+Aa-
    Zalo

    Phim Việt kinh phí “khủng” và những cú “ngã ngựa” đau đớn: Canh bạc “triệu đô” và bài học “Sai một ly...đi bạc tỷ”

    • DSPL
    ĐS&PL Kinh phí lên tới hàng triệu đô - con số xưa nay rất hiếm bỗng xuất hiện liên tục ở các dự án điện ảnh Việt gần đây, nhanh chóng trở thành tâm điểm

    Kinh phí lên tới hàng triệu đô - con số xưa nay rất hiếm bỗng xuất hiện liên tục ở các dự án điện ảnh Việt gần đây. Điều lạ thường này nhanh chóng trở thành tâm điểm. Câu hỏi đặt ra, liệu kinh phí “khủng” có là bảo chứng cho sự phát triển và chất lượng phim?

    Đạo diễn Lý Hải rất “chịu chơi, chịu chi” với dự án phim Lật mặt.

    Được ăn cả, ngã về không?

    Thời gian qua, điện ảnh Việt chứng kiến cuộc “lột xác” ngoạn mục với nhiều dự án phim được đầu tư kinh phí “khủng” lên tới hàng triệu USD. Kỷ lục, dự án phim 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) có vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Ngoài ra, phim Sám hối của Bình Minh gây choáng với kinh phí 50 tỷ đồng; Bộ đôi Bảo Nhân – Nam Cito đầu tư khoảng 46 tỷ đồng cho Gái già lắm chiêu V; Phim Trạng Tý của Ngô Thanh Vân với chi phí đầu tư lên tới 43 tỷ đồng; Em và Trịnh của NSX Nguyễn Quang Dũng dự kiến kinh phí 40 tỷ đồng, hay Lật mặt: 48 giờ của Lý Hải cũng ngốn số tiền “không phải dạng vừa”,...

    Những con số “khủng” trên cho thấy tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt, khi các nhà làm phim đã bắt đầu đẩy mạnh kinh phí sản xuất để tạo ra các bối cảnh, cảnh quay mãn nhãn.

    Đạo diễn Lý Hải – một trong những nhà làm phim nổi tiếng “chịu chơi” bày tỏ: “Không làm thì thôi, còn đã làm phải làm cho đã. Nếu không có sự thay đổi, lần này giống lần trước, khác gì “giậm chân tại chỗ”. Tôi muốn sản phẩm tiếp theo phải chất lượng hơn sản phẩm trước, số tiền đầu tư vì thế cũng ngốn nhiều hơn. Tôi không thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng tôi tin rằng, với sự đầu tư nghiêm túc và chất lượng, Lật mặt: 48 giờ sẽ khiến khán giả bị cuốn hút”.

    Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng: “Tôi nghĩ, nếu phim hay, dù đầu tư 40 tỷ đồng vẫn có tiềm năng thu lời. Vì, chúng ta đã có nhiều phim vượt mốc doanh thu 100 tỷ rồi. Mình phải mạnh dạn đầu tư, mới có con đường lớn để phát triển!”.

    Có thể nói, chính nhu cầu và thị hiếu của khán giả ngày càng cao, buộc các nhà làm phim phải chi mạnh tay hơn cho “đứa con” của mình. Dĩ nhiên, tiền nào của đấy! Kinh phí thấp sẽ khó triển khai được hết ý tưởng mong muốn. Còn nếu thoải mái kinh phí, thì nhà làm phim dễ bề “bung lụa” để tạo ra những sản phẩm mãn nhãn.

    Lằn ranh thành-bại

    Nhưng, làm sao “đắt xắt ra miếng”? Bởi thực tế, không ít dự án phim Việt dù đầu tư kinh phí “khủng” vẫn bị “ngã ngựa” đau đớn. Mới đây nhất, Ngô Thanh Vân khóc dở mếu dở vì dự án Trạng Tí chưa ra rạp đã vấp phải làn sóng “tẩy chay” dữ dội. “Đến thời điểm này, con số đầu tư cho bộ phim lên đến 43 tỷ đồng và vẫn chưa dừng lại. Đây là chi phí quá lớn cho một bộ phim dành cho thiếu nhi". Dù NSX phim Trạng Tí đã trải lòng, phân trần, vẫn không thể làm khán giả nguôi giận. Phần lớn những chỉ trích đều cho rằng, họ “tẩy chay” không chỉ từ việc tranh chấp bản quyền, mà còn do Ngô Thanh Vân sửa nguyên tác của truyện. Một số ý kiến còn lấy trường hợp thất bại về mặt doanh thu của bộ phim Cậu Vàng vừa qua để nhắc nhở nàng “đả nữ”.

    Trước đó, Sám hối – bộ phim khai thác đề tài võ thuật, do Bình Minh đóng chính cũng lọt danh sách “cú trượt phòng vé”. Dù được đầu tư đến 50 tỷ đồng - con số khổng lồ so với mặt bằng phim Việt, nhưng chất lượng của Sám hối lại không được lòng số đông khán giả. Bộ phim vấp phải nhiều lời chê về nội dung. Nhiều nhận định cho rằng, thất bại đáng tiếc này đến từ sự non nớt ở nhiều yếu tố, từ cốt truyện, kịch bản cho đến tư duy sản xuất.

    Rơi vào tình trạng phim đầu tư bạc tỷ “chết yểu”, đạo diễn Bá Cường đã bị sang chấn tâm lý vì dự án Võ sinh đại chiến ngốn kinh phí 22 tỷ, nhưng chỉ thu được 1 tỷ đồng. Tương tự, NSX Charlie Nguyễn từng cay đắng thừa nhận thất bại của Người cần quên phải nhớ - bộ phim ra rạp dịp Giáng sinh chỉ đạt doanh thu chưa đầy 2 tỷ đồng, lỗ hơn 1 triệu USD (khoảng hơn 23 tỷ đồng). "Tôi nghĩ, một phim thất bại vì câu chuyện chưa chạm tới trái tim khán giả. Nhà làm phim chưa kể một câu chuyện đủ hay”, Charlie Nguyễn nói.

    Không thể phủ nhận, việc ngày càng có nhiều dự án phim Việt được đầu tư kinh phí “khủng” phần nào thể hiện một nền điện ảnh tiềm năng với các khâu được đầu tư kỹ lưỡng. Nhưng, từ cú “ngã ngựa” của những phim đầu tư bạc tỷ, cho thấy kinh phí không thể là “lá bùa hộ mệnh” giúp phim Việt chạm tới trái tim khán giả, bảo chứng doanh thu. Đôi khi cần một chút mạnh dạn, liều lĩnh, nhưng các nhà làm phim nên cân nhắc để tránh “sai một ly... đi bạc tỷ”.

    Bản thân đã nếm đủ mọi thăng trầm trong nghề, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận: “Để có bộ phim tốt và hay, kinh phí chỉ là điều kiện cần. Cho nên, lối thoát cho điện ảnh Việt không nằm chỉ ở kinh phí.

    Thực tế, nhiều phim kinh phí hàng triệu USD, nhưng nội dung dở, vẫn “ngã ngựa” đau đớn. Thế mới cần có điều kiện đủ là nội dung phải hay. Tuy nhiên, điện ảnh Việt hiện nay luẩn quẩn những đề tài cũ, người viết kịch bản giỏi không nhiều, còn các nhà sản xuất luôn muốn chọn đề tài gai góc nhưng khó được lòng số đông. Chỉ khi nào “nút thắt” được gỡ, mới mong có tác phẩm trọn vẹn”.

    PV Hà Linh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (16)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phim-viet-kinh-phi-khung-va-nhung-cu-nga-ngua-dau-don-canh-bac-trieu-do-va-bai-hoc-sai-mot-lydi-bac-ty-a354712.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan