựa chọn khác.

    “Về việc các NH thu nhiều loại phí đối với ATM có hợp lý hay không thì còn phải xem xét trên nhiều góc độ. Có điều thấy rõ là việc tăng phí này sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của người dùng thẻ và gây ra bất lợi đối với NH”, luật sư Đức bình luận.

    Chẳng hạn khách hàng hủy bỏ thẻ, chuyển qua NH khác hoặc quay trở lại giao dịch tiền mặt, dẫn đến NH mất khách, mất nguồn thu, đồng thời mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt sẽ bị ảnh hưởng.

    Một trong các giải pháp để giảm phí, tức giảm giá dịch vụ ATM, theo luật sư Đức, là Nhà nước phải tạo ra một môi trường cạnh tranh an toàn, lành mạnh và hiệu quả, qua đó buộc các NH phải giảm giá, trong đó có các khoản phí ATM. “Khi đó khách hàng sử dụng ATM sẽ có nhiều lựa chọn, vì các NH phải có những dịch vụ tốt nhất, có lợi nhất và rẻ nhất để phục vụ khách hàng”.

    Một chuyên gia đề nghị không nêu tên cho rằng, muốn thu phí ATM thì phải xác định rõ ATM là dịch vụ hay là công cụ thực hiện chính sách của Nhà nước.

    Theo đó, nếu coi ATM như một dịch vụ kinh doanh của NH, dịch vụ này phải hoạt động theo quy luật cung - cầu của thị trường. Thực tế, ATM hiện chưa phải là dịch vụ thị trường đúng nghĩa và có nhiều biến tướng nên người dùng bức xúc.

    Nếu coi ATM là công cụ chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế việc dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quản lý, minh bạch dòng tiền thì các NH không được thu phí ATM.

    “Tuy nhiên, sự nhập nhằng trong sử dụng và quản lý ATM của các NH đã tạo ra những bất hợp lý. Do vậy, người dân phần nào đó còn chưa đồng tình với các khoản phí ATM cũng là điều dễ hiểu”, chuyên gia này cho hay.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    [mecloud]Bkgtv7Pi3w[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phi-atm-cam-ngan-hang-thu-ngoai-bieu-ban-hanh-a102352.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.