+Aa-
    Zalo

    Phó Thủ tướng giải trình về Cộng đồng ASEAN trước Quốc hội

    • DSPL
    ĐS&PL Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khái quát quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như kiến nghị Quốc hội về công tác phối hợp, hoàn thiện hệ thống

    Phát biểu tại Phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sáng 18/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khái quát quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như kiến nghị Quốc hội về công tác phối hợp, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

    Phó Thủ tướngPhạm Bình Minh khái quát quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như kiến nghị Quốc hội về công tác phối hợp, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ảnh: VGP/Hải Minh

    Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, được thông qua vào năm 2003, là gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và có quan hệ rộng mở với bên ngoài.

    Lộ trình xây dựng Cộng đồng được triển khai từ năm 2009 với hơn 800 đầu việc trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội.

    Phó Thủ tướng khẳng định, việc hình thành Cộng đồng ASEAN không phải là một sự kiện, mà là cả một tiến trình, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Đây là “bước chuyển mang tính chiến lược”, dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực và tạo thêm xung lực mới cho ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới.

    Tuy nhiên, Cộng đồng ASEAN thực chất vẫn là một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, có mức độ liên kết cao hơn Hiệp hội, nhưng chưa chặt chẽ đến mức như EU và không phải là một tổ chức siêu quốc gia.

    Việc Việt Nam gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. ASEAN là một trong những điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ 7 đề ra.

    Khi ASEAN đề ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng, Bộ Chính trị đã phê duyệt Đề án “Phương hướng và biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác đến năm 2015”, Chính phủ đã ra Nghị quyết ban hành Chương trình hành động để triển khai Đề án.

    Phó Thủ tướng cho rằng việc tham gia ASEAN mang lại nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực, trong đó quan trọng nhất là góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao năng lực hội nhập, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

    Tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các FTA giữa ASEAN với các đối tác giúp ta chủ động, tự tin tham gia các sân chơi lớn hơn như TPP, RCEP; một loạt các FTA lớn với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu... qua đó mở rộng thị trường, tăng thu hút đầu tư, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại phục vụ phát triển đất nước.

    Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những thuận lợi và thách thức sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành.

    Về thuận lợi, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trong 30 năm đổi mới với thế và lực mới, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước, trong đó có những nước lớn quan trọng.

    Việt Nam đã có sự chuẩn bị và có đủ năng lực hội nhập quốc tế và khu vực để tích cực tham gia Cộng đồng ASEAN; hệ thống pháp luật cơ bản tương thích và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.

    Ảnh: VGP/Hải Minh

    Về thách thức, Phó Thủ tướng nêu rõ tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, trong đó khu vực châu Á –Thái Bình Dương trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, việc duy trì thống nhất và đoàn kết nội khối ASEAN là “vấn đề sống còn”.

    Hơn nữa, Việc Nam vẫn thuộc nhóm nước đi sau về trình độ phát triển trong ASEAN. Khi Cộng đồng hình thành, Việt Nam có thể sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và ở thế bất lợi hơn nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ.

    Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về Cộng đồng ASEAN còn chưa đầy đủ, 70\% doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về Cộng đồng ASEAN là một thực tế đáng lo ngại.

    Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình tham gia ASEAN trong 20 năm qua, đề ra mục tiêu, phương hướng và biện pháp tham gia trong thời gian tới, đồng thời xem xét lồng ghép công tác ASEAN vào các chương trình hành động quốc gia, nhất là về hội nhập quốc tế.

    Phó Thủ tướng kiến nghị Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam trong tham gia hoạt động của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); cùng Quốc hội các nước ASEAN hỗ trợ các cơ quan Chính phủ, tổ chức nhân dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng ASEAN liên kết chặt chẽ và vững mạnh.

    Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước để tạo thuận lợi cho hội nhập khu vực và quốc tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các luật lệ, quy định trong nước cho phù hợp để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận của ASEAN.

    Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét lồng ghép phù hợp các cam kết, thỏa thuận của ASEAN vào các chương trình quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những lợi ích thiết thực từ các hoạt động hợp tác ASEAN, đồng thời đóng vai trò chủ thể trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.

    Theo chương trình, tại phiên giải trình, các đại biểu sẽ nghe các báo cáo về tính tương thích của pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập ASEAN, về Cộng đồng Văn hóa-xã hội và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

    Theo baochinhphu.vn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-thu-tuong-giai-trinh-ve-cong-dong-asean-truoc-quoc-hoi-a106766.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.