Phiên tòa chất vấn kẻ sát nhân ra tự thú sau hơn 14 năm lẩn trốn


Thứ 5, 03/04/2014 | 05:48


Sau 14 năm sống chui lủi, Long trở về quê hương với nhiều trăn trở, ăn năn hối cải... 8 năm tù giam là mức án Long phải chịu cho hành vi giết người chỉ vì 100 nghìn đồng.

(ĐS&PL) - Sau 14 năm biệt vô âm tín, Long đã đến cơ quan Công an tỉnh Nghệ An để đầu thú vào tháng 8/2013. TAND tỉnh Nghệ An mới đây đã mở phiên xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Long 8 năm tù giamm nhưng cho hưởng tại ngoại, đợi lệnh thi hành án phạt.

Sau khi giết chủ nhà vì 100 nghìn đồng, Long đã cạo trọc đầu, thay tên đổi họ vào miền Nam để sinh sống. Một ngày nọ, sau 14 năm “bặt vô âm tín”, hắn bỗng dưng trở về, người gầy đen, da xanh vì bệnh tật. Gặp lại người thân, họ không thể nhận ra hắn, bởi từng ấy năm trôi qua, hắn đã khác đi rất nhiều. Nước mắt ngày về mặn đắng sau những câu chuyện sống chui lủi, vùi mình trong sự sợ hãi. Hắn đã được bố mẹ già và anh em khuyên ra đầu thú. Nhìn thấy các đấng sinh thành già mua, lòm còm bước đến dự phiên tòa, hắn đã òa lên khóc như một đứa trẻ. Bỗng dưng, hắn giật mình khi chủ tọa gọi tên. Sau phần xét hỏi nhân thân, HĐXX bắt đầu thẩm vấn.

Miền Trung - Phiên tòa chất vấn kẻ sát nhân ra tự thú sau hơn 14 năm lẩn trốn

Phạm Thanh Long trước vành móng ngựa.

- Chủ tọa hỏi: Vì sao chỉ vì 100 nghìn mà bị cáo lại cướp đi mạng sống của người khác?

 + Bị cáo lí nhí kể về quá trình phạm tội của mình: Vì sự nóng giận tức thời, nên tôi đã ra tay giết người. Bị cáo nhớ là đã trả tiền rồi nhưng anh Tuấn không nhớ. Do bị chém quá đau, hơn nữa anh Tuấn liên tục xúc phạm, nên bị cáo mới hành động như vậy.

- Chủ tọa băn khoăn: Vì sao bị cáo không ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật?

   + Tại lúc đó nhận thức của tôi còn kém. Cứ nghĩ giết người là phải đền mạng hoặc bị tù chung thân, trong lúc hoảng sợ tôi đã chạy trốn. Tôi đã cạo trọc đầu, thay tên đổi họ phiêu bạt hết Tây Nguyên rồi lại vào Sài Gòn, mỗi nơi tôi chỉ dám ở một thời gian ngắn vì sợ tai mắt của lực lượng chức năng. Ngày này qua ngày khác, ai thuê gì tôi làm nấy, chỉ mong đủ lo ngày 3 bữa cơm. Cuộc sống của tôi cứ vật vờ, ngày đi làm, đêm phải xin ở nhờ mấy người đồng hương.

Trong suốt quảng thời gian chạy trốn, đã có hàng chục, hàng trăm lần tôi nghĩ đến việc trở về trình diện. Nhưng ý nghĩ đó đến rồi chợt đi ngay. Vào tù ư? Không bao giờ. Vào tù, cuộc đời chẳng còn gì nữa. Tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời khiến tôi không dám đối mặt với sự thật

- Chủ tọa hỏi tiếp: Lúc bị cáo bỏ trốn bị cáo không nghĩ đến bố mẹ mình?

+ Nghe đến đây, bị cáo nhìn xuống hàng ghế bố mẹ hắn đang ngồi rồi mếu máo nói: Tôi cảm thấy có lỗi lắm chứ. Đêm nào tôi cũng mơ thấy bố mẹ mình cả. Đáng lẽ ra, đến tuổi này, tôi phải lập gia đình và sinh cho ông bà những đứa cháu bụ bẫm rồi. Suốt 14 năm qua, không một tin tức gì về bố mẹ, tôi cảm thấy khó chịu lắm. Khi có ít tiền dư dã, tôi muốn gửi về cho mẹ già thuốc thang nhưng lại sợ bị lộ nên thôi. Đêm nào, tôi cũng trích ra ít tiền để nhậu, vì chỉ có rượu mới khiến tôi ngủ được.

- Chủ tọa thắc mắc: Vì sao trong quá trình lẩn trốn, bị cáo không lập gia đình?

   + Bị cáo cúi mặt xuống trả lời: Nhiều khi thấy vợ chồng người khác quây quần bên con cái tôi lại thấy chạnh lòng. Nhưng cuộc sống trốn chui trốn lủi, sợ hãi khiến tôi không dám tìm cho mình một mái ấm riêng. Thấy tôi là người hiền lành, chất phác nên cũng có một số mối chủ động ngỏ ý muốn lấy làm chồng. Nhưng tôi sợ một ngày mình bị bắt sẽ làm khổ vợ con. Rồi suốt đời họ phải mang tiếng là có chồng, có cha là kẻ giết người. Nghĩ như vậy nên tôi không muốn lấy vợ.

- Chủ tọa hỏi tiếp: Lý do gì khiến bị cáo ra đầu thú?

+ Bị cáo trả lời: Trong một lần trốn về thăm quê, được mọi người khuyên bảo, tôi quyết định đi đầu thú. Mười bốn năm chạy trốn, khi sức khỏe bắt đầu kiệt, ngoảnh lại thấy mình không có gì cả. Không gia đình, không vợ con. Tôi đã nghĩ tới cái cảnh mình chết cô độc nơi đất khách quê người mà không có lấy một người thân bên cạnh. Tôi quyết định trở về, để trả món nợ sinh mạng, để nếu có chết cũng được nhìn thấy bố mẹ, anh em. Trở về, cha mẹ già 90 tuổi cứ ôm lấy tôi mà khóc rồi khuyên tôi đi đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Nói đến đây, nước mắt Long chực trào. Những lời tâm sự chân tình của hắn khiến cho những người tai phiên tòa rơi nước mắt, kể cả vợ của bị hại. Được biết, trước khi đến cơ quan điều tra đầu thú, Long đã lên nhà đưa cho chị Vũ Thị Huệ - vợ nạn nhân 15 triệu đồng gọi là tiền đền bù thiệt hại. Đó là số tiền Long tích góp được trong 14 năm qua. Ngày 19/8/2013, Phạm Thanh Long đến cơ quan điều tra xin đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình.

- Chủ tọa bực tức hỏi: Bị cáo có biết việc làm của bị cáo đã làm tổn thương bao nhiêu người không?

+ Bị cáo lí nhí trả lời: Thật sự bị cáo không có ý định giết anh Tuấn, nhưng bị kích động quá nên gây án. Bình thường, vợ chồng anh Tuấn đối xử với tôi cũng rất tốt. Gây ra sự việc như vậy, bị cáo ân hận lắm. Vì bị cáo mà chị Huệ mất chồng, con mất cha. Nhưng tôi thật sự không cố ý.

Miền Trung - Phiên tòa chất vấn kẻ sát nhân ra tự thú sau hơn 14 năm lẩn trốn (Hình 2).

Chị Vũ Thị Huệ - vợ nạn nhân xót xa khi thấy Long tiều tụy.

Có mặt tại phiên tòa, chị Vũ Thị Huệ - vợ nạn nhân mếu máo nói: “Tôi không thể ngờ Long lại giết chồng tôi như vậy. Sau cái chết của anh Tuấn, 3 mẹ con tôi lâm vào cảnh cùng quẫn. Toàn bộ vốn liếng bỏ vào lò gạch, số tiền thuê đất làm kinh tế không ai đứng ra lo liệu nên cũng mất sạch. Một mình tôi nuôi 2 đứa con, khó khăn khổ cực. Lúc Long bỏ trốn, tôi cũng đã nghĩ không bao giờ tha thứ cho kẻ đã đẩy gia đình mình vào cảnh khốn cùng. Nhưng đến đây, thấy Long tiều tụy, không vợ không con lại thấy thương”. Người phụ nữ đã chịu đủ mọi khổ cực của cảnh góa bụa nuôi con đã đứng dậy xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Long.

- Chủ tọa hỏi thêm: Giờ đây, ra đầu thú tâm trạng của bị cáo cảm thấy như thế nào?

+ Bị cáo trả lời: Suốt 14 năm qua, ngày nào tôi cũng lo lắng là sẽ bị bắt. Không phải già rồi tôi mới về mà ngày nào cũng có ý định đó, nhưng tôi không làm được. Sau khi ra đầu thú, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm đi nhiều. Không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không còn bị ám ảnh. Tôi mong mình thi hành án được sớm ngày nào hay ngày đó để còn có cơ hội trở về chăm sóc bố mẹ những ngày cuối đời.

HĐXX nhận định trong vụ án này, bị hại cũng có một phần lỗi, riêng bị cáo Phạm Thanh Long đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Có ý định ra đầu thú và tự nguyện khắc phục một phần hậu quả mình gây ra, bên cạnh đó, đại diện bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Chính vì vậy, HĐXX tuyên phạt Phạm Thanh Long 8 năm tù giam, bồi thường cho thân nhân bị hại 60 triệu đồng.

Nước mắt muộn màng

Phiên tòa kết thức, hắn được cán bộ giải lên xe về phòng giam. Nhìn thấy bố mẹ già chạy theo xe cố nhìn con, hắn khóc òa. Có lẽ lúc này đây, hắn cảm thấy thương cha, thương mẹ hơn bao giờ hết. Hắn thấy có lỗi với gia đình chị Huệ vô cùng khi đã đẩy gia đình chị vào chốn đường cùng. Số tiền 60 triệu đồng đối với bố mẹ Long vô cùng lớn, không biết khi nào trả được cho gia đình bị hại. Hy vọng sau khi vào tù, Long sẽ cải  tạo tốt để sớm về báo hiếu với bố mẹ và cố gắng bù đắp một phần tội lỗi cho gia đình chị Huệ.

Hà Hằng - Kim Thoa

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phien-toa-chat-van-ke-sat-nhan-ra-tu-thu-sau-hon-14-nam-lan-tron-a27934.html