Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM: Nên luật hóa "quyền im lặng"


Thứ 7, 04/10/2014 | 23:59


(ĐSPL) - Việc xem xét đưa “quyền im lặng” vào quy định của luật là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ càng, tránh các quan điểm bảo thủ duy ý chí.

(ĐSPL) - Thời gian gần đây, một số vụ án hình sự oan sai bị phát hiện khiến dư luận không khỏi giật mình. Do vậy, để giảm thiểu tình trạng này trong phiên họp ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, các đại biểu đã đưa ra thảo luận vấn đề "quyền im lặng" cho bị can và người bị giam giữ và cần được luật hóa trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS).

Sau khi báo ra, để làm rõ hơn vấn đề trên, PV báo Đời Sống và Pháp Luật đã tiếp tục có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh.

 - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM: Nên luật hóa 'quyền im lặng'

Ông Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh trao đổi thông tin với PV báo  Đời Sống và Pháp Luật.

Như tin tức báo Đời Sống và Pháp Luật đã đưa trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng, cần luật hóa “quyền im lặng” vào trong BLTTHS. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong bối cảnh sửa đổi BLTTHS lần này, việc xem xét đưa “quyền im lặng” vào quy định của luật là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ càng, trong đó cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tránh các quan điểm bảo thủ duy ý chí. Hiện nay, vấn đề đưa các quy định về “quyền im lặng” vào BLTTHS vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Theo quan điểm cá nhân tôi, đã đến lúc các nhà “làm luật” nước ta cần đưa “quyền im lặng” của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can vào BLTTHS.

Theo pháp luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới, “quyền im lặng” là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của luật sư để tránh việc người bị bắt tự buộc tội mình, gây thiệt hại cho bản thân. Theo đó, khi bắt giữ một người nào đó phải có luật sư chứng kiến, hoặc phải giải thích cho người bị bắt về quyền được mời luật sư, quyền không khai báo. Quyền này đã và đang được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, các nước phương Tây. Chính việc tôn trọng “quyền im lặng” của nghi can nên tại các nước này ít xảy ra các trường hợp oan, sai.

Có thể thấy, “quyền im lặng” là một quyền mang tính nhân văn, bảo đảm, thực thi các quyền con người. Tuy nhiên, BLTTHS nước ta hiện nay vẫn chưa có quy định về việc người bị bắt giữ, bị can được “quyền im lặng”. Tôi cho rằng, việc xây dựng BLTTHS sửa đổi lần này cần phải ghi nhận “quyền im lặng” của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 31, Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền được suy đoán vô tội của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Cùng với đó, những đối tượng đã nêu ở trên có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Tuy nhiên, luật và các văn bản dưới luật hiện nay chưa triển khai đầy đủ các quyền được suy đoán vô tội, quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa theo quy định nêu trên của Hiến pháp.

Trên thực tế có không ít luật sư bị cản trở, không được gặp người tạm giữ, tạm giam ở giai đoạn điều tra. Còn cơ quan điều tra thì được ví là “một mình một ngựa” đã lâu nên dẫn đến một số vụ án oan sai. Phải chăng, luật hóa “quyền im lặng” là phương thuốc hữu hiệu trị tận gốc căn bệnh mãn tính của những điều tra viên không tuân thủ đúng quy trình tố tụng?

Tuy BLTTHS nước ta có một số quy định mang tính chất tiến bộ như trách nhiệm xác định sự thật vụ án, quyền tham gia vụ án của người bào chữa, nhưng việc thực hiện các quyền này trên thực tế là rất khó, thậm chí bị cơ quan tố tụng cản trở việc thực hiện quyền. Cụ thể: Điều 10, BLTTHS quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Cơ quan điều tra, viện Kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, Điều 56, BLTTHS cũng quy định, trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, viện Kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa, từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa, nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Luật quy định là vậy, nhưng thực tế rất hiếm trường hợp luật sư được tham gia ngay từ đầu vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Từ hoạt động cấp giấy chứng nhận bào chữa của Cơ quan điều tra, cho đến việc liên hệ điều tra viên để tham gia các buổi hỏi cung của bị can, luật sư thường bị gây khó dễ, cản trở, từ chối khéo. Và thực tế tham gia bào chữa của giới luật sư, chúng tôi thường chỉ được tham gia vụ án khi đã có kết luận điều tra hoặc vụ án đã chuyển qua giai đoạn truy tố của viện Kiểm sát.

Ông có đánh giá gì nếu “quyền im lặng” không được đưa vào BLTTHS sửa đổi sắp tới?

Việc ghi nhận “quyền im lặng” là biện pháp cơ bản để tránh oan sai, chống bức cung, nhục hình, mớm cung, các sai phạm trong tố tụng hình sự của các chủ thể tiến hành tố tụng. Hiện tại pháp luật tố tụng hình sự không quy định, ghi nhận “quyền im lặng” của người bị bắt giữ, bị can. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng án oan, sai trong hoạt động tố tụng ở nước ta. Những vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, kỳ án oan “vườn điều” Nguyễn Văn Nén tại Bình Thuận là một trong những án oan điển hình do cán bộ điều tra không tuân thủ đúng quy trình tố tụng.

Ngoài ra, cũng cần bàn thêm rằng, việc tham gia của luật sư trong vụ án ngay từ giai đoạn ban đầu sẽ góp phần làm sáng tỏ vụ án. Luật sư tham gia vụ án không phải để làm cản trở hoạt động điều tra mà chỉ nhằm giám sát hoạt động tố tụng của chủ thể tiến hành tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật của thân chủ và nhằm làm sáng tỏ vụ án, tránh oan sai.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần thiết phải đưa các quy định “quyền im lặng” của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can vào BLTTHS sửa đổi lần này.

Xin cảm ơn ông!

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, quyền suy đoán vô tội của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Hiến pháp thì cũng nên luật hoá “quyền im lặng”. ông có đồng tình với quan điểm này không?

Tôi nhất trí với quan điểm trên. Theo tôi, “quyền im lặng” và một số quyền khác được quy định trong BLTTHS chính là cụ thể hoá quyền suy đoán vô tội đã được hiến định. Đây là việc nên làm và làm càng sớm càng tốt. Giới Luật gia TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều người ủng hộ quan điểm tới đây nên đưa “quyền im lặng” vào BLTTHS sửa đổi.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-chu-tich-hoi-luat-gia-tp-hcm-nen-luat-hoa-quyen-im-lang-a53797.html